Cảm nhận đầu tiên khi đặt chân lên mảnh đất biên giới cực Tây của Tổ quốc – huyện Nậm Pồ (Điện Biên) là những cánh đồng xanh bạt ngàn, những con đường đất gồ ghề ngày nào giờ đã được nhựa hóa phẳng phiu, trụ sở các cơ quan được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp…
Nhà văn hóa được xây dựng khang trang, hiện đại tạo môi trường vui chơi, văn hóa, văn nghệ cho trẻ em vùng cao. Ảnh: H.H
Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thái – Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết: “So với các huyện khác của tỉnh, Nậm Pồ có xuất phát điểm kinh tế thấp nhất, do đó khi bắt tay vào xây dựng NTM, cấp ủy, chính quyền và đoàn thể huyện xác định phải đầu tư hiệu quả để NTM mang lại đời sống vật chất cho nhân dân, để người dân giàu có hơn, cuộc sống sung túc hơn, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy tốt hơn… Từ đó, chúng tôi phân công cán bộ bám sát địa bàn để chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các xã, bản thực hiện các tiêu chí theo kế hoạch đề ra”.
Được biết, đến nay tổng nguồn vốn cho phát triển hệ thống giao thông trên địa bàn huyện đạt 24.480 triệu đồng, trong đó xây dựng mới 19,520km; nâng cấp 7,143km đường bê tông. Huyện đã có 7/7 xã có đường từ trung tâm xã đến huyện được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, đảm bảo đi lại thuận tiện quanh năm.
Nói về Chương trình xây dựng NTM ở quê hương mình, anh Thùng Văn Quyết ở bản Nà Ín 1 kể: “Chúng tôi rất tự hào khi đường giao thông nông thôn được cứng hóa; trường học, nhà văn hóa được xây dựng khang trang, tạo điều kiện cho con em được học tập, vui chơi; hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách được cấp thể bảo hiểm y tế…”.
Theo thống kê, toàn huyện hiện có 94/132 bản và 15/15 trung tâm hành chính xã được sử dụng điện lưới quốc gia. Cơ sở vật chất, trường lớp tiếp tục được đầu tư, xây mới 50 phòng học. Để trẻ em và người dân được khám chữa bệnh, có điểm vui chơi, giải trí và thể thao, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa tiếp tục được huyện quan tâm nâng cấp, tu sửa, xây mới. Nhiều chợ nông thôn cũng được xây dựng khang trang, thuận tiện cho nhân dân kinh doanh buôn bán.
Ông Vũ Thanh Hải – Trưởng phòng NNPTNT huyện Nậm Pồ tâm sự: “Muốn người dân đóng góp vào xây dựng NTM thì trước tiên phải làm sao để bà con thoát khỏi đói nghèo. Chúng tôi đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền vận động, tập huấn đẩy mạnh thâm canh lúa, tăng vụ đối với ngô, đưa giống cây- con mới có năng suất, chất lượng vào sản xuất”.
Nhờ những hướng đi đúng đắn, sát thực tiễn, hợp lòng dân mà bức tranh NTM ở huyện nghèo Nậm Pồ đã đổi thay nhanh chóng. Đặc biệt là đến nay, Nậm Pồ đã có xã Chà Nưa cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM. Dự kiến trong năm 2018, Chà Nưa sẽ được công nhận xã đạt chuẩn NTM.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.