Nạn trộm vỏ cây bời lời hoành hành ở Kon Tum

Tuấn Anh Thứ ba, ngày 05/05/2015 07:00 AM (GMT+7)
Vài năm trở lại đây, ở nhiều địa bàn tỉnh Kon Tum do vỏ cây bời lời rất được giá và cũng nhiều thương lái tìm đến thu mua nên đã xuất hiện nạn trộm vỏ cây bời lời. Mặc dù, cây bời lời chưa đến thời kỳ thu hoạch, nhưng trộm đã ghé vườn bời lời để cạo lấy vỏ ngay trên cây để bán.
Bình luận 0
Cạo trộm vỏ ngay trên cây

Khi chúng tôi đi về những thôn/làng mà cây bời lời được trồng nhiều như: Xã Ngọc Bay, Kroong, phường Thắng Lợi (TP.Kon Tum) và huyện Kon Rẫy, được nghe bà con phàn nàn về việc bời lời bị cạo trộm vỏ. Bà Y Trang, thôn Kon Klor, phường Thắng Lợi chia sẻ: Bây giờ làm nương rẫy vất vả lắm, chứ không còn được như trước. Đất làm rẫy ven thành phố Kon Tum không có, phải đi làm ở xã khác hay phải lên tận xã Đăk Tờ Re của huyện Kon Rẫy mới có. Mà đất trồng mỳ được vài năm cũng cằn cội, thế nên gia đình chuyển sang trồng cây bời lời, bởi nó ít phải chăm sóc và lại có giá. Nhưng ngờ đâu cây bờ lời chưa đến kỳ thu hoạch mà đã bị trộm cạo lấy vỏ ngay trên cây luôn.
img
Già A Ve ngày nào cũng phải ở trong rẫy bời lời để trông coi, đề phòng bị mất trộm.
Cũng theo nhiều người dân cho biết, đối tượng trộm vỏ cây bời lời chủ yếu là một số thanh niên trong thôn/làng kết hợp với người ngoài. Các thanh niên này ăn trộm chủ yếu để bán lấy tiền ăn tiêu như: Chơi game, hút thuốc, uống rượu là chính. Cứ vào buổi trưa hay gần buổi tối lúc đã vắng người và không còn ai ở trên nương rẫy thì bọn trộm lại hoành hành. Dụng cụ của chúng chỉ cần một con dao cạo bời lời được bán khá nhiều ở các cửa hàng vật tư nông nghiệp. Khi đi vào rẫy bời lời,  bọn trộm lấy cái bao bì, lót dưới gốc và đem dao cạo một đường chừng từ thân cây xuống tận gốc. Và mỗi lần đi cạo trộm như vậy, chúng chỉ cần cạo khoảng vài đường ở vài cây bời lời là có thể bán được mấy chục ngàn đồng mà không nguy hiểm như trộm những thứ khác. Bình quân vỏ bời lời khô, các nhà buôn mua với giá hơn 30 ngàn đồng/kg.

Do bị cạo trộm vỏ mà chưa đến lúc thu hoạch nên nhiều hộ gia đình đã quét vôi nước lên cây bời lời để làm kí hiệu. Và liên hệ với các nhà buôn khi nào có người nhập vỏ bời lời mà có dấu vôi thì thông báo với gia đình để bắt và răn đe. Còn nhiều gia đình khác, phải dựng chòi trên nương rẫy để trông giữ phòng bị mất trộm.
 
Ông A Ve, thôn 8, xã Đăk Ruồng (Kon Rẫy, Kon Tum) tâm sự: Gia đình chúng tôi cũng trồng được 5 ha bời lời và có rẫy gần nhà cũng sắp cho thu hoạch. Nhưng giờ thấy vỏ cây bời lời bị mất trộm nhiều nên ngày nào cũng phải vào rẫy để giữ. Nhiều rẫy không có người nhà trông coi, phải thuê người khác vào rẫy giữ cho tới ngày thu hoạch. Và thường rẫy nào ở gần làng hay các con đường mới bị cạo trộm, chứ rẫy ở trong sâu thì không bị mất mát gì cả đâu.

Vẫn khó để dập tắt nạn trộm này

Cây bời lời khi trồng lần đầu tiên thì khoảng 5 năm trở lên mới cho thu hoạch, còn các lứa sau chỉ 3 năm là được. Nhưng bọn trộm thấy bời lời có giá là cạo trộm, mà không biết được sự khó nhọc và vất vả của bà con. Làm cho người dân nuôi cây đến lúc thu hoạch để bán theo rẫy, nhưng rất khó bán và bị nhà buôn ép giá xuống thấp.
 
Mỗi lần cạo được vỏ, bọn trộm thường bỏ vào túi bóng hay bao tải nhỏ, khi nào gặp người thì vứt lại, vắng người lại lấy về. Trong những người cạo trộm bời lời, cũng có một số ít bà con đồng bào dân tộc thiểu số trong thôn/làng, lúc đi làm rẫy về cũng nảy sinh tật xấu cạo trộm một ít bán uống rượu. Và khi trộm được về, bọn trộm sẽ không bán liền, mà chờ vài ngày sau và đi đến xã khác để bán nên để bắt được những tên trộm này mà giao nộp cho chính quyền địa phương không phải là chuyện dễ dàng.

Thượng úy Trần Văn Lộc – Trưởng công an xã Đăk Ruồng chia sẻ: Công an xã cũng nhận được tin của người dân về tình trạng cây bời lời đang trồng ở rẫy mà bị cạo trộm, nhưng số lượng mất còn lẻ tẻ. Mà đối tượng chủ yếu là nghiện game, nghiện thuốc lá hay những người đồng bào dân tộc nghiện rượu và trộm lâu cũng thành thói quen. Nhiều lần chúng tôi đã về tận thôn/làng, kết hợp với trưởng thôn, già làng để tuyên truyền cho các em, bà con không nên có những hành động đó. Nhưng vì vỏ cây bời lời đang có giá trên thị trường và nhiều nhà buôn mua nên cũng làm gia tăng nạn trộm.

Theo già A Hin, thôn 10, xã Đăk Ruồng (Kon Rẫy, Kon Tum), bà con trồng bời lời tự bảo vệ rẫy mình là chính, chứ lực lượng công an chủ yếu hỗ trợ khi cần thiết. Và bà con trong thôn không nên che dấu những hành vi xấu của nhau, sẽ khiến mất đoàn kết giữa các gia đình trong thôn và các thôn trong xã. Chứ 3 năm trở lại đây, lúc nào cũng có người dân phàn nàn về rẫy nhà mình bị cạo trộm vỏ bời lời, nhưng cũng biết làm sao được.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem