Những chuyện không ai muốn nói
Nói về tình trạng kết hôn trước độ tuổi và hôn nhân cận huyết thống ở tỉnh Sơn La, ông Cầm Văn Tổ - Giám đốc Trung tâm Dân số-Kế hoạch hóa gia đình huyện Mai Sơn, lắc đầu buồn bã: “Nói thật, nhìn đâu cũng thấy hiện tượng đáng buồn ấy. Ngay ở xã nhà tôi, con anh, con em chúng vẫn lấy nhau. Còn chuyện kết hôn trước độ tuổi thì ở cái tỉnh này nhiều lắm. Riêng huyện Mai Sơn này, 6 tháng đầu năm nay đã có 91 cặp tảo hôn và 3 cặp kết hôn cận huyết thống”.
Nhìn vào báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số (2003-2013) của tỉnh Sơn La mới thấy lời ông Tổ nói không ngoa chút nào. Ngay tại các địa bàn mà tỉnh Sơn La, nơi triển khai mô hình giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống như: Tà Xùa (huyện Bắc Yên), Phổng Lái (Thuận Châu), Vân Hồ (Vân Hồ), Lóng Luông (Mộc Châu)... vẫn xảy ra những chuyện “không ai muốn nói ấy”.
Huyện Thuận Châu có hơn 190 trường hợp tảo hôn, chiếm gần 30% tổng số cặp vợ chồng đã kết hôn trong 6 tháng đầu năm của huyện. Đặc biệt, có những xã tỷ lệ tảo hôn trong độ tuổi từ 12 - 17 lên đến 50%. Đó không phải là những con số khô khan mà là con số đáng báo động trong công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình ở Sơn La.
Lý giải về chuyện kết hôn cận huyết thống, ông Lò Văn Sơn - một lão làng người Sinh Mun ở bản Pá Nó, xã Phiêng Pằn (Mai Sơn), phân bua: Ngày xưa phải lấy vợ, lấy chồng sớm, kết hôn cận huyết là vì nhận thức chưa đầy đủ, nhưng bây giờ vẫn vướng vào những vi phạm ấy là bởi lớp trẻ xem nhiều phim ảnh xấu, bị kích động sớm trong khi cha mẹ, ông bà mải lo làm ăn, không để ý đến con cái.
Phải nói cho lớp trẻ nghe và hiểu
Cũng bởi lý do này mà các bệnh liên quan tới di truyền đang có xu hướng tăng ở Sơn La, trong đó đặc biệt điển hình là bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) với hàng chục trẻ mắc bệnh.
Khi đi tuyên truyền về bỏ hủ tục hôn nhân cận huyết, bà Lò Thị Phanh - nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Mai Sơn thường lấy… chính mình ra làm ví dụ. Vợ chồng bà cùng là người Khơ Mú, là anh em con chú con bác với nhau. “Ngày xưa, do thiếu hiểu biết nên chúng tôi đã lấy nhau. Vì thế, bao năm sống rất hạnh phúc mà chẳng có con cái gì. Sau này chúng tôi mới hiểu rằng: Kết hôn cận huyết để lại cho con người ta nhiều nỗi đau và có những nỗi đau dai dẳng, kéo theo hệ lụy cho cả xã hội như việc sinh ra người thiểu năng, dị tật bẩm sinh, bị bệnh tan máu… là gánh nặng cho y tế và xã hội. Vì vậy tôi thấy cần phải tuyên truyền triệt để, chấm dứt hẳn tình trạng hôn nhân cận huyết”- bà Phanh nói.
Ngay cả người Mông, dù họ luôn quy định “không được lấy nhau nếu vợ và chồng cùng một họ” nhưng vẫn mắc phải hôn nhân cận huyết bởi lớp trẻ con cô, con cậu thấy khác họ vẫn thích nhau. “Khi chúng đã ngủ với nhau, có con thì các gia đình bắt buộc phải cưới. Vì thế, giờ quan trọng nhất là phải nói cho lớp trẻ nghe và hiểu” – một già bản người Mông nói.
Ông Cầm Văn Tổ khẳng định: Có nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng kết hôn cận huyết thống và tảo hôn nhưng nguyên nhân chính vẫn là ở khâu tuyên truyền. Cần phải đổi mới công tác tuyên truyền trên các mặt: Nội dung tuyên truyền sát thực hơn, rõ ràng hơn; tần suất tuyên truyền nhiều hơn; đối tượng tuyên truyền mở rộng hơn, hướng tới độ tuổi trẻ và các phụ huynh; phải giúp họ nhận thức đúng và đầy đủ thì mới thay đổi hành vi được.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.