Nam sinh Bách Khoa với thiết bị thay thế nhiều cục phát wifi trong nhà, không nghẽn mạng nơi công cộng

Tào Nga Chủ nhật, ngày 05/02/2023 09:28 AM (GMT+7)
Thiết bị nhỏ gọn này của Bùi Trần Hiển được đánh giá cao khi có thể thay thế những ăng ten của cục phát wifi trong nhà và tránh tình trạng điện thoại không thể kết nối mạng do có quá nhiều người/quá nhiều thiết bị di động đang cùng hoạt động tại một điểm có thể xảy ra.
Bình luận 0

Theo chia sẻ từ Đại học Bách khoa Hà Nội, Bùi Trần Hiển, sinh viên K63 Trường Điện – Điện tử của trường được thầy hướng dẫn giao đề tài "Nghiên cứu thiết kế Anten băng tần kép phân tập dạng đồ thị bức xạ và phân tập phân cực", Hiển đã triển khai và ra được thành phẩm sau một năm miệt mài, nghiêm túc nghiên cứu.

Đề tài này nhắm đến thiết kế ra một loại ăng ten cho trạm truy cập vô tuyến trong nhà. Hiển giải thích, thông thường, một trạm cần 2 ăng ten, mỗi ăng ten hoạt động trên một băng tần. Ví dụ như khi một chiếc điện thoại di động bắt wifi có 2 băng tần là 2.4-GHz và 5-GHz, ta cần dùng nhiều ăng ten để đảm bảo tín hiệu cho nhiều băng tần. Tuy nhiên, với sản phẩm này, chỉ cần dùng một ăng ten cũng có thể đảm bảo được 2 băng tần sử dụng cho trạm truy cập trong nhà.

Nam sinh Bách Khoa với thiết bị thay thế nhiều cục phát wifi trong nhà, không nghẽn mạng nơi công cộng - Ảnh 1.

Sinh viên Bùi Trần Hiển (đứng) giải thích với các thành viên trong CRD lab về đề tài nghiên cứu của mình. Ảnh: CCPR

Hay trong một sân vận động lớn, tình trạng điện thoại không thể kết nối mạng do có quá nhiều người/ quá nhiều thiết bị di động đang cùng hoạt động tại một điểm có thể xảy ra. Với thiết bị này, tình trạng ấy có thể được giải quyết.

Nghiên cứu của Bùi Trần Hiển giúp tăng số lượng thiết bị và khả năng kết nối giữa các thiết bị di động trong nhà tới một trạm truy cập gốc. Thiết bị nhỏ gọn này có thể thay thế những ăng ten của cục phát wifi trong nhà. Khác với các thiết bị hình cột thường thấy, ăng ten băng tần kép này có dạng phẳng, có thể gắn trên tường hay trần nhà, đảm bảo tính thẩm mỹ hơn.

Dưới sự hướng dẫn của TS. Tạ Sơn Xuất, giảng viên Trường Điện – Điện tử, Hiển đã xuất sắc vượt qua rất nhiều nhóm sinh viên khác để giành giải Nhì Giải thưởng Khoa học và Công nghệ dành cho sinh viên trong các cơ sở Giáo dục Đại học của Bộ GDĐT năm 2022.

Hiển cho hay: "Trong quá trình nghiên cứu và hoàn thiện sản phẩm, khó khăn lớn nhất của em là phải tìm hiểu rất nhiều kiến thức liên quan đến Toán, ngành ăng ten, siêu cao tần và trường điện từ. Tuy nhiên, có gì khó hiểu, em có thể hỏi thầy và các anh chị trên lab khá dễ dàng. Nhận giải xong, em đã về lab luôn. Được thưởng một số tiền nhỏ nên chiêu đãi cả lab đi ăn trưa ngay".

Nam sinh Bách Khoa với thiết bị thay thế nhiều cục phát wifi trong nhà, không nghẽn mạng nơi công cộng - Ảnh 2.

TS. Tạ Sơn Xuất hướng dẫn sinh viên Bùi Trần Hiển nghiên cứu tại CRD lab. Ảnh: CCPR

Được biết, tham gia vào lab nghiên cứu từ năm 3 đại học, Hiển dành nhiều thời gian cho lab còn hơn trên lớp. Cậu say mê nghiên cứu và chăm chỉ tìm hiểu kiến thức chuyên ngành, định hướng sắp tới cho con đường học tập tiếp theo của mình. Hiển hy vọng có được nhiều công bố quốc tế để sau này đi học Thạc sĩ tại nước ngoài. Tuy không đặt nặng việc học trên lớp, thành tích của Hiển vẫn xuất sắc ở mức CPA 3.69.

TS. Tạ Sơn Xuất, giảng viên Trường Điện – Điện tử nhận xét về đề tài của Hiển: "Đặc thù của thiết kế ăng ten cho thiết bị hướng tới các nguyên lý mới".

Đề cập đến việc thương mại hóa các sản phẩm của nghiên cứu cơ bản, TS Xuất cho rằng: Người nghiên cứu chỉ đưa ra một ý tưởng, nguyên lý bức xạ mới và giải thích nó bằng lý thuyết, thực nghiệm nằm ở sản phẩm mẫu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem