Nằm trong mắt bão số 3, Hà Nội đột ngột lặng gió, đừng chủ quan vì bão số 3 vẫn rất mạnh, giật cấp 12

P.V Thứ bảy, ngày 07/09/2024 21:58 PM (GMT+7)
Hà Nội đột nhiên có những lúc lặng gió giữa lúc tâm bão số 3 (bão YAGI) đã nằm trọn trong khu vực Thủ đô. Thực tế, theo các chuyên gia, người dân không nên chủ quan vì đó là thời điểm nằm trong mắt bão, gió mạnh sẽ quay trở lại vì hiện tại sức gió của bão số 3 vẫn ở cấp 9 - 10, giật cấp 12.
Bình luận 0

Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 21 giờ ngày 7/9, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 21.0 độ Vĩ Bắc; 105.6 độ Kinh Đông, nằm trọn trên đất liền, khu vực thủ đô Hà Nội. Sức gió mạnh nhất: Cấp 9-10 (75-102km/h), giật cấp 12. Dự báo, trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 15-20km/h.

Tuy nhiên, khi tâm bão số 3 nằm trọn vẹn trong khu vực Hà Nội cũng có lúc lặng gió, trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội, nhiều người dân tỏ ra băn khoăn liệu bão đã tan. 

Thực tế, theo các chuyên gia, hiện tượng này là do lúc này Hà Nội nằm ở mắt bão, qua thời điểm này, gió mạnh sẽ quay trở lại nên người dân tuyệt đối không được chủ quan.

Nằm trong mắt bão số 3, Hà Nội đột ngột lặng gió, đừng chủ quan vì bão số 3 vẫn rất mạnh, giật cấp 12 - Ảnh 1.

Mắt bão số 3. Hà Nội có những lúc lặng gió khi nằm trọn trong mắt bão. Người dân không nên chủ quan vì gió mạnh sẽ còn quay trở lại. Ảnh: NCHMF.

Theo wikipedia, mắt bão là một khu vực có điều kiện thời tiết hầu như yên bình, với vị trí nằm tại trung tâm của các xoáy thuận nhiệt đới cường độ mạnh. Mắt của một cơn bão có hình dạng gần tròn và đường kính điển hình là từ 30–65 km (20-40 dặm). Bao quanh mắt là thành mắt bão, một vòng tròn mây dông nơi chứa đựng những điều kiện thời tiết nguy hiểm nhất. Giá trị áp suất khí quyển thấp nhất của một xoáy thuận là ở trong mắt và nó có thể thấp hơn mức áp suất bên ngoài đến khoảng 15%.

Trong những xoáy thuận nhiệt đới mạnh, mắt có đặc điểm quang mây và gió nhẹ, bao khắp xung quanh là một thành mắt bão cao và đối xứng. Với những xoáy thuận nhiệt đới yếu, mắt của chúng thường kém sắc nét và có thể bị che khuất bởi khối mây trung tâm dày đặc - một vùng mây dày, cao hiển thị rõ trên ảnh vệ tinh. Những cơn bão yếu hơn nữa hoặc bất tổ chức cũng có thể thể hiện một thành mắt bão không bao bọc toàn bộ lấy mắt hoặc là một con mắt chứa đựng mưa nặng hạt. Dù vậy, đối với mọi cơn bão, mắt là nơi tìm thấy giá trị áp suất tối thiểu của chúng - nơi mà áp suất khí quyển tại mực nước biển là thấp nhất.

Mắt của một xoáy thuận nhiệt đới điển hình có bề rộng vào khoảng 30–65 km (20-40 dặm), với vị trí thường nằm tại trung tâm của cơn bão. Mắt có thể rõ nét hoặc có những đốm mây thấp (mắt sắc nét), hay có thể bị che mờ bởi những đám mây tầng thấp hoặc trung (mắt bị che mờ), hoặc là bị che khuất hoàn toàn bởi khối mây trung tâm dày đặc. Tuy nhiên trong mắt mưa và gió là rất ít, đặc biệt ở gần chính tâm. Đây là một sự tương phản trái ngược với những gì xảy ra trong thành mắt bão, nơi chứa đựng những cơn gió mạnh nhất của một cơn bão. Bởi những cơ chế của một xoáy thuận nhiệt đới, nhiệt độ của mắt và không khí trực tiếp bên trên nó là ấm hơn xung quanh.

Nằm trong mắt bão số 3, Hà Nội đột ngột lặng gió, đừng chủ quan vì bão số 3 vẫn rất mạnh, giật cấp 12 - Ảnh 2.

Khoảng lặng của Thủ đô Hà Nội trong tâm bão số 3. Người dân không nên chủ quan với hiện tượng này. Ảnh: Lê Kim Tú.

Dù thường khá đối xứng, mắt bão cũng có thể có hình dạng thuôn dài hoặc bất thường, đặc biệt là ở những cơn bão yếu. Một con mắt rách rưới lớn là một con mắt không tròn và rời rạc, nó là dấu hiệu của một xoáy thuận nhiệt đới yếu hoặc đang suy yếu. Một con mắt "hở" là con mắt mà mặc dù có thể tròn, nhưng thành mắt bão của nó không bao bọc hoàn toàn xung quanh, và đây cũng là dấu hiệu của một xoáy thuận đang suy yếu với tính chất bị tước đi lượng ẩm. 

Trong khi những cơn bão trưởng thành điển hình có những con mắt có đường kính vào khoảng vài chục dặm, thì những cơn bão tăng cường nhanh chóng có thể phát triển nên một con mắt cực nhỏ, tròn và sắc nét, đôi khi được gọi là mắt lỗ kim. 

Những cơn bão với mắt lỗ kim dễ bị biến động lớn về cường độ, dẫn đến những khó khăn và thất bại cho các nhà dự báo khí tượng.

Những mắt bão có đường kính nhỏ hơn 10 hải lý (19 km, 12 dặm) thường dễ kích hoạt nên chu trình thay thế thành mắt bão, trong đó một thành mắt bão mới dần hình thành phía ngoài thành mắt bão ban đầu. Điều này có thể xảy ra ở bất kỳ đâu trong phạm vi từ 15 cho đến vài trăm km (10 đến vài trăm dặm) phía ngoài mắt. Tiếp đó cơn bão sẽ phát triển ra hai thành mắt bão đồng tâm, hay là "mắt bên trong mắt".

 Trong hầu hết các trường hợp, thành mắt bão phía ngoài sẽ bắt đầu trở nên co lại không lâu sau khi hình thành, làm triệt tiêu con mắt bên trong, dẫn đến một mắt bão lớn hơn nhưng ổn định hơn. Trong khi chu trình này có xu hướng làm suy yếu cơn bão khi nó diễn ra, thành mắt bão mới có thể thu hẹp khá nhanh sau khi thành mắt bão cũ biến mất, điều này cho phép cơn bão tăng cường trở lại. Sau đó một thời gian, một chu trình thay thế thành mắt bão khác lại có thể tiếp tục.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem