Nam sinh viết bài văn 'bá đạo' chưa bao giờ mê văn

Thứ năm, ngày 27/03/2014 15:28 PM (GMT+7)
Mặc dù vừa có bài viết rất hài hước về 20 năm sau, nhưng Lương Trọng Nghĩa (học sinh trường THPT Anhxtanh) chưa bao giờ thích học và đạt điểm cao môn Văn.
Bình luận 0
Cảm hứng từ một thầy đặc biệt

Với đề bài trong hoạt động ngoại khóa môn Văn của trường THPT Anhxtanh (Hà Nội) yêu cầu “Tôi viết thư gửi tôi 20 năm nữa”, Lương Trọng Nghĩa (học sinh lớp 10A2) đã có bài làm rất sáng tạo và độc đáo.

Chia sẻ về bài văn này, Nghĩa cho biết: “Mục đích chính của em khi viết bài văn này là dành tặng thầy Đào Tuấn Đạt - phụ trách chuyên môn của trường. Thầy rất vui tính, thân thiện và là giáo viên rất đặc biệt. Thầy chính là nguồn cảm hứng để giúp em tạo nên ý tưởng cho bài viết này”.

Dù không có nhiều kỷ niệm đặc biệt, nhưng Nghĩa luôn ấn tượng và thích thú mỗi khi được trò chuyện với thầy Đạt.

Lương Trọng Nghĩa và thầy Đào Tuấn Đạt.
Lương Trọng Nghĩa và thầy Đào Tuấn Đạt.

Từng thử sức với những đề bài tương tự khi còn học cấp 2, nhưng chàng trai này thú nhận chưa bao giờ “chém gió ngoài sức tưởng tượng” như vậy. Khi ý tưởng lóe lên trong đầu, Nghĩa chỉ mất một buổi tối để hoàn thành bài văn này.

“Do áp lực về điểm số và khuôn mẫu mà giáo viên đặt ra, trước kia em và các bạn thường viết một bài văn bình thường. Nhưng đối với trường Anhxtanh, các thầy cô luôn khuyến khích học sinh sáng tạo, nghĩ khác, làm theo cách mới nên em mới dám viết như vậy”, Nghĩa bày tỏ.

Thậm chí Nghĩa cho rằng nếu viết bài văn dạng này khi học cấp 2 còn có thể bị dưới điểm trung bình.

Không chỉ “chém gió”

Mặc dù bài văn được viết dựa trên trí tưởng tượng, nhưng Nghĩa lại khẳng định đó không chỉ là “chém gió”. Nhiều chi tiết là sự thật mà Nghĩa đã từng trải qua và trong đó còn gửi gắm ước mơ, mong muốn của nam sinh này.

img

Bài văn độc đáo của nam sinh lớp 10.

Tác giả bài văn đặc biệt này chia sẻ: “Ban đầu, vì thi trượt một trường công lập nên em mới chọn Anhxtanh. Đó là do trường gần nhà, không phải vì yêu thích. Nhưng sau gần một năm học tập, em đã thay đổi quan điểm.

Ngôi trường này vừa tạo cơ hội cho học sinh được sáng tạo, giáo viên thân thiện, thoải mái vừa có những luật lệ, quy tắc đủ nghiêm khắc để chúng em rèn luyện bản thân”.

Ngoài ra những luật lệ đặc biệt mà Nghĩa nêu trong bức thư như “sau khi chổng mông chịu phạt vẫn phải đứng lên khoanh tay, cúi đầu cảm ơn thầy” cũng là sự thật.

Đặc biệt, trở thành hiệu trưởng tại một ngôi trường lý tưởng như trong bài viết của mình cũng là một trong những mơ ước của Nghĩa.

Đó là nơi cơ sở vật chất hiện đại với phòng hội nghị 3D, sức chứa 15.000 người; học sinh giáo viên được trang bị iPad, ăn trưa trong nhà hàng 8 sao, thậm chí còn có sân bay trực thăng trên nóc.

Nhưng Nghĩa vẫn luôn nhấn mạnh: “Điều quan trọng là phải xây dựng một môi trường học tập phải vừa vui vẻ thoải mái, vừa có kỷ luật nghiêm đủ để răn đe các bạn”.

Chưa bao giờ đam mê văn chương

Mặc dù đã thành công với bài viết này, nhưng Lương Trọng Nghĩa lại bật mí: “Em chưa bao giờ thích cũng như học giỏi môn Văn. Kết quả môn học này chỉ đạt khoảng 6-7 điểm. Đây là lần đầu tiên em viết một tác phẩm hài hước, thú vị như vậy”.

Nam sinh này chưa bao giờ thử sức làm thơ, viết truyện. Nghĩa cũng không đam mê các tác phẩm văn chương mà chỉ thích đọc truyện tranh.

Khi được hỏi liệu trong thời gian tới, Nghĩa có ý định thử sức viết những bài văn độc đáo hơn, chàng trai này thành thật: “Ý tưởng đến bất chợt và giúp em hoàn thành được bài viết này nên trong tương lai em không dám chắc có thể làm lại điều đó được hay không”.

Nhận xét về Lương Trọng Nghĩa, thầy Nguyễn Phi Hùng (giáo viên dạy Văn lớp 10A2) cho biết: “Dù học lực chỉ ở mức khá, nhưng Nghĩa lại có trí tưởng tượng rất phong phú và sáng tạo. Đây là thế mạnh mà em cần phát huy. Bên cạnh đó, khả năng viết của Nghĩa khá trôi chảy”.

Bên cạnh đó, thầy giáo này cũng cho rằng Nghĩa cần rèn luyện khả năng nói nhiều hơn để diễn đạt được tốt ý tưởng của bản thân như khi viết bài.

Là học sinh lớp 10 nên Nghĩa vẫn còn khá thoải mái với việc học tập. Cậu cho biết mình không thích đi học thêm vì vừa tốn tiền, mất thời gian mà không thu nhận được nhiều kiến thức. Gia sư ruột của Nghĩa chính là chị gái vừa tốt nghiệp ĐH Kinh tế quốc dân.

Đây cũng là người giúp chàng trai này xây dựng ý tưởng, kết cấu bài văn và góp ý về ngôn từ, diễn đạt. Nghĩa chia sẻ: “Sau khi viết xong, mình đã lập tức đưa cho chị xem. Đọc đến lần thứ hai mà chị vẫn còn bật cười”.

Không chỉ giúp đỡ trong học tập, chàng trai này tâm sự chị còn rất hiểu, quan tâm và có nhiều điểm chung với mình.
Zing (Theo Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem