Kể từ đó, chúng ta đã tìm thấy và xác nhận 3.431 ngoại hành tinh như vậy, và chỉ riêng nhiệm vụ Kepler cũng đang chờ được xác nhận cho 2.416 trường hợp nữa. Rất nhiều hành tinh được tìm thấy chỉ trong hơn hai thập kỷ.
Từ Khoa học viễn tưởng đến Thực tế
Trong số các ngoại hành tinh quay xung quanh ngôi sao chủ có tên PSR B1257+12, có 2 hành tinh có khối lượng lớn hơn nhiều so với Trái Đất nhưng lại nhỏ hơn sao Hải Vương. Những hành tinh như vậy được phân loại là “siêu Trái Đất”. Từ đó, chúng ta đã tìm thấy rất nhiều siêu Trái Đất đa dạng khác. HIP 116454b quay quanh ngôi sao chủ của mình trong vòng chưa tới 10 ngày, nhưng một năm trên hành tinh 55 Cancri e lại còn ngắn hơn nữa – chỉ dài 18 giờ đồng hồ. Hành tinh 55 Cancri e không có hơi nước trong bầu khí quyển, trong khi một siêu Trái Đất khác là Gliese 1214b lại có nước ở trạng thái plasma trên bề mặt.
Một giải đấu phức tạp về quan sát các ngôi sao
Khi các kính thiên văn và đài quan sát lớn hơn, tốt hơn được xây dựng, chúng ta có thể quan sát chi tiết hơn theo cấp số nhân, và điều này mang đến nền tảng vững chắc để phân tích các vật thể xung quanh chúng ta trong vũ trụ. Năm 2016 đã có một số diễn biến đáng chú ý, tuy nhiên, chúng ta đang kỳ vọng rất cao rằng trong năm 2017 sẽ tìm thấy nhiều siêu Trái Đất hơn nhờ vào sự ra mắt của các kính thiên văn và đài quan sát sắp ra mắt dưới đây – thậm chí, chúng ta còn có thể tìm thấy một số hành tinh thể hiện các điều kiện chín muồi cho sự sống.
Hình ảnh minh họa của các nhà khoa học về Proxima B
Vệ tinh thăm dò ngoại hành tinh quá cảnh (Transiting Exoplanet Survey Satellite – TESS)
NASA sẽ ra mắt TESS trong năm 2017. Trong nhiệm vụ kéo dài 2 năm này, họ có kế hoạch sử dụng vệ tinh này để quan sát ít nhất 200.000 ngôi sao và mong đợi sẽ khám phá thêm hàng ngàn ngoại hành tinh nữa.
MeerKAT và SKA
Kính thiên văn vô tuyến MeerKAT 64 đĩa ở Nam Phi mạnh đến nỗi chỉ trong một lần chạy thử nghiệm bằng 16 đĩa trên tổng số 64 đĩa, đã có thể phát hiện được 1.300 thiên hà ở nơi mà trước đó chỉ phát hiện được 70 thiên hà. Theo dự kiến, tất cả 64 đĩa này sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2017, vì vậy, chúng ta có thể mong đợi về những phát hiện lớn từ kính thiên văn này. Nếu như MeerKAT vẫn chưa đủ để gây ấn tượng, thì đây thật ra chỉ là một phần nhỏ của một dự án lớn hơn - Dự án kính thiên văn khổng lồ Square Kilometer Array (với tổng diện tích bề mặt của toàn bộ các kính được lắp đặt là 1km - PV)
Kính thiên văn FAST
Kính thiên văn Aperture Spherical Telescope (FAST) rộng 500m với biệt danh là Tienyan (Thiên nhãn) giữ kỷ lục thế giới không chỉ ở kích thước mà còn ở độ nhạy: nó nhạy gấp đôi và nhanh hơn từ 5 – 10 lần so với đối tượng giữ kỷ lục trước đó. Thiết bị này đã hoạt động từ tháng 9 năm nay, vì vậy có thể nó sẽ có nhiều đóng góp cho các khám phá trong năm 2017.
Hình ảnh minh họa Kính thiên văn James Webb Space Telescope
Kính thiên văn James Webb Space Telescope (JWST)
Nếu trong năm 2017, các phát hiện về siêu Trái đất vẫn chưa đủ, thì Kính thiên văn Hubble của NASA sẽ được thay thế, và Kính thiên văn vũ trụ James Webb Space Telescope sẽ tham gia tìm kiếm các ngoại hành tinh vào năm 2018. Kính thiên văn này phải mất tới 20 năm và 8,8 tỷ USD để xây dựng, với tầm nhìn lớn hơn kính Hubble 100 lần. Có thể nói rằng, JWST mạnh tới mức có thể phát hiện một con ong nghệ trên mặt trăng. Vì vậy, có hy vọng rất cao rằng nó sẽ có khả năng phát hiện nhiều siêu Trái Đất hơn nữa.
Trong số các ngoại hành tinh đã phát hiện được, 5 ngoại hành tinh được cho là có nhiều khả năng có sự sống nhất, đó là:
1. Kepler 1229b
Đường màu xanh thể hiện giới hạn ước tính của khu vực có sự sống tiềm năng (Ảnh: NASA)
Được phát hiện ngày 10.5.2016, hành tinh này quay xung quanh một ngôi sao lùn đỏ mờ mất 87 ngày, và cách chúng ta khoảng 770 năm ánh sáng.
2. Kepler 62f
Sơ đồ so sánh hệ hành tinh Kepler 62 (phía trên) với hệ mặt trời (phía dưới) (Ảnh: NASA)
Kepler 62f là một phần của hệ đa hành tinh được phát hiện năm 2013. Hành tinh này hoàn thành một vòng quỹ đạo mất 267 ngày. Nhiều khả năng, Kepler 62f là một hành tinh đá giống Trái Đất với khoảng cách là 1.200 năm ánh sáng.
3. Kepler 442b
Hình ảnh so sánh về các hành tinh có sự sống tiềm năng do kính Kepler phát hiện trong tháng 1.2015 và phát hiện từ trước đó (Ảnh: NASA)
Kepler 442b được coi là phát hiện về ngoại hành tinh hứa hẹn nhất trong năm 2015. Mặt trời của hành tinh này là một ngôi sao lùn trẻ nằm cách chúng ta khoảng 1.100 năm ánh sáng. Kepler 442b thực hiện một vòng quỹ đạo mất 112 ngày.
4. Kepler 186f
Sơ đồ thể hiện tương quan kích thước giữa Kepler 186 và các hành tinh vòng trong hệ mặt trời.
Có lẽ, Kepler 186f là một trong những hành tinh tiềm năng có sự sống nổi tiếng nhất mà nhiệm vụ Kepler phát hiện được. Sự phát hiện hành tinh này được công bố ngày 17.4.2014, đây là một hành tinh quay xung quanh một ngôi sao lùn đỏ với chu kỳ 130 ngày và cách chúng ta khoảng 560 năm ánh sáng.
5. Proxima Centauri b
Sơ đồ so sánh quỹ đạo của Proxima Centauri b với khu vực tương tự trong hệ mặt trời (Ảnh: ESO)
Đây là ngoại hành tinh được phát hiện mới nhất, có khoảng cách gần nhất và có nhiều khả năng có sự sống nhất cho đến thời điểm hiện tại. Không giống các ngoại hành tinh khác trong danh sách này đều có khoảng cách hàng trăm năm ánh sáng, Proxima Centauri b chỉ cách chúng ta 4,24 năm ánh sáng. Hành tinh này được công bố phát hiện ngày 24.8.2016.
Anh Thư (Dân Trí)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.