Ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng - Bộ GD ĐT.
Cách thức tổ chức
thi các môn tự chọn và bắt buộc sẽ được thực hiện như thế nào thưa ông?
- Chúng ta vẫn giữ nguyên các môn Toán, Văn, Lịch
sử, Địa lý thi tự luận còn Hóa, Sinh, Lý, vẫn thi trắc nghiệm. Riêng Ngoại ngữ hướng dần
tới đánh giá những kỹ năng hoàn chỉnh vì vậy năm nay chúng ta sẽ có thêm phần tự
luận. Về cách thức tổ chức thi, mỗi một học sinh sẽ có một số báo danh duy nhất
trong suốt kỳ thi, phòng thi sẽ được viết theo môn, trong mỗi ca thi chỉ có duy
nhất một môn thi.
Dự kiến, buổi sáng đầu tiên sẽ thi môn Văn, Hóa, buổi chiều
thi môn Sử,Vật lý; hôm sau sáng thi môn
Toán, Ngoại ngữ, chiều thi Sinh học và Địa lý. Sau mỗi ca thi chúng ta có 75
phút để thực hiện các thao tác kỹ thuật. Việc xen kẽ các môn tự nhiên và xã hội
sẽ giúp chúng ta giảm tới mức thấp nhất khả năng một thí sinh có thể phải thi
hai ca liên tục.
Nếu được tự chọn thì trong tương lai có một số
môn sẽ không có thí sinh nào chọn như môn Lịch sử, Bộ đã tính đến phương án này
chưa?
-
Năm nay chúng ta sử dụng kết quả đánh giá tốt nghiệp theo cả quá trình học
3 năm cấp 3, vì vây để có kết quả tốt thì học sinh không thể lơ là 3 năm học tất
cả các môn khác. Nếu xét từng học sinh thì đúng là các em chỉ chọn 2 môn theo sở
thích, có thể chọn cả hai môn tự nhiên hoặc cả hai môn xã hội.
Nhưng xét ở bình
diện quốc gia, chúng ta có 6 môn tự chọn, nhiều hơn so với trước (chỉ có 2 môn
hoặc 3 môn do Bộ chỉ định). Nhìn rộng ra thì chính xác là toàn diện hơn, đều
hơn, nhìn về tổng thể thì học sinh sẽ phát huy được năng lực của mình nhiều hơn
là học lệch.
Theo lộ trình của Bộ GD
ĐT đưa ra, tương lai sẽ chỉ có 1 kỳ thi quốc gia chung với 4 bài thi (thay thế
4 môn thi) theo phương pháp tích hợp. Vậy,
việc chuẩn bị cho lộ trình này đã được
thực hiện đến đâu thưa ông?
- Hai, ba năm trở lại đây chúng ta đang điều
chỉnh dạy học theo hướng tổ hợp, chúng ta đã đưa vào các câu hỏi mở buộc học
sinh phải sử dụng các kiến thức tổng hợp và hiểu biết xã hội vận dụng vào việc
làm bài. Cách làm như thế sẽ được thực hiện từng bước, từ đơn giản đến phức tạp,
từ hẹp đến rộng. Cho đến một lộ trình nào đấy chúng ta hoàn thiện được phương
pháp dạy học ta sẽ chuyển từ phương án 4 môn thi thành 4 bài thi. Tức là trong
các bài thi sẽ chứa đựng kiến thức tích hợp của nhiều môn khác nhau, bộc lộ được
tính ứng dụng kiến thức.
Tại sao Bộ lại quyết định
bỏ việc miễn thi cho 20% học sinh giỏi?
-Việc dự kiến miễn thi cho 20% học sinh giỏi
là một chủ trương đúng và có tính chất khuyến khích học sinh. Tuy nhiên, sau khi
trao đổi với các cơ sở giáo dục về việc này thì có một thực tế đặt ra là điều
kiện, hoàn cảnh mỗi địa phương khác nhau. Thứ 2, việc miễn thi có phần gây phức
tạp khó khăn cho địa phương trong việc triển khai. Vì vậy, Bộ chủ trương trong
năm nay chưa thực hiện miễn thi tốt nghiệp.
Xin cảm ơn ông!
Tùng Anh (ghi) (Tùng Anh (ghi))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.