Năm 2021, triển vọng xuất khẩu gạo được dự báo như thế nào?
Năm 2021, triển vọng xuất khẩu gạo được dự báo như thế nào?
Khánh Nguyên
Thứ ba, ngày 22/12/2020 13:51 PM (GMT+7)
Trái ngược với sự sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, giá trị xuất khẩu (XK) gạo Việt năm 2020 lại tăng trưởng mạnh mẽ, thậm chí không ít thời điểm giá còn vượt qua cả gạo Thái Lan. Dự báo, 2021 vẫn là một năm nhiều cơ hội với “hạt ngọc trời”.
Theo thông tin mới nhất từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), tính từ đầu năm đến hết tháng 11/2020, tổng khối lượng và trị giá XK gạo lần lượt đạt 5,74 triệu tấn và 2,85 tỷ USD, giảm 2,2% về khối lượng nhưng tăng 10,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Trong 10 tháng năm 2020, Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường XK gạo của Việt Nam với 32,9% thị phần. Giá gạo XK bình quân 10 tháng năm 2020 đạt 493,3USD/tấn, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Điểm sáng xuất khẩu
Trái ngược với tình trạng chật vật của nhiều nông sản XK tỷ USD khác, 2020 là năm tương đối thành công với mặt hàng gạo. Trị giá XK gạo liên tục tăng trưởng khá đều đặn qua các tháng. Đáng chú ý, năm nay gạo Việt có những chuyển biến khá ấn tượng về mặt giá cả, "vượt mặt" gạo Thái Lan.
VFA dự báo, XK gạo của Việt Nam trong quý I/2021 vẫn tốt khi các thị trường XK chính của Việt Nam như: Philippines, châu Phi... tiếp tục ký hợp đồng mua gạo của Việt Nam. Thị trường gạo châu Á cũng bắt đầu nóng trở lại khi hàng loạt khách hàng rất tiềm năng đang ráo riết mua vào...
Cụ thể, khoảng giữa tháng 8/2020, theo cập nhật giá gạo XK của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm của Việt Nam giao dịch ở mức 493 - 497USD/tấn, còn giá gạo cùng loại của Thái Lan chỉ 473 - 477USD/tấn; gạo Pakistan từ 423 - 427USD/tấn; gạo Ấn Độ giá 378 - 382USD/tấn.
Sẽ là thiếu sót nếu nhắc tới XK gạo năm 2020 mà không đề cập tới việc tận dụng thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) để thúc đẩy XK gạo sang thị trường đầy tiềm năng này.
Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) nhấn mạnh, năm nay gạo Việt đón nhiều tin vui khi có 9 giống lúa thơm XK sang EU được hưởng hạn ngạch về thuế quan gồm: Jasmine 85, ST5, ST20, Nàng Hoa 9, VĐ 20, RVT, OM 4900, OM 5451, Tài nguyên Chợ Đào.
"EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm. Điều này cho thấy, tiềm năng XK gạo Việt sang EU còn rất lớn" - ông Cường nói.
Nhiều chuyên gia dự báo cả năm nay XK gạo sẽ cán đích trên 6 triệu tấn, trị giá khoảng 3 tỷ USD.
Kỳ vọng năm 2021
Thắng lợi của ngành lúa gạo năm 2020 không phải tự nhiên mà có. Ông Nguyễn Như Cường đánh giá, đó là kết quả cả quá trình phấn đấu bền bỉ của các doanh nghiệp, người trồng lúa.
"Chúng ta đã có một thời gian dài chuẩn bị đầu tư về mặt khoa học công nghệ, chọn tạo các giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, thích ứng với biến đổi khí hậu" - ông Cường nói.
Lãnh đạo Cục Trồng trọt cũng đề cập tới góc độ, năm nay do tác động của dịch Covid-19, kế hoạch sản xuất của nhiều quốc gia bị ảnh hưởng nên nguồn cung lúa gạo ít nhiều bị ảnh hưởng.
rong khi đó, Việt Nam kiểm soát rất tốt dịch bệnh, cộng với việc chủ động bố trí thời vụ, cơ cấu giống phù hợp nên sản xuất lúa vẫn đảm bảo.
Dù ảnh hưởng của thiên tai nhưng nguồn cung lúa gạo vẫn dồi dào, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, đảm bảo an ninh lương thực và XK. Bên cạnh đó, công tác xúc tiến thị trường một cách bài bản nên XK gạo thắng lợi toàn diện về số lượng, trị giá.
Ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch VFA khẳng định, chiến lược tái cơ cấu giống lúa Việt Nam đã gặt hái thành quả nhất định. Đặc biệt, các địa phương thực hiện các công tác bao bờ để ngăn chặn nước mặn vào lúa rất hiệu quả nên sản lượng có giảm nhưng không đáng kể.
Quan điểm của Bộ NNPTNT là giảm trồng gạo trắng, loại gạo thấp cấp, hạt cơm rời, sẽ không cạnh tranh lại với Ấn Độ và Pakistan.
Đổi lại, việc nhiều địa phương tăng trồng các giống lúa thơm, dẻo, giá cao để "chen chân" vào các thị trường lớn như: Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu... nay đã có kết quả khả quan.
VFA dự báo, XK gạo của Việt Nam trong quý I/2021 vẫn tốt khi các thị trường XK chính của Việt Nam như Philippines, châu Phi... tiếp tục ký hợp đồng mua gạo của Việt Nam. Thị trường gạo châu Á cũng bắt đầu nóng trở lại khi hàng loạt khách hàng rất tiềm năng đang ráo riết mua vào, trong đó điển hình phải kể đến Trung Quốc, Bangladesh…
Ở góc độ sản xuất, ông Nguyễn Như Cường dự báo, vụ đông xuân năm 2020-2021 ở ĐBSCL sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn khi mức độ hạn mặn có thể tương đương năm 2015-2016 nhưng nhẹ hơn năm 2019-2020.
Trước thực tế này, Bộ NNPTNT đã, đang và sẽ phối hợp các đơn vị, địa phương tiếp tục đánh giá tình hình, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng để cân đối lịch thời vụ, cơ cấu giống hợp lý với phương châm ứng dụng linh hoạt, tùy theo điều kiện cụ thể của từng vùng.
"Chúng tôi xác định dù năm 2021 có những bất lợi về thời tiết, khí hậu nhưng ngành trồng trọt vẫn chủ động ứng phó, đảm bảo sản xuất lúa thắng lợi, đảm bảo an ninh lương thực và có đủ số lượng để XK" - ông Cường nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.