Nâng tầm gạo Việt xứng danh “hạt vàng” (bài cuối): Gạo Việt, từ tự ti thành... tự tin
Nâng tầm gạo Việt xứng danh “hạt vàng” (bài cuối): Gạo Việt, từ tự ti thành... tự tin
Anh Thơ (thực hiện)
Thứ sáu, ngày 18/09/2020 14:23 PM (GMT+7)
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh, trong hành trình hơn 30 năm chinh phục thị trường thế giới, từ chỗ có lúc tự ti vì thua sản phẩm cùng loại của nước khác về chất lượng và giá, nay đã có thể tự tin vì sở hữu nhiều giống lúa quý, có thời điểm giá gạo của Việt Nam đã cao hơn gạo Thái Lan.
8 tháng năm 2020 đã ghi nhận sự thành công ngoạn mục của gạo Việt khi trong bối cảnh khó khăn của dịch Covid-19, xuất khẩu gạo vẫn có sự tăng trưởng ấn tượng, quan trọng là gạo Việt đã chứng minh được vị trí của mình trên thị trường thế giới. Theo Thứ trưởng, đâu là nền tảng để tạo nên thành công này?
- Phải khẳng định, thành công của ngành lúa gạo hôm nay là cả một quá trình nỗ lực tái cơ cấu sản xuất theo chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Nói đến Việt Nam là nói đến nền văn minh nhưng trước năm 1986, tình trạng thiếu đói vẫn khá phổ biến nhưng sau năm 1990, nền nông nghiệp từng bước phát triển, trong đó có ngành lúa gạo.
"Từ chỗ tự ti với bạn về chất lượng, giá cả, giờ đây chúng ta hoàn toàn tự tin chinh phục các thị trường mới".
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh
Có được kết quả đó là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo chung của Đảng, Nhà nước. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986 đã "cởi trói" sức sản xuất của nông dân, trao quyền cho nông dân được tự sản xuất trên mảnh ruộng của mình.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng dành nhiều nguồn lực đầu tư cho hạ tầng thủy lợi, nhất là ở miền Bắc, theo tôi, Việt Nam là một trong những nước có nền thủy lợi hiện đại.
Trước đây nông dân ĐBSCL làm lúa nổi nhưng khoa học kỹ thuật đã biến vựa phèn thành vựa lúa đẹp như tranh; nhiều địa phương ven biển ở phía Bắc từ vùng phèn chua thành cánh đồng lúa cho năng suất 8 - 9 tấn/ha.
Đặc biệt, công tác nghiên cứu giống lúa của Việt Nam được đánh giá có những bước tiến ngoạn mục trong mấy chục năm qua, nhờ tinh thần tự vươn lên, học hỏi thêm quốc tế, chúng ta đã có bộ giống tuyệt vời, có gạo hạt dài, có lúa thơm đặc sản… Các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác luôn được đổi mới.
Có được điều đó, một phần là nhờ Việt Nam có hệ thống khuyến nông tuyệt vời. Năm 1993, Trung tâm Khuyến nông quốc gia được thành lập, dưới các tỉnh, huyện đều có tổ chức khuyến nông, cơ sở thôn bản có cộng tác viên khuyến nông, chính họ là nhân tố đưa các tiến bộ kỹ thuật đến với người dân một cách nhanh nhất.
Vượt qua khủng hoảng
Thế còn riêng năm 2020, khi chúng ta vừa phải đối phó với dịch bệnh, vừa phải lo sống chung với hạn mặn, nhưng sản xuất, xuất khẩu gạo vẫn khả quan. Theo Thứ trưởng, bài học kinh nghiệm ở đây là gì?
- Năm 2020 là một năm đáng ghi nhớ để tổng kết kinh nghiệm, một năm vô cùng đặc biệt. Trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, chúng ta đã phải ứng phó với những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, hạn mặn đến sớm ở ĐBSCL, Nam Trung Bộ thì hạn nặng, phía Bắc nhuận 2 tháng 4, mùa đông ấm nhưng mưa dầm dề, tạo điều kiện cho bệnh đạo ôn phát sinh, gây hại, đúng lúc cần chỉ đạo quyết liệt thì dịch Covid-19 xuất hiện.
Nhưng nhờ sự chỉ đạo xuyên suốt từ T.Ư đến địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị mà chúng ta có liên tiếp mấy vụ lúa thành công. Để ứng phó với hạn mặn mùa khô 2019 - 2020, ngay từ giữa tháng 9/2019, Thủ tướng đã chủ trì cuộc họp ở Tiền Giang bàn phương án sản xuất thích ứng với thiên tai, đầu tháng 10/2019, Bộ NNPTNT tiếp tục tổ chức hội nghị bàn giải pháp sản xuất vụ đông xuân trong bối cảnh hạn mặn sẽ khốc liệt hơn kỷ lục mùa khô 2015 - 2016.
Sau khi đi khảo sát, Bộ NNPTNT quyết định 400.000ha diện tích của 8 tỉnh ven biển vùng ĐBSCL phải đẩy giống sớm, đây là chủ trương mang tính quyết định cho thành công của vụ đông xuân 2019 - 2020.
Và kết quả như các bạn đã thấy, dù hạn mặn khốc liệt nhưng chúng ta vẫn có một vụ lúa đông xuân thắng lợi toàn diện, được mùa được cả giá. Nếu như mùa khô 2015 - 2016, chúng ta mất 1,3 triệu tấn thóc do hạn mặn, tăng trưởng của ngành âm thì vụ đông xuân 2019 - 2020 dù hạn mặn khốc liệt hơn ta vẫn thắng lớn.
Đáng mừng hơn là, gạo Việt ngày càng được đón nhận trên thị trường, 8 tháng năm 2020, gạo là một trong số ít mặt hàng tăng trưởng dương về xuất khẩu; giá gạo Việt Nam có lúc cao hơn gạo Thái Lan. Từ chỗ tự ti với bạn về chất lượng, giá cả, giờ đây chúng ta hoàn toàn tự tin chinh phục các thị trường mới.
Nâng giá trị hạt gạo
Việc EU mở hạn ngạch xuất khẩu gạo thơm cho Việt Nam với khối lượng 30.000 tấn có phải là bước khởi đầu cho ngành gạo tiếp cận các thị trường khó tính?
- Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, ngành hàng lúa gạo là một trong những ngành hàng được đánh giá đạt nhiều thành công trong thời gian qua.
Việc EU cấp hạn ngạch 30.000 tấn, được hưởng ưu đãi thuế là tín hiệu đáng mừng, 27 nước EU là thị trường khó tính, họ yêu cầu rất cao về an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, việc được thị trường EU chấp nhận sẽ góp phần thể hiện giá trị, chất lượng, uy tín của gạo Việt.
Đúng là khối lượng 30.000 tấn chưa phải là lớn nhưng là tín hiệu đáng mừng, nếu người dân, doanh nghiệp làm tốt, kiểm soát tốt chất lượng đáp ứng các yêu cầu của đối tác, được người dân châu Âu chấp nhận thì tôi tin chắc chắn hạn ngạch sẽ tăng.
Theo Thứ trưởng, tại sao lại có 9 loại gạo thơm được hưởng hạn ngạch về thuế quan khi xuất khẩu sang EU. Với những giống lúa đặc sản như ST24, ST25 thì cơ hội như thế nào?
- Theo quy định tại Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA), có 9 giống lúa thơm được xuất khẩu sang EU được hưởng hạn ngạch về thuế quan. Cụ thể, 9 giống lúa thơm xuất khẩu sang EU được hưởng hạn ngạch về thuế quan: Jasmine 85, ST5, ST20, Nàng Hoa 9, VĐ 20, RVT, OM 4900, OM 5451, Tài nguyên Chợ Đào.
Việc đàm phán hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU đã diễn ra nhiều năm nay, trong quá trình đàm phán hai bên thống nhất 9 loại gạo thơm được hưởng hạn ngạch về thuế quan.
Tuy nhiên, theo quy định của Hiệp định, từng năm hai bên sẽ rà soát lại, thống nhất, bổ sung những loại gạo thơm mới vào danh sách.
Với những loại gạo đặc sản, đã có uy tín, được danh hiệu gạo ngon nhất thế giới như ST24, ST25, chúng tôi sẽ sớm làm việc với EU để bổ sung hai loại gạo này vào danh sách. Tôi tin, với chất lượng, uy tín, sản phẩm sẽ chấp nhận.
Trong thời gian tới, ngành hàng lúa gạo cần làm gì để tận dụng tốt các ưu đãi này, thưa Thứ trưởng?
- Theo tôi, ngành hàng lúa gạo phải làm tốt 2 vấn đề. Thứ nhất, đảm bảo an ninh lương thực cho 100 triệu dân, dành một phần cho xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu gay gắt, đất lúa thu hẹp thì cần có chiến lược cho ngành hàng lúa gạo.
Hiện, diện tích canh tác lúa bình quân cả nước khoảng 7,7 - 7,8 triệu hecta, năng suất khoảng 6 tấn/ha, chúng ta vẫn phải giữ được năng suất này để đảm bảo đủ sản lượng.
Thứ hai, cần nâng cao giá trị hạt gạo để giá bán cao, giảm chi phí sản xuất để nâng cao thu nhập cho nông dân, hiện tái cơ cấu ngành lúa gạo đang đi theo hướng đó.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.