Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nam Định, tổng đàn chó, mèo của tỉnh luôn dao động từ 110.000 - 128.000 con; số hộ nuôi nuôi chó, mèo trên 80.000 hộ. Chó chủ yếu được nuôi làm cảnh, trông giữ nhà, mỗi hộ nuôi từ 1 - 2 con.
Hằng năm, từ tháng 2 - 3 dương lịch, công tác thống kê, quản lý đàn chó, mèo được UBND cấp xã triển khai để phục vụ công tác tiêm phòng và triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh Dại.
Ông Mai Văn Quang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nam Định cho biết, từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra bệnh Dại trên động vật và người.
Có được kết quả trên là do hàng năm tỉnh triển khai 2 đợt tiêm tập trung vắc xin phòng bệnh Dại cho đàn chó, mèo vào tháng 3 - 4 và tháng 9 - 10; đồng thời chỉ đạo tiêm phòng bổ sung hàng tháng cho những chó, mèo phát sinh.
"Năm 2022, toàn tỉnh tiêm được 57.173 con chó, năm 2023 tiêm được 62.077 con. Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh mới tiêm được trên 22% tổng đàn, phấn đấu năm 2024 tiêm đạt trên 70% tổng đàn", ông Quang thông tin.
Theo ông Quang, những năm qua, công tác giám sát, xử lý ổ dịch bệnh Dại trên địa bàn tỉnh được thực hiện đến tận hộ nuôi qua hệ thống thú y và sự phối hợp trao đổi thông tin với ngành y tế về các trường hợp người bị chó cắn đi điều trị dự phòng.
Việc phát hiện bệnh Dại còn thực hiện thông qua giám sát cộng đồng với sự tham gia của trưởng thôn/xóm và người dân. Từ năm 2022 đến nay, đã triển khai lấy 2 mẫu bệnh phẩm chó, mèo xét nghiệm bệnh Dại; kết quả các mẫu âm tính với vi rút dại.
Chia sẻ về khó khăn trong công tác phòng chống bệnh Dại, ông Quang thổ lộ, do hệ thống cơ quan chuyên môn thú y cấp huyện không được tổ chức theo Luật Thú y nên đã ảnh hưởng phần nào đến kết quả triển khai thực hiện các nội dung phòng, chống bệnh Dại.
Bên cạnh đó, nhận thức của một số cơ sở và người dân về công tác phòng, chống bệnh Dại chưa cao, còn chủ quan, lơ là, không chấp hành các quy định về phòng, chống bệnh dại, nhất là việc quản lý chó nuôi, tiêm vắc xin phòng bệnh Dại.
Việc áp dụng thực hiện các chế tài xử lý vi phạm quy định về phòng, chống bệnh Dại và quy định về chăn nuôi ở cơ sở còn hạn chế nên không có tính răn đe, làm gương cho cộng đồng, người dân…
Ông Chu Mạnh Khải, người dân thôn Hồng Phúc, xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định chia sẻ, gia đình ông có nuôi 1 con chó kiến khoảng 3 năm tuổi, nặng gần 20kg, mục đích để trông giữ nhà.
Hằng năm, cứ bắt đầu bước vào mùa hè nóng bức, gia đình ông đều chấp hành nghiêm chỉnh việc tiêm vắc xin cho chó nhằm phòng chống bệnh Dại.
Người đứng đầu chính quyền phải chịu trách nhiệm
Đó là tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh Nam Định trong công điện về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh Dại năm 2024, nếu để xảy ra trường hợp chó dại cắn người gây tử vong.
Trong công điện, UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo UBND các huyện, thành phố hướng dẫn người dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong việc nuôi, quản lý, tiêm vắc xin dại cho chó, mèo; không thả rông chó, mèo; khi đưa chó, mèo ra nơi công cộng, nơi đông người phải được đeo rọ mõm, có dây xích và người dắt.
Tổ chức thực hiện nghiêm việc tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho chó, mèo; bảo đảm tối thiểu trên 80% tổng đàn được tiêm phòng dại trong năm 2024 và các năm tiếp theo…
Bên cạnh đó, chỉ đạo UBND cấp xã chủ động, kịp thời thực hiện việc giám sát, phát hiện và áp dụng các biện pháp phòng, chống bệnh dại. Thống kê, tổng hợp, báo cáo đầy đủ, chính xác thông tin về các hộ nuôi chó, số chó nuôi, kết quả tiêm phòng vắc xin dại và tình hình bệnh Dại theo quy định.
Thành lập các đoàn công tác trực tiếp kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện công tác phòng, chống bệnh dại và quản lý chó, mèo, nhất là những nơi có tỷ lệ tiêm phòng dại cho chó, mèo đạt thấp. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật trong việc nuôi, quản lý, tiêm phòng dại cho chó, mèo.
Người đứng đầu địa phương chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra trường hợp chó dại cắn người gây tử vong.
Trong công điện, UBND tỉnh Nam Định cũng giao Sở NNPTNT chủ trì tổ chức giám sát, cảnh báo, chia sẻ thông tin, điều tra, hướng dẫn xử lý ổ dịch, đánh giá nguy cơ và tham mưu triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh Dại.
Tổng hợp, báo cáo đầy đủ, chính xác thông tin về số hộ nuôi, số chó nuôi, tiêm phòng vắc xin bệnh dại và tình hình bệnh dại trên Hệ thống báo cáo dịch bệnh động vật (VAHIS). Thành lập các đoàn kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng, chống bệnh Dại tại các địa phương.
Tỉnh Nam Định giao Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống bệnh Dại, kịp thời chia sẻ thông tin về bệnh Dại trên người. Hướng dẫn, tổ chức thực hiện, đồng thời kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác tiêm phòng vắc xin và huyết thanh kháng dại cho người.
Ngoài ra, UBND tỉnh Nam Định cũng chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông, Thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh phối hợp chặt chẽ với các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, chủ động phòng, chống bệnh dại…
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nam Định, từ năm 2022 - 2023, toàn tỉnh có 3.469 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng. Trong đó, năm 2022 là 1.164 người, năm 2023 là 2.305 người.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.