Chia sẻ với báo chí, TS. Nguyễn Đức Cường - Chánh Thanh tra Bộ GDĐT cho biết, đến thời điểm này, Thanh tra Bộ đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 78 cơ sở giáo dục đại học có hành vi vi phạm trong công tác tuyển sinh. Một số cơ sở đào tạo vi phạm điển hình như: Trường ĐH FPT tuyển sinh vừa vượt chỉ tiêu tối đa theo năng lực, vừa tuyển sinh không đúng đề án đã công khai, vượt chỉ tiêu cả trình độ đại học cả trình độ thạc sĩ; hay Trường Đại học Kinh doanh Công nghệ Hà Nội, Trường Đại học Nguyễn Trãi đều tuyển vượt và đã bị xử lý…
Đây không phải là năm đầu tiên xảy ra tình trạng nhiều trường tuyển vượt chỉ tiêu, dù không được phép (năm 2021, có ngành của một trường đại học đã tuyển vượt tới gần 1.400%).
Theo TS. Nguyễn Đức Cường, việc xử lý đối với các cơ sở đào tạo tuyển sinh không đúng quy định là việc làm thường niên hàng năm của Bộ GDĐT. Đối với các cơ sở đào tạo có dấu hiệu tuyển sinh không đúng quy định, Vụ Giáo dục Đại học tổng hợp danh sách kèm dấu hiệu gửi Thanh tra để xem xét xử lý theo quy định pháp luật.
Cũng theo Chánh Thanh tra Bộ GDĐT: "Công tác tuyển sinh năm 2022 thì đến 31/12/2022 mới kết thúc, lúc đó các trường mới báo cáo và chúng tôi mới xác định được trường nào sẽ không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh (do vượt chỉ tiêu). Còn năm 2021, vi phạm trong tuyển sinh năm 2021 của các cơ sở đào tạo được xem xét thực hiện theo quy định tại Nghị định số 04/2021/NĐ-CP (năm đầu tiên thực hiện), xử lý vi phạm theo khối ngành và mức vi phạm đối với hành vi tuyển vượt thấp hơn (Nghị định 138/2013/NĐ-CP là từ 5% trở lên, còn Nghị định 04/2021/NĐ-CP là 3%), nên có những cơ sở đào tạo mặc dù không tuyển đủ theo tổng chỉ tiêu nhưng lại vi phạm ở từng khối ngành vẫn bị xử phạt. Điều này dẫn đến số lượng cơ sở đào tạo bị xử lý tăng lên so với những năm trước, cá biệt có khối ngành số lượng chỉ tiêu các trường xác định thấp (dưới 50 chỉ tiêu) dẫn đến khi tuyển sinh vượt chỉ tiêu với tỉ lệ lớn nhưng số tuyệt đối không nhiều.
Ngoài tuyển sinh vượt chỉ tiêu tối đa theo năng lực của cơ sở đào tạo, các cơ sở đào tạo còn bị xử lý khi tuyển sinh không đúng đề án đã xác định và công khai, mặc dù tuyển sinh chưa vượt chỉ tiêu tối đa theo năng lực của mình".
TS. Nguyễn Đức Cường cho biết thêm, việc xử phạt hành vi vi phạm hành chính chủ yếu mang tính răn đe, ngăn ngừa vi phạm nên Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định về các hình thức xử phạt có các hình thức xử phạt vi phạm hành chính gồm hình thức xử phạt chính là Cảnh cáo và Phạt tiền và các hình thức xử phạt bổ sung gồm: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; trục xuất.
Việc xử phạt chính bằng tiền đối với lĩnh vực giáo dục, cao nhất đối với tổ chức là 150 triệu đồng và cá nhân là 75 triệu đồng có thể tính răn đe còn thấp nhưng đối với cơ sở giáo dục khi bị áp dụng các hình thức phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả sẽ có tính răn đe cao và mạnh. Hình thức phạt bổ sung gồm: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; trục xuất; đình chỉ hoạt động có thời hạn và 22 biện pháp khắc phục hậu quả.
"Đối với cơ sở giáo dục đại học vi phạm sẽ bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận không được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh mở ngành đào tạo, liên kết đào tạo… trong thời hạn 5 năm, kể từ khi có kết luận về việc vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Riêng về tuyển sinh, cơ sở giáo dục đại học vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh thì bị xử lý theo quy định của pháp luật và không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong thời hạn 5 năm, kể từ khi có kết luận về việc vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền", TS. Nguyễn Đức Cường cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.