Những bộ phim tố cáo nạn bạo lực học đường phơi bày ra sự thật đen tối phía sau hình ảnh hào nhoáng. Các nhà làm phim Hàn Quốc nhiều lần đưa những câu chuyện có thật này lên màn ảnh để trở thành hồi chuông cảnh tỉnh về cách giáo dục của nhà trường cũng như cha mẹ học sinh.
Penthouse (Cuộc chiến thượng lưu)
Bộ phim truyền hình Penthouse “nóng” trở lại khi những ngày qua nữ ca sĩ Thủy Bi lên tiếng tố rằng, con gái chị và một số bạn bị một học sinh khác trong trường quốc tế gây những thương tích trên cơ thể. Những khán giả từng xem Penthouse nhận xét cách làm của nữ ca sĩ Thủy Bi với hành động quyết liệt tìm tới trường giống như cách mà nhân vật Oh Yoon Hee (Eugene đóng) đã làm để đòi công bằng cho con.
"Cuộc chiến thượng lưu" tố cáo vấn nạn bạo lực học đường không chỉ dừng ở hành vi sai trái của những học sinh mà còn ở hệ quả của cách hành xử của những ông bố bà mẹ giàu có và quyền lực trong xã hội. Quá trình giáo dục con em mình sai hướng khi chỉ coi trọng đồng tiền đã khiến nhân cách của những đứa trẻ bị ảnh hưởng xấu.
Silenced (Im lặng)
Bộ phim tạo được tiếng vang lớn của điện ảnh Hàn Quốc dựa trên tiểu thuyết cùng tên và một câu chuyện có thật trong nền giáo dục, xảy ra từ năm 2000 đến năm 2005. Phim kể về hành trình của một thầy giáo đòi lại công bằng cho những đứa trẻ bị bạo hành và lạm dụng tình dục tại một trường trẻ em câm điếc.
Sự thật được người thầy giáo mới chuyển đến trường phát hiện ra. Chính thầy hiệu trưởng và ban lãnh đạo trường đã bạo hành, xâm phạm đối với những đứa trẻ chưa đủ tuổi vị thành niên và bị khuyết tật. Đáng sợ là những cảnh tượng một học sinh bị dúi đầu vào máy giặt, một bé gái bị lôi vào một phòng kín… Bộ phim khiến khán giả cảm nhận rõ nét về nỗi ám ảnh của sự “im lặng” giữa con người và con người. Những đứa trẻ bị bạo hành không thể nói, chỉ có biểu cảm sợ hãi, cuộc đấu tranh để đi tìm công lý đầy gian nan. Phim gióng lên hồi chuông người lớn đừng nên thờ ơ với những nỗi đau của con trẻ.
Angry Mom (Khi mẹ ra tay)
Nạn bạo lực học đường được bộ phim khắc họa chi tiết khi bà mẹ ngoài 30 tuổi Kang Ja (Kim Hee Sun) quyết định đóng giả làm học sinh để đi tìm sự thật và đòi lại công bằng cho con gái khi phát hiện thấy những vết bầm tím trên người con.
Cũng từ đây Kang Ja phát hiện ra sự thờ ơ, vô cảm, vô trách nhiệm của những giáo viên liên quan lẫn cảnh sát. Cô đã quyết định đứng ra để bảo vệ cho con mình khỏi đám bạn chuyên bắt nạt bạn bè. Cho dù đó có là nam sinh chủ tịch hội học sinh hay nam sinh đầu gấu nhất trường cũng phải quỳ gối và chấp nhận sửa sai.
School 2015: Who are you? (Học đường 2015)
Nằm trong series phim School, phần phim năm 2015 tập trung sâu hơn về vấn nạn bạo lực trong trường học. Những cảnh phim một nữ sinh bị đám bạn đánh rồi ném bột vào người, đe dọa và dùng thế lực gia đình để ép phải rời khỏi trường đã phản ánh một phần hiện thực trong xã hội Hàn. Vì không có bố mẹ, phải sống trong trại trẻ mồ côi nên cô bé trở thành đối tượng bị nhóm nữ sinh bắt nạt trong trường, phải sống trong tủi cực tới mức suýt tự tử.
Beautiful world (Thế giới tươi đẹp)
Bộ phim xoay quanh cuộc sống của cặp vợ chồng nọ có chồng là giáo viên, vợ làm bánh. Con trai học cấp 2 của họ phải nhập viện vì bị bạn đánh khiến họ quyết định đưa vụ việc ra ánh sáng. Gia đình của nam sinh ngỗ ngược chuyên bắt nạt các bạn thuộc tầng lớp thượng lưu trong xã hội, rất giàu có và muốn dùng tiền, dùng quyền để bịt miệng, che đậy tội lỗi của con. Dẫu vậy, với tình yêu thương con, cặp vợ chồng nọ vẫn quyết tâm đi tới cùng để tìm lại tiếng nói công bằng.
Everyone is there (Mọi người đều ở đó)
Tác phẩm điện ảnh năm 2020 phản ánh về nạn bạo lực học đường khi kể về câu chuyện của hai chị em sinh đôi Soo Yeon và Jung Yeon. Trong trường, cô em Soo Yeon thường xuyên bị nhóm nữ sinh bắt nạt tới mức bị quay clip tung lên mạng. Khi phát hiện ra sự việc, người chị song sinh đã đóng giả em mình, thay em trừng trị đám người kia để cứu em khỏi những tháng ngày sống trong sợ hãi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.