Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải mới đây đã chính thức khẳng định: Bộ Công Thương vẫn chưa có bất cứ phương án nào về tăng giá điện được quyết định đến thời điểm này. Giá bán lẻ điện bình quân vẫn theo mức điều chỉnh từ ngày 1.8.2013 là 1.509 đồng/KWh.
Đến thời điểm này, giá bán lẻ điện bình quân vẫn theo mức điều chỉnh từ ngày 1.8.2013 là 1.509 đồng/KWh.
Vì sao vẫn phải tăng giá điện?
Như vậy có thể khẳng định chắc chắn, năm 2014, giá điện không tăng. Tuy nhiên, điều mà nhiều người tiêu dùng quan tâm là vậy năm 2015, giá điện sẽ được điều chỉnh như thế nào, có tăng hay không?
Ông Trần Viết Ngãi-Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, một người rất am hiểu về hoạt động của EVN cho biết, năm 2014 và cả năm 2015, dự kiến sản xuất kinh doanh của EVN sẽ vẫn có lãi. Tuy nhiên, theo ông Ngãi, giá điện vẫn sẽ phải tăng lên.
Ông Ngãi khẳng định: Việc EVN đề xuất tăng giá điện là hoàn toàn phù hợp chứ “không đến nỗi quá vô lý”. Với mức đề xuất tăng giá điện lên 9,5%, nếu được chấp thuận, EVN dự kiến sẽ thu về thêm khoảng 7.000 tỷ đồng. Số tiền này là dùng để bù đắp một phần lỗ tỷ giá hơn 8.000 tỷ đồng trong năm 2013, phí tài nguyên nước tăng từ 2 lên 4%, chi phí lưới điện nông thôn và áp lực đầu tư thêm các dự án điện.
Năm nay, giá than bán cho điện đã tăng thêm từ 4-10% khiến ngành điện đội chi phí thêm khoảng 1.500-1.800 tỷ đồng. Theo ông Trần Viết Ngãi, hằng năm vốn đầu tư của EVN vào các dự án nhiệt điện, điện nông thôn cũng lên tới hơn 1.200 tỷ đồng. Với giá điện thấp như hiện nay thì ngành điện sẽ không có đủ vốn và khó huy động đủ vốn để đối ứng cho các dự án điện đã đang và sẽ đầu tư xây dựng, chưa kể thu hút đầu tư từ bên ngoài vào ngành điện.
Từ 1.1.2015, giá khí ngoài bao tiêu bán cho điện cũng sẽ tăng lên khiến cho giá thành điện nói chung của EVN tăng thêm từ 5.000 - 6.000 tỷ đồng, còn tính theo kWh sẽ làm giá thành điện ước tăng thêm 20-46 đồng/kWh so với giá bình quân hiện hành.
Một lý do nữa là việc phải tăng giá truyền tải điện hiện tại ở mức 86,4 đồng/kWh, đang chỉ chiếm khoảng 5,7% giá bán điện bình quân. Để đảm bảo cho truyền tải điện có lãi tối thiểu và có vốn để đầu tư thì mức giá điện truyền tải cần phải nâng lên từ 10-12%, tác động vào giá thành sản xuất điện...
Chỉ với bấy nhiêu lý do đã đủ để EVN điều chỉnh tăng giá điện trong năm tới, dù tập đoàn này kinh doanh vẫn có lãi, theo ông Ngãi ít nhất cũng vài trăm tỉ đồng.
Sẽ chỉ còn là thời điểm…
Vấn đề còn phải cân nhắc hiện nay là giá điện sẽ được điều chỉnh vào thời điểm nào cho hợp lý và mức điều chỉnh như thế nào để tránh những tác động không tốt tới nền kinh tế và sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân.
Một nguồn tin khác của Dân Việt cho biết, đề xuất xin giá điện của EVN có thể có nhiều cơ hội được chấp thuận trong quý II.2015, vì đây là thời điểm Vinacomin (Tập đoàn than và khoáng sản Việt Nam) dự tính tăng giá than bán cho các đơn vị sản xuất điện thêm khoản 10-12%. Theo đó EVN chắc chắn sẽ xin tăng giá điện. Mức đề xuất có phải theo phương án cũ là tăng 9,5% hay không đã không được tiết lộ.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, thực tế, EVN hoàn toàn có thể dựa vào hai quyết định của Thủ tướng để điều chỉnh giá điện. Cụ thể, với Quyết định 2165 ngày 11.11.2013, Thủ tướng cho phép tới năm 2015, giá điện bình quân được kịch trần 1.835 đồng/kWh, tăng 21,6% so với hiện nay. Nếu tăng 9,5% thì giá mới sẽ thấp hơn khoảng 11,06% so với trần khung giá điện bình quân là 1.835 đồng/kWh giai đoạn 2013-2015, được quy định trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Có nghĩa EVN vẫn còn dư địa để giá điện tăng thêm khoảng 10% nữa vào năm 2015.
Cùng đó, với Quyết định 69 ngày 19.11.2013, Thủ tướng cũng cho phép EVN được quyền tăng giá điện trong phạm vi tới 7% (thay vì 5% như trước đây). Ông Phong cho rằng những năm qua, EVN đã lãi lớn nên rất cần có động thái chia sẻ phần lãi với người tiêu dùng, với hoạt động đầu tư, nhất là trong bối cảnh ngành điện đang có nhiều lợi thế về chi phí đầu vào giảm như hiện nay. Về ngắn hạn nếu cứ phải tăng giá điện thì đề xuất tăng 5% trở xuống có lẽ sẽ dễ được xã hội, người dân chấp thuận hơn.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trong buổi lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Điện lực Việt Nam (EVN) 21.12 đã yêu cầu EVN phải bán điện theo cơ chế thị trường nhằm đạt mục tiêu khuyến khích đầu tư cho phát triển ngành điện. Đảm bảo kết hợp hài hòa giữa các mục tiêu chính trị - kinh tế - xã hội của Nhà nước và mục tiêu sản xuất, kinh doanh, tự chủ tài chính của các doanh nghiệp ngành điện. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu EVN tiếp tục quá trình phát triển thị trường điện lực theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (thị trường bán buôn điện từ năm 2015, thị trường bán lẻ điện từ năm 2021).
Mức giá điện nếu được điều chỉnh tăng 9,5%, theo ông Ngãi, sẽ tương đương khoảng 8 cent (Mỹ)/kWh và có thể chấp nhận được, bởi giá điện hiện nay của Việt Nam mới chỉ khoảng 7 cent/kWh, thấp hơn giá thế giới 2-3 cent/kWh. Được biết, theo Quy hoạch phát triển điện lực VII được xây dựng trước đây đã xác định, giới hạn về giá điện là 9 cent/kWh nhưng giá điện hiện nay, quy đổi ra đồng USD đã là 7,3 cent/kWh. Do vậy, nếu cứ tăng giá thì giá điện của EVN sẽ sớm vượt quá giới hạn lên cao quá mức giá điện trung bình của khu vực.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.