NATO tấn công ác liệt chưa từng có vào Libya

Thứ tư, ngày 25/05/2011 06:05 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sáng 24.5, máy bay của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã mở cuộc tấn công lớn chưa từng có nhằm vào thủ đô Tripoli của Libya, khiến ít nhất 3 người chết và 150 người bị thương.
Bình luận 0

Rung chuyển bầu trời Tripoli

Tờ Daily Mail (Anh) dẫn lời phát ngôn viên Chính phủ Libya, ông Mussa Ibrahim cho biết, các chiến đấu cơ của NATO đã liên tục quần đảo trên bầu trời Tripoli và tiến hành từ 12-18 trận không kích vào một trại dân quân tình nguyện ủng hộ quân đội chính phủ.

img
Một mục tiêu tại Tripoli bị máy bay của NATO giội bom.

Các cuộc không kích đã kéo dài trong hơn nửa giờ. Các nhân chứng nói rằng đã nghe thấy tiếng máy bay gầm rú trên bầu trời Tripoli và hơn 15 tiếng nổ lớn trong khu vực xung quanh dinh thự của Tổng thống Libya M.Gadhafi. Đây là vụ không kích lớn nhất kể từ khi NATO tiếp quản chiến dịch tại Libya ngày 31.3.

Hãng tin BBC cho biết, các cuộc không kích ác liệt của NATO đã làm ít nhất 3 người đã thiệt mạng và 150 người bị thương. Hầu hết nạn nhân là dân thường sống gần trại dân quân nói trên.

Đến nay, cuộc chiến tại Libya đã bước sang tháng thứ ba kể từ khi liên quân Pháp, Anh, Mỹ khai hỏa trên bầu trời Libya đêm 19.3 nhằm thực thi Nghị quyết số 1973 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ).

Trong một sự thay đổi chiến lược, lần đầu tiên Pháp đã sẵn sàng đưa trực thăng vào tham chiến. Phát biểu bên lề các cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) tại Bỉ, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe cho biết, Paris đã điều động 12 máy bay trực thăng chiến đấu tiên tiến lớp Tigre và Gazelle từ tàu sân bay BPC Tonnerre đến tham chiến tại Libya.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Gerard Longuet tiết lộ thông tin cho biết, Anh cũng sẽ "nối gót" Pháp triển khai các máy bay trực thăng chiến đấu tham gia các cuộc không kích của NATO tại Libya.

NATO hiện có khoảng 200 máy bay tham gia các chiến dịch tại quốc gia Bắc Phi này, song hiện vẫn chưa sử dụng trực thăng để tấn công các lực lượng trung thành với Tổng thống Gadhafi. Mặc dù Đan Mạch hiện đang tham chiến tại Libya, song Ngoại trưởng nước này, ông Lene Espersen cảnh báo, việc huy động máy bay trực thăng có thể vượt quá quyền hạn mà nghị quyết của LHQ cho phép.

Mỹ muốn nhổ "chiếc gai Gadhafi"

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Jeffrey Feltman - phái viên cấp cao nhất của Washington - hiện đang ở Libya và hội đàm với các lãnh đạo Hội đồng dân tộc chuyển tiếp (NTC) tự xưng của lực lượng chống đối. Tại đây, ông Phenman nhấn mạnh rằng, Tổng thống Gadhafi phải từ bỏ quyền lực và rời khỏi Libya.

Ngày 24.5, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron cam kết duy trì áp lực đối với nhà lãnh đạo Gadhafi cho đến khi ông này hoàn toàn tuân theo các nghị quyết của Liên Hợp Quốc.

Trong khi đó tại Mỹ, các thượng nghị sĩ chủ chốt của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đã đưa ra một nghị quyết ủng hộ việc hạn chế hành động can thiệp quân sự của Mỹ tại Libya.

Nghị quyết này do các Thượng nghị sĩ John McCain của Đảng Cộng hòa, ông John Kerry của Đảng Dân chủ và một số thượng nghị sĩ khác soạn thảo. Theo nghị quyết, Thượng viện Mỹ "nhất trí rằng mục tiêu trong chính sách của Washington tại Libya là nhằm buộc nhà lãnh đạo Gadhafi và gia đình phải từ bỏ quyền lực, bao gồm cả việc sử dụng các biện pháp phi quân sự". Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thì cho rằng đã đến thời điểm loại bỏ nhà lãnh đạo Gadhafi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem