Nam Định: “Thôn xóm là cơ sở, gia đình là hạt nhân”

Trọng Đạt (thực hiện) Thứ năm, ngày 27/08/2015 10:29 AM (GMT+7)
Quan điểm của tỉnh Nam Định là xây dựng NTM trước hết là làm cho người dân nông thôn và vì người dân nông thôn. Mỗi người dân, hộ gia đình nông thôn phải là chủ thể trong xây dựng NTM theo phương châm “Nhân dân làm là chính, Nhà nước chỉ hỗ trợ”.
Bình luận 0

Đó là chia sẻ của ông Đoàn Hồng Phong - Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định khi trả lời phóng viên ngay trước ngày tỉnh này công bố quyết định công nhận Hải Hậu trở thành huyện nông thôn mới (ngày 29.8.2015).

Nhân sự kiện này, phóng viên Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Đoàn Hồng Phong. Ông Phong cho biết:

img

Ông Đoàn Hồng Phong (bìa phải) -Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cùng đoàn cán bộ UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra lúa mùa 2014. (Tư liệu)

Hải Hậu là 1 trong 5 huyện đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận huyện đạt chuẩn NTM (vào tháng 6.2015). Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định nói chung, huyện Hải Hậu nói riêng trong chương trình xây dựng NTM.

Sự kiện này sẽ là động lực để các địa phương khác trong tỉnh nỗ lực hơn trong xây dựng nông thôn mới, góp phần đưa tỉnh Nam Định sớm đạt được mục tiêu là “Tỉnh đạt chuẩn NTM” vào trước năm 2020.

Ông đánh giá thế nào về giải pháp của Hải Hậu khi xác định lấy thôn, xóm làm đơn vị cơ sở, gia đình là hạt nhân của cuộc vận động xây dựng NTM?

- Quan điểm của tỉnh Nam Định khi triển khai xây dựng NTM là: Xây dựng NTM trước hết là làm cho người dân nông thôn và vì người dân nông thôn. Mỗi người dân, hộ gia đình nông thôn phải là chủ thể trong xây dựng NTM theo phương châm “Nhân dân làm là chính, Nhà nước chỉ hỗ trợ”. Các xã, thị trấn, các thôn, xóm và người dân nông thôn phải chủ động, sáng tạo trong xây dựng NTM; không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

 Việc huyện Hải Hậu lấy thôn, xóm làm đơn vị cơ sở, gia đình là hạt nhân của cuộc vận động xây dựng NTM thực sự là cách làm hay, thể hiện được nhận thức sâu sắc đối với Chương trình xây dựng NTM và sự vận dụng sáng tạo các quan điểm chỉ đạo của Trung ương và của Tỉnh vào điều kiện thực tế ở nông thôn.

img

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát (thứ ba, trái sang) cùng lãnh đạo tỉnh Nam Định kiểm tra vùng quy hoạch chuyển đổi (Tư liệu).

Từ cách làm của huyện Hải Hậu, Ban chỉ đạo xây dựng NTM của tỉnh đã có những đúc kết như thế nào để trở thành bài học kinh nghiệm triển khai cho các huyện thị khác?

- Thành công trong xây dựng NTM của huyện Hải Hậu có thể đúc kết thành bài học: “Phát huy nội lực; Chỉ đạo tập trung; Nhân dân đồng tình; Định rõ trách nhiệm; Sâu sát, dân chủ; Sáng tạo, thành công”.

Điều này có nghĩa:

Thứ nhất, xây dựng nông thôn mới trước hết phải xuất phát từ việc khai thác nội lực từ chính cộng đồng và nhân dân địa phương. Phải coi nhân dân và cộng đồng địa phương vừa là chủ thể, vừa là nguồn lực, vừa là đối tượng được hưởng lợi khi xây dựng NTM.

- Hệ thống chính quyền các cấp phải quyết liệt, tập trung trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng NTM; phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc; coi xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của chính quyền địa phương để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.

Thứ hai, phải làm thật tốt công tác đả thông tư tưởng cho đội cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để tạo sự đồng thuận, đồng tình của nhân dân tích cực tham gia xây dựng NTM.

Thứ ba, phải phân định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng đơn vị, từng người dân trong xây dựng NTM: Xã phải lo công việc của xã, xóm lo công việc của xóm; từng dong xóm, khu phố tự bàn bạc quyết định; hộ gia đình lo chỉnh trang khuôn viên nhà cửa, vườn ao... Có như thế mới đảm bảo được sự thành công khi xây dựng NTM.

Thứ năm, cấp ủy, chính quyền địa phương phải làm thật tốt vai trò định hướng đối với cộng đồng thôn, xóm và nhân dân; phải giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai xây dựng NTM; lấy phương châm “dân biết - dân bàn - dân làm – dân giám sát - dân hưởng thụ” là quan điểm chủ yếu trong triển khai thực hiện.

Và thứ sáu, trong điều kiện nguồn lực của nhà nước cho xây dựng NTM không nhiều, để đạt được mục tiêu thì cần phải xác định: Cách làm là quan trọng. Chính cách làm sáng tạo, hiệu quả của huyện Hải Hậu khi cụ thể hóa các tiêu chí NTM của Trung ương thành các tiêu chí “Gia đình NTM”, “Thôn, xóm NTM”; Lấy phát huy nội lực từ cộng đồng làm nền tảng; Lấy thôn, xóm, hộ gia đình làm hạt nhân để xây dựng NTM... là nhân tố quan trọng để đảm bảo sự thành công trong xây dựng NTM.

img

Cổng nhà kiểu mẫu nông thôn mới của xã Hải Đường.

Là tỉnh còn nhiều khó khăn so với địa phương khác,nhưng  Nam Định lại là một trong những tỉnh đi đầu với những dấu ấn thành công rõ nét. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?

- Như trên tôi đã nêu, cách làm là rất quan trọng khi xây dựng NTM. Thời gian qua, trên cơ sở kế thừa, vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm từ các chương trình phát triển nông thôn giai đoạn 2001-2010, tỉnh Nam Định đã rất quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo; kiên trì, thực hiện nhất quán phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”; đã lựa chọn bước đi và cách làm phù hợp; ban hành kịp thời các quy định huy động, sử dụng, quản lý vốn xây dựng NTM và các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích, khen thưởng.

Cụ thể, ngân sách tỉnh đã hỗ trợ 10 tỷ đồng cho mỗi xã điểm, 8 tỷ đồng cho mỗi xã tham gia xây dựng NTM trong giai đoạn 2010-2015. Ngoài cơ chế khen thưởng của TW, tỉnh Nam Định thưởng cho xã đạt chuẩn NTM năm 2013: 2 tỷ đồng/xã, năm 2014: 1,5 tỷ đồng/xã, năm 2015: 1 tỷ đồng/xã; huyện đạt chuẩn NTM được thưởng 3 tỷ đồng... Chính sách này đã tiếp thêm động lực cho các địa phương và người dân hưởng ứng tham gia xây dựng NTM.

img

Diện mạo xã Hải Lộc (huyện Hải Hậu) ngày càng khang trang từ những con đường nông thôn mới (Trọng Đạt).

Theo ông, những khó khăn nào mà Nam Định sẽ phải tiếp tục giải quyết để việc xây dựng NTM thu được nhiều thành quả hơn?

- Trong thời gian tới, ngoài việc tập trung nguồn lực cho 113 xã còn lại của tỉnh hoàn thành các tiêu chí NTM, Nam Định còn cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ nguồn lực cho các xã đã đạt chuẩn NTM duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Vì vậy khó khăn, trăn trở lớn nhất đối với tỉnh Nam Định trong thời gian tới là: Bằng cách nào có thể huy động hiệu quả các nguồn lực để bố trí cho chương trình; Bằng cách nào để nâng chất lượng các tiêu chí để Nam Định có thể trở thành địa phương kiểu mẫu về xây dựng NTM.

Trân trọng cảm ơn ông!

Những con số ấn tượng

Sau 5 năm Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Nam Định đã tạo nên những con số ấn tượng:

-Đến 30/6/2015 toàn Tỉnh có 81 xã hoàn thành 19 tiêu chí xã NTM chiếm 38,8% tổng số xã của tỉnh, trong đó có 65 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Bình quân toàn tỉnh đạt 15,7 tiêu chí/xã tăng 9,9 tiêu chí/xã so với năm 2010. Dự kiến hết năm 2015, toàn tỉnh có 100 xã được công nhận đạt chuẩn xã NTM.

-Nam Định là 1 trong 4 tỉnh đầu tiên của cả nước có huyện đạt chuẩn huyện NTM. Hải Hậu là 1 trong 5 huyện điểm XDNTM của Trung ương, đến nay 35/35 xã của huyện Hải Hậu đều đã được công nhận đạt chuẩn NTM, huyện Hải Hậu được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2015.

-Tổng số vốn huy động thực hiện Chương trình xây dựng NTM đạt 10.253 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ trên 1.000 tỷ đồng. Các hộ nông dân đã góp 2.851 ha đất nông nghiệp (tương đương 5.717 tỷ đồng), hiến được 206 ha đất thổ cư (tương đương trên 1.000 tỷ đồng).

-Từ việc xác định công tác dồn điền đổi thửa là khâu đột phá, đến nay toàn tỉnh có 178 xã, thị trấn (89% số xã, thị trấn với 97,4% số thôn đội) đã hoàn thành dồn điền đổi thửa, từ đây xuất hiện các mô hình cánh đồng mẫu lớn.

-Tỉnh Nam Định được BCĐ Trung ương đánh giá là 1 trong 5 tỉnh dẫn đầu cả nước về xây dựng NTM.

Trọng Đạt (tổng hợp)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem