Nam sinh lớp 7 ở Hà Nội bị nhóm bạn bạo hành, chuyên gia bày tỏ: "Đau lòng và quá khủng khiếp"
Vụ nam sinh ở Hà Nội bị nhóm bạn liên tiếp hành hung: "Đau lòng và quá khủng khiếp"
Tào Nga
Thứ năm, ngày 26/10/2023 06:51 AM (GMT+7)
Nam sinh lớp 7 ở Hà Nội bị nhóm bạn bạo hành đang khiến dư luận bất bình, bức xúc. Nhiều người còn không đồng tình với việc nhà trường không cho phụ huynh chia sẻ hình ảnh vụ việc. Chuyên gia giáo dục nói gì trước vụ việc này?
Được biết, nam sinh bị bạn đánh nhiều lần trước đó. Mỗi lần đánh vài ba phút. Em có sức khỏe yếu và không chia sẻ việc mình bị bạo hành với ai. Theo kết luận của bệnh viện, nam sinh bị hoảng loạn phân ly, luôn trong tình trạng sợ hãi, liên tục lấy chăn che mặt và có dấu hiệu trầm cảm, sợ người lạ.
Qua xác minh ban đầu có 6 em nhận tội. Sau khi xem clip xác định có thêm 2 bạn nữa tham gia hành hung. Khi xảy ra sự việc nhà trường đã áp dụng theo mức 3 hình thức kỷ luật là nhắc nhở để học sinh khắc phục, khiển trách thông báo với phụ huynh phối hợp giải quyết và tạm dừng học ở trường có thời hạn.
Chia sẻ với PV báo Dân Việt về vụ việc, chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên, nhà sáng lập, Giám đốc điều hành InnEdu, top 20 phụ nữ truyền cảm hứng năm 2021 do Forbes Việt Nam bình chọn cho hay: "Tôi không dám xem clip. Tôi mới đọc thôi đã thấy khủng khiếp, đau lòng, xót ruột lắm rồi".
Theo bà Quyên, chắc chắn em học sinh này bị các bạn bắt nạt nhiều lần trước đó chứ không phải là lần đầu.
"Cơ chế các em đánh nhau sinh ra bạo lực này, lỗi đầu tiên xuất phát từ người lớn. Trẻ có khuynh hướng bạo lực đa phần là ảnh hưởng từ gia đình. Cụ thể, có trường hợp bố mẹ thường chiều chuộng con, không bắt con phải chịu trách nhiệm với hành vi của mình khiến con nghĩ mình là "ông vua con" trong nhà. Trường hợp khác là bố mẹ bạo lực với con hoặc với nhau. Đứa trẻ sinh ra trong gia đình như vậy thường giải quyết vấn đề bằng bạo lực, hoặc xuất phát từ nguyên nhân con thường xuyên chơi game, xem cảnh bạo lực nên in hình ảnh này vào trong não. Các em sẽ có nếp nghĩ sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn.
Còn với đứa trẻ bị đánh cũng có nhiều lý do. Các em sinh ra trong gia đình lành tính quá hoặc giáo dục nghiêm khắc quá nên khiến con không quen tự chủ, không quen đưa ra chính kiến, bảo vệ mình, có thể do mỗi lần mách bố mẹ thì bị mắng nên không dám chia sẻ. Hoặc có thể do cơ thể con yếu ớt nên không thể phản kháng", bà Quyên phân tích nguyên nhân.
Chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên cho rằng, vụ việc rất nghiêm trọng, có thể gây nguy hiểm tính mạng. Đứa trẻ bị đánh ngoài đau thể xác còn ảnh hưởng tinh thần rất lớn đến khi trưởng thành.
Bà Quyên cho rằng, để giải quyết vấn đề này cần triệt tiêu bạo lực trong gia đình. Khi xảy ra mâu thuẫn bố mẹ cần có nguyên tắc 5 phút, 10 phút... Ví dụ như xảy ra trường hợp con về muộn, bố mẹ sẽ đánh mắng con. Nếu bố mẹ áp dụng nguyên tắc này sẽ không nổi nóng, ví dụ đi uống ngụm nước, ngồi chỗ thoáng và suy nghĩ: "Mình muốn gì ở con? Vì sao con về muộn, lý do có hợp tình, hợp lý không? Lần sau gặp tình huống tương tự muốn con sẽ làm gì?".
Theo bà Quyên, trẻ con cũng cần được đối xử tôn trọng, không bị đánh mắng. Giáo dục bằng bạo lực là thất bại của cha mẹ và để lại hậu quả khôn lường.
3 nhóm phụ huynh cùng giải quyết hậu quả
Liên quan đến vụ việc nam sinh lớp 7 ở Hà Nội bị nhóm bạn đấm đá liên tiếp, bà Quyên cho hay: "Với phụ huynh, cần chia thành 3 nhóm: Nhóm bố mẹ có con bị đánh, bố mẹ có con đánh bạn và nhóm bố mẹ có con không tham gia nhưng ở trong tập thể, môi trường đó.
Bố mẹ có con bị đánh có quyền yêu cầu phụ huynh kia gặp nhau để nói chuyện nghiêm túc, giải quyết hậu quả. Phụ huynh có con đánh bạn phải xác định chắc chắn rằng con mình đã sai, không có bất kỳ lý do nào để bào chữa, trốn tránh, bênh vực con. Bên cạnh việc giải quyết hậu quả thì bố mẹ nên dắt con theo để con nhìn thấy bố mẹ và bản thân đang phải trả giá cho hành động của mình thế nào. Phụ huynh không nên tự đi còn con ở nhà không biết gì.
Với bố mẹ có con sống trong môi trường này cần giúp con nêu ý kiến, suy nghĩ của mình: "Nếu con là người bị đánh con sẽ làm gì? Nếu con là đứa bé tức giận kia con sẽ làm gì?".
Trước vấn đề dư luận xôn xao về việc cho rằng nhà trường giấu thông tin, bưng bít vụ việc bằng cách không cho lan truyền thông tin, hình ảnh vụ việc, bà Quyên khẳng định: "Tôi ủng hộ việc làm này. Thứ nhất, clip dù tích cực hay tiêu cực đều tác động lớn đến cộng đồng. Clip bạo lực khiến nhiều đứa trẻ khác sẽ bị ảnh hưởng làm theo.
Thứ hai, clip này chia sẻ trên mạng khiến phụ huynh hoang mang, chửi bới, nhìn sai lệch về giáo dục hiện nay. Đây chỉ là một trường hợp, một "con sâu" thôi.
Thứ ba, mạng xã hội và báo chí nên đưa thông tin có chừng mực, nếu công khai thông tin dễ khiến các em "không rửa sạch" sai lầm này, ảnh hưởng tới cả tương lai.
Mặc dù không nên lan truyền clip nhưng nhà trường phải thông báo cách xử lý thế nào, phải đưa ra lộ trình thay đổi tư tưởng, hành vi của học sinh ra sao. Ngoài xử lý giải quyết vụ việc, chúng ta không nên "mất bò mới lo làm chuồng", cần phải có biện pháp ngăn ngừa từ sớm. Như vậy, nhà trường vừa giữ uy tín cho mình, vừa bảo vệ cho học sinh và tương lai của các em".
Đưa ra lời tư vấn, bà Quyên cho hay: "Sau khi các em quay trở lại trường, cần giám sát chặt chẽ hơn nữa. Giáo viên cần nghe ngóng được mâu thuẫn, bám sát hơn nữa từ trong "trứng nước" của học sinh để giải quyết triệt để các vụ việc, đưa những em có hành vi bạo lực tham gia hoạt động cộng đồng để chuyển hóa năng lượng tiêu cực sang tiêu cực. Nhà trường cần tạo điều kiện để các em ý thức hành vi, khắc phục, thay đổi bản thân, học tập tốt hơn và sẽ được tha thứ.
Với bố mẹ có con ở thế yếu, cũng cần cho con đi học võ để bảo vệ bản thân. Dạy con khi gặp nguy hiểm phải tìm kiếm hỗ trợ từ ai và biết cách giải quyết, hóa giải thế nào. Nếu con tìm được nơi để hỗ trợ, nương tựa, chắc chắn đã không xảy ra vụ việc đau lòng như trên".
TS Đặng Văn Cường, giảng viên Luật, Trường Đại học Thủy lợi cho hay: Bạo lực học đường ở Việt Nam là vấn đề khá nhức nhối, đáng báo động trong những năm gần đây, hành vi bạo lực học đường có thể diễn ra ở nhiều ngành học, nhiều cấp học, chủ yếu là ở học sinh và sinh viên.
Để giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường diễn ra thì phải thực hiện đồng bộ, đầy đủ rất nhiều giải pháp từ cơ chế, chính sách, pháp luật đến các giải pháp về tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, giáo dục kỹ năng sống, đến giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương, giáo dục đạo đức lối sống phù hợp cho học sinh, sinh viên.
Nâng cao vai trò trong công tác tự quản của lớp học, trường học, nâng cao vai trò trách nhiệm của giáo viên và của lãnh đạo nhà trường trong việc kiểm sát học sinh trong quá trình dạy và học. Cần phải kịp thời phát hiện những mâu thuẫn, giáo dục kỹ năng và định hướng giải quyết các mâu thuẫn của học sinh để tránh trường hợp các em sử dụng bạo lực, bị lôi kéo để tham gia sử dụng bạo lực giải quyết mâu thuẫn.
Khi giáo dục pháp luật được đề cao thì các em sẽ nhận thức được những chuẩn mực trong giao tiếp, sẽ có ý thức tôn trọng người khác, tôn trọng pháp luật, tuân thủ pháp luật để không thực hiện hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của các học sinh khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.