NATO báo tin cực buồn cho ông Zelensky, Đức đưa ra lời kêu gọi bất ngờ cho cuộc chiến giữa Nga-Ukraine

Minh Nhật (theo NN) Thứ ba, ngày 20/06/2023 07:13 AM (GMT+7)
Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố, NATO nên chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài giữa Nga và Ukraine trong khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thẳng thừng nói rằng, Ukraine sẽ không được đề nghị trở thành thành viên liên minh tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng tới.
Bình luận 0
NATO báo tin cực buồn cho ông Zelensky, Đức đưa ra lời kêu gọi bất ngờ cho cuộc chiến giữa Nga-Ukraine - Ảnh 1.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã hội đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Berlin hôm 19/6. Ảnh Getty

Theo The National News, người đứng đầu liên minh NATO, ông Jens Stoltenberg khẳng định, Ukraine sẽ gia nhập NATO khi “thời điểm thích hợp” nhưng sẽ không được đề nghị trở thành thành viên tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng tới. Tuyên bố của ông Stoltenberg được cho là sẽ khiến Tổng thống Volodymyr Zelensky cực kỳ thất vọng vì nhà lãnh đạo Ukraine từng được cho là đã đe dọa không tới dự hội nghị thượng đỉnh của NATO tại Litva vào tháng 7 tới, nếu Kiev không được đảm bảo an ninh và có lộ trình gia nhập liên minh như mong muốn.

Hai ông Stoltenberg và Scholz đã gặp nhau ở Berlin hôm 19/6 khi công tác chuẩn bị được đẩy mạnh cho hội nghị thượng đỉnh 31 nhà lãnh đạo NATO ở Vilnius, Litva. Hội nghị được dự kiến là nơi NATO cam kết tăng cường chi tiêu quân sự. Ông Stoltenberg đang thúc đẩy các đồng minh tăng cam kết chi tiêu vượt quá mục tiêu hiện tại là 2% GDP - mức mà nhiều nước, bao gồm cả Đức, vẫn chưa đáp ứng được.

Đức đang nỗ lực thúc đẩy ngành công nghiệp vũ khí của mình để sản xuất thêm vũ khí giúp Ukraine.

Các cường quốc NATO, trong đó có Đức, đã bàn giao xe tăng để giúp Ukraine chiếm lại lãnh thổ từ tay Nga trong một cuộc phản công lớn đã được báo trước từ lâu.

Mặc dù vậy, các đồng minh “nên chuẩn bị tinh thần cho cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine sẽ tiếp tục diễn ra trong một thời gian dài”, ông Scholz phát biểu trong một cuộc họp báo hôm thứ Hai 19/6.

“Chúng tôi đang chuẩn bị cho điều đó và điều chỉnh các chính sách của mình cho phù hợp. Đức sẽ hỗ trợ Ukraine miễn là cần thiết. Chúng tôi đã dự trữ số tiền cần thiết trong ngân sách của mình", ông Scholz.

Nga bắt đầu tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2/2022 và cho đến nay, cuộc chiến đã trở thành một cuộc tranh giành lãnh thổ ác liệt ở chiến tuyến phía nam và phía đông.

Ông Stoltenberg cho biết, người Ukraine sẽ có "vị thế mạnh mẽ hơn" trong các cuộc đàm phán có thể xảy ra trong tương lai nếu họ có thể giành lại thêm nhiều lãnh thổ từ Nga nhờ cuộc phản công đang diễn ra.

Ông Stoltenberg nói: “Tất cả chúng ta đều muốn cuộc chiến này kết thúc, nhưng một nền hòa bình công bằng không có nghĩa là đóng băng cuộc xung đột và chấp nhận một thỏa thuận do Nga đưa ra".

Trong khi một số quốc gia ở châu Âu đang thúc đẩy một lộ trình rõ ràng để Ukraine trở thành thành viên NATO, thì những quốc gia khác, chẳng hạn như Đức, coi đó là một viễn cảnh xa vời hơn.

Cuối tháng trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ra "tối hậu thư" với NATO rằng, ông sẽ không tham dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Litva vào tháng 7 trừ khi liên minh cung cấp cho Kiev các đảm bảo an ninh mà nước này muốn, Financial Times dẫn các nguồn tin thân cận cho biết ngày 31/5.

“Tổng thống Zelensky đã khẳng định với các nhà lãnh đạo NATO rằng ông sẽ không tham dự Hội nghị Thượng đỉnh ở Vilnius mà không có những đảm bảo an ninh cụ thể và một lộ trình cho việc (Ukraine) gia nhập liên minh", Financial Times đưa tin.

Ukraine chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 9/2022, cho rằng nguyên tắc phòng thủ tập thể mà liên minh này cung cấp cho các nước thành viên là yếu tố cần thiết để đảm bảo an ninh cho Kiev. Điều 5 Hiến chương NATO quy định một cuộc tấn công vũ trang vào một thành viên NATO "sẽ được coi như cuộc tấn công vào toàn bộ liên minh".

Financial Times dẫn nguồn tin từ 4 quan chức giấu tên hồi tháng 4 cho biết Mỹ và Đức đã phản đối việc trao cho Ukraine "mối quan hệ sâu sắc hơn" với NATO", trong đó có lộ trình gia nhập tương lai.

Trong khi đó, Moscow coi sự mở rộng của NATO về phía Đông là mối đe dọa với an ninh quốc gia và xem chính sách mở cửa của liên minh này là lý do cho cuộc xung đột ở Ukraine. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin gần đây nói rằng tình trạng trung lập của Ukraine là một trong những điều kiện cho hòa bình lâu dài giữa Nga và Ukraine.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem