Báo động ở nhiều xã, tỷ lệ tiêm phòng bệnh Dại cho đàn chó chỉ được vài phần trăm

Khánh Nguyên (ghi) Chủ nhật, ngày 24/03/2024 09:42 AM (GMT+7)
Việc gia tăng đột biến các ca người tử vong vì bệnh Dại từ đầu năm 2024 đến nay đã gióng lên hồi chuông báo động về những lỏng lẻo trong việc quản lý đàn chó và không tiêm phòng vắc xin Dại ở các địa phương.
Bình luận 0

Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT) nhấn mạnh, các địa phương cần quản lý tốt đàn chó, tăng tỷ lệ tiêm phòng bệnh Dại cho đàn chó và có giải pháp tăng cường năng lực cho hệ thống thú y, nhất là tại các thôn, làng, bản, ấp.

Báo động ở nhiều xã, tỷ lệ tiêm phòng bệnh Dại cho đàn chó chỉ được vài phần trăm- Ảnh 1.

Theo ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT), việc gia tăng đột biến các ca người tử vong vì bệnh Dại từ đầu năm 2024 đến nay đã gióng lên hồi chuông báo động về những lỏng lẻo trong việc quản lý đàn chó và không tiêm phòng vắc xin Dại ở các địa phương. Ảnh: P.V

Ông đánh giá như thế nào về tình hình bệnh Dại trên động vật từ đầu năm 2024 đến nay?

- Nếu như năm 2023 cả nước ghi nhận 347 ca bệnh Dại trên động vật tại 31 tỉnh, thành phố thì từ đầu năm 2024 đến nay ghi nhận 45 ca tại 22 tỉnh, thành phố, tăng 6 ca và tăng gấp đôi số tỉnh, thành phố có dịch so với cùng kỳ năm 2023. 

Điều đáng báo động là, mới chưa đầy 3 tháng đầu năm 2024, cả nước có 27 người chết vì bệnh Dại, 100.000 người bị chó cắn phải điều trị dự phòng.

Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến số ca bệnh Dại cũng như ca tử vong về bệnh Dại có dấu hiệu gia tăng?

-Qua kiểm tra thực tế phòng, chống bệnh Dại tại một số tỉnh cho thấy ở nhiều địa phương việc triển khai các giải pháp phòng chống bệnh Dại còn chậm, chưa tổ chức triển khai đúng, đủ các quy định và các văn bản chỉ đạo.

Các tỉnh, huyện có văn bản chỉ đạo sau khi có văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là khâu tổ chức thực hiện, đặc biệt là UBND cấp xã, thôn bản phải kiểm tra, đôn đốc thì việc này chưa được thực hiện ở nhiều nơi.

Báo động ở nhiều xã, tỷ lệ tiêm phòng bệnh Dại cho đàn chó chỉ được vài phần trăm- Ảnh 2.

Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cùng đoàn công tác kiểm tra thực tế công tác phòng, chống bệnh Dại ở Gia Lai, ngày 21 - 22/3/2024.

Bên cạnh đó, kế hoạch phòng, chống bệnh Dại của các địa phương chưa đúng thời điểm và còn rất chậm, đến nay dịch bệnh đang diễn ra nghiêm trọng nhưng nhiều địa phương chưa phê duyệt kế hoạch, chưa bố trí kinh phí hoặc chưa đủ kinh phí. Ví dụ, chỉ bố trí kinh phí tiêm phòng cho khoảng 50% tổng đàn chó là chưa đúng quy định, chưa đạt yêu cầu.

Công tác thông tin, tuyên truyền chưa có, rất yếu và thiếu; chưa thường xuyên, liên tục, chưa sát thực tế; chưa dễ hiểu, phù hợp với người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Do vậy, cần phải tổ chức ngay tại từng thôn, làng, bản, ấp thông qua các cuộc họp cấp thôn, truyền thanh của cơ sở, họp phụ nữ, Đoàn Thanh niên, chi bộ,…

Có một vấn đề đáng lo ngại là nhiều địa phương không quản lý được đàn chó, thống kê không chính xác số lượng đàn chó. Tỷ lệ tiêm phòng bệnh Dại cho đàn chó rất thấp, do không có kế hoạch, chậm kế hoạch hoặc có nhưng không sát thực tế. Thực tế, ở nhiều xã, tỷ lệ tiêm phòng bệnh Dại cho đàn chó chỉ được một vài phần trăm. Đây là điều rất đáng lo ngại.

Mặc dù những năm qua Cục Thú y đều hỗ trợ xét nghiệm trên phạm vi toàn quốc nhưng nhiều địa phương không điều tra, không lấy mẫu xét nghiệm chó dại. Do vậy, nhiều nơi khi lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính tỷ lệ rất cao (như Gia Lai, Lạng Sơn,...).

Một trong những nguyên nhân khiến tình hình giám sát dịch bệnh khó khăn là hệ thống thú y cơ sở bị đứt gãy, nhiều nơi không có thú y xã hoặc có nhưng rất yếu. Trong khi đó, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ các địa phương bố trí kinh phí để tổ chức tiêm vắc xin nhưng kế hoạch của địa phương không có, hoặc có nhưng công tiêm vắc xin Dại cho đàn chó rất thấp, trong khi lực lượng thú y đi bắt chó, tiêm vắc xin rất vất vả, có khi ảnh hưởng, nguy hiểm đến sức khoẻ, tính mạng.

Sự phối hợp giữa lực lượng thú y và y tế còn rất lỏng lẻo, nhiều nơi thiếu sự phối hợp, chia sẻ thông tin.

Báo động ở nhiều xã, tỷ lệ tiêm phòng bệnh Dại cho đàn chó chỉ được vài phần trăm- Ảnh 3.

Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cùng đoàn công tác của Cục Thú y kiểm tra công tác tiêm phòng bệnh Dại cho chó ở Thanh Hóa tháng 3/2024.

Không còn người chết vì bệnh Dại từ năm 2030 là mục tiêu toàn cầu mà các tổ chức quốc tế, các đơn vị nghiên cứu, khối tư nhân và đại diện của hơn 70 quốc gia bao gồm cả Việt Nam đã thống nhất. Theo ông, để đạt được mục tiêu này, cần ưu tiên những giải pháp gì?

-Trước mắt, để khống chế, khoanh vùng các ca bệnh Dại trên động vật, hạn chế đến mức thấp nhất các ca tử vong vì bệnh Dại, theo tôi cần chỉ đạo cấp thôn, ấp họp với người dân; họp cấp huyện với toàn huyện; họp cấp tỉnh với tất cả các huyện để quán triệt, yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định, chỉ đạo, khắc phục các điểm yếu về thông tin tuyên truyền; quản lý đàn chó và và tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó.

Cần phải kiểm tra, đôn đốc, thậm chí xử lý trách của người đứng đầu chính quyền xã, huyện và cả cấp tỉnh chủ quan, lơ là, thiếu quan tâm chỉ đạo, chậm hoặc thiếu bố trí kinh phí tiêm phòng vắc xin; xử lý chủ nuôi chó nhưng không nhốt, không tiêm vắc xin cho đàn chó theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024.

Các tỉnh cần tham mưu để Sở Nông nghiệp và PTNT/Chi cục Thú y, chăn nuôi tổ chức mua, cấp vắc xin Dại và tổ chức tiêm vắc xin Dại cho đàn chó, bởi nếu chia nhỏ cho các huyện có thể không tiêm hoặc tiêm không đồng bộ.

Thực tế cho thấy, việc đứt gãy hệ thống thú y, nhất là ở cơ sở đã để lại nhiều hệ lụy trong phát hiện, giám sát, tổ chức phòng, chống dịch bệnh. Do vậy, các địa phương cần có kế hoạch nâng cao năng lực, củng cố lại hệ thống thú y cơ sở bởi chính họ là cánh tay nối dài trong việc phát hiện, giám sát dịch bệnh.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem