Nam sinh nghẹn ngào kể về những lần ăn trộm tiền, ám ảnh với 1 hành động của mẹ

Tào Nga Thứ sáu, ngày 09/04/2021 06:14 AM (GMT+7)
"Mẹ em là một người phụ nữ thép, mẹ tuyệt nhiên không bao giờ khóc nhưng hôm đó lần đầu tiên em thấy giọt nước mắt của mẹ rơi", Đức Thạch kể lại chuyện sau khi mẹ biết em ăn trộm tiền.
Bình luận 0

Tuổi trẻ ai cũng từng mắc phải những sai lầm không đáng có, cũng làm những việc đáng tiếc mà đôi khi nghĩ lại không thể chấp nhận nổi bản thân mình. Tuy nhiên, biết nhìn nhận cái sai và tự mình đứng lên từ những vấp ngã đó mới là điều đáng trân trọng. 

Hối hận vì ăn trộm tiền

Trong "Thiếu niên nói", em Nguyễn Đức Thạch, trường THPT Marie Curie, Hà Nội cũng rơi vào tình huống đó. Em đã ăn trộm tiền và bị phát hiện. Em bị bạn bè xa lánh, bố mẹ buồn lòng và ngay bản thân em đã sống trong nỗi dằn vặt, hối hận suốt thời gian dài. 

Đức Thạch kể lại: "Câu chuyện của em không lạ nhưng có lẽ là lần đầu tiên có một học sinh dám đứng lên và nói ra câu chuyện thế này. 

Thiếu niên nói: Nam sinh Marie Curie nghẹn ngào kể về những lần ăn trộm tiền - Ảnh 1.

Đức Thạch từng dằn vặt vì mình ăn trộm tiền.

Bắt đầu khi bước vào cấp 2, em đã có mối quan hệ với những người lớn tuổi hơn. Khi em đi với họ thì em rất cần tiền. Em đã làm một hành động đến bây giờ em thấy cực kỳ hối hận là lấy tiền của người khác mà không thèm xin phép. 

Lần đầu em lấy rất ít, em nhớ là đã lấy 15.000 đồng. Nhưng làm gì lần 1 rồi sẽ có lần 2, lần 3. Đến lần thứ 5 thì mọi việc vỡ lở. Chuyện gì đến sẽ đến. Đối với bố mẹ mình, em thấy trong mắt có một sự thất vọng lớn. 

Với cô giáo chủ nhiệm của em khi đó có một sự hoài nghi "Bạn Thạch này có phải là người đáng để mình tin tưởng không?". Bạn bè bắt đầu xa lánh em vì không ai lại muốn chơi với một người có thói hư như thế cả". 

Khi đó Thạch đã tìm cho mình giải pháp khác, em tập trung rất nhiều vào việc học. Em mất 1 năm để lên top học giỏi của lớp. Thạch tâm sự, chỉ có việc học là con đường ngắn nhất, xác thực nhất để khẳng định lòng tự trọng của em và niềm tin của mọi người. 

Tự ti về ngoại hình

Tuy nhiên, khi Thạch đạt được điều đó rồi lại có câu chuyện khác xảy ra. Đó là em rất tự ti vào ngoại hình của mình. "Hôm nào em cũng đi một đôi dép xăng đan, tóc tai bù xù và béo. Em cảm tưởng ai cũng có thể bắt nạt được em. Thậm chí em đi xe buýt đến trường sớm 20 phút nhưng luôn luôn vào sau cùng vì sợ mọi người trêu chọc. 

Em tự ti đến mức nhạy cảm với tất cả mọi lời bình luận của bạn bè, thầy cô, thậm chí là những người trong gia đình em. Em không chấp nhận lời góp ý nào, em phản kháng ngay lập tức và đó càng là lý do, là lò xo để mọi người trêu chọc. Em đã giữ im lặng với tất cả mọi người, cả thầy cô vì những ám ảnh về việc làm ngày xưa khiến em có suy nghĩ tiêu cực: "Mình là một tên trộm thì có tư cách gì nói người ta", Thạch thổ lộ.

Rồi đến một ngày, cô giáo chủ nhiệm của Thạch biết sự việc đã mời ban giám hiệu, những người liên quan và cả mẹ của em. 

Em thổ lộ: "Tại thời điểm đó mọi việc khiến em sụp đổ hoàn toàn. Em cảm thấy những gì mình xây dựng về hình ảnh, học tập đều sụp đổ. 

Mẹ em là một người phụ nữ thép, ngay cả trải qua nhiều cuộc phẫu thuật vẫn không sử dụng thuốc mê, thuốc giảm đau. Mẹ sợ sau này già rồi sẽ không nhớ được gương mặt của những người mẹ thương yêu ngày xưa. Mẹ tuyệt nhiên không bao giờ khóc nhưng hôm đó lần đầu tiên em thấy giọt nước mắt của mẹ rơi. 

Lúc đó, cô giáo của em đã xuất hiện. Cô nói đúng 1 câu đến bây giờ vẫn là kim chỉ nam của cuộc đời em: "Con ạ. Mình là đàn ông đừng sợ mắc sai lầm. Sai lầm chỉ là bước đệm để mình bay cao bay xa hơn mà thôi. Nhưng hãy nhớ một điều đừng bao giờ mắc lại sai lầm 2 lần. Nếu mình mắc lại sai lầm quá nhiều, lặp đi lặp lại thì mình sẽ rơi vào vũng bùn không thể thoát ra được". 

Đó là lúc em quyết định mình phải thay đổi. Em mất nửa năm để ổn định cuộc sống, học tập, bạn bè, về những vấn đề cá nhân. Lúc đó em thay đổi từ những thói quen rất nhỏ. Trong quá trình đó em gặp nhiều khó khăn nhưng người bên cạnh vẫn là mẹ em". 

Qua đây, Đức Thạch nhắn nhủ với mẹ: "Con muốn nói với mẹ, suốt một thời gian dài con bướng bỉnh, không bao giờ nghe lời mẹ nhưng mẹ đừng lo cho con. Con sẽ không thay đổi về tính chất, chỉ là con đã trưởng thành hơn dù bàn tay có dính đất con. Con xin lỗi vì đôi lúc lời mẹ nói là phiền trong khi mỗi kỳ mẹ vẫn cố gửi cho con cả trăm triệu đồng tiền học phí thì mẹ chẳng bao giờ muốn con khổ". 

"Con là đứa trẻ trưởng thành và dũng cảm"

Cô giáo Vũ Thị Kim Quy, giáo viên chủ nhiệm cấp 2 của Nguyễn Đức Thạch bày tỏ: "Khi nghe câu chuyện của con cô thực sự xúc động. Những lỗi lầm trong quá khứ mà con đã nhận ra và nói trước toàn trường là cô đánh giá cao hành động dũng cảm của con. Thực sự đã không chủ nhiệm con 3 năm rồi nhưng ấn tượng về con thì cô nhớ rất nhiều thứ. Câu chuyện này của con nếu không kể lại cô cũng quên rồi, cô nhớ những chuyện khác hay ho hơn rất nhiều.

Thiếu niên nói: Nam sinh Marie Curie nghẹn ngào kể về những lần ăn trộm tiền - Ảnh 3.

Cô giáo Vũ Thị Kim Quy, giáo viên chủ nhiệm cấp 2 của Nguyễn Đức Thạch.

Thời gian đó đúng là thời gian khủng hoảng với con. Lỗi lầm mà con mới kể không thể là bồng bột được vì con mới học lớp 6. Con còn quá nhỏ để nói đó là bản chất của con. Chính vì thế cô đã gọi mẹ con đến để nói chuyện. Mẹ con đã cùng với cô lên nhiều phương án để tìm cách nào đấy giáo dục và nói chuyện để con thay đổi.

Rất may sau một thời gian "theo dõi", cô đã thấy sự thay đổi trong con. Cô nghĩ con đã rất trưởng thành. Hi vọng sự trưởng thành và dũng cảm sẽ đồng hành cùng con trong tương lai".

Sau lời chia sẻ của cô giáo, Đức Thạch cho biết: "Với cô Quy, không có lời cảm ơn nào bằng việc em coi cô như một người mẹ".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem