Thảo luận tại tổ về 2 dự án luật này, đại biểu Trần Du Lịch (TP.Hồ Chí Minh), ủng hộ sự cần thiết sửa luật. Theo đại biểu, dự thảo luật đề xuất thuế suất thuế TNDN từ 25% giảm xuống 22% năm 2014 và năm 2016 xuống 20% là hợp lý vì hiện nay nhiều doanh nghiệp lỗ không có tiền đóng thuế nên thuế suất bao nhiêu không quan trọng và không ảnh hưởng ngân sách.
|
Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) phát biểu thảo luận về thuế thu nhập doanh nghiệp. TTXVN |
Đại biểu Lịch cho biết: Hiện 30% số doanh nghiệp ở TP.HCM có lãi, còn 70% lỗ nên không có tiền đâu mà đóng thuế. “Do vậy, sẽ tạo tâm lý tốt cho thu hút đầu tư và phát triển sản xuất khi năm 2016 mức thuế giảm xuống 20%, phù hợp với khu vực” - đại biểu Lịch nhấn mạnh.
Tuy nhiên, đại biểu - doanh nhân Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) lại cho rằng: Hiện nay tất cả các doanh nghiệp đều khó, “thuyền to sóng cả”, không dễ dàng với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì vậy, theo đại biểu Hường: Khôi phục niềm tin cho doanh nghiệp là cấp thiết, doanh nghiệp nhỏ khó khăn, doanh nghiệp lớn khó khăn hơn, nên đề nghị mức thuế phổ thông 20% áp dụng ngay từ năm 2014 – 2015.
Đại biểu Châu Thu Nga (Hà Nội) góp ý: Thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, vốn lớn tồn kho nhiều, Chính phủ cần có các biện pháp điều hành phù hợp, bởi đa số doanh nghiệp bất động sản gần như lỗ, dừng hoạt động.
Liên quan đến chính sách hoàn thuế, đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) cho rằng: Quy định doanh nghiệp muốn hoàn thuế hiện giờ nâng mức tiền thuế đầu vào tối thiểu từ 200 triệu lên mức 500 triệu đồng.
“Hiện doanh nghiệp nhiều khó khăn thì không nên điều chỉnh tăng vì thực ra doanh nghiệp chỉ là người thu hộ Nhà nước thôi, người nộp là người tiêu dùng. Nguồn vốn này doanh nghiệp sử dụng như vốn lưu động, nâng lên làm doanh nghiệp bị chôn vốn ở đó” - đại biểu Hòa phân tích.
Ông góp ý thêm: “Riêng với tiêu chí doanh nghiệp nhỏ và vừa hưởng ưu đãi không nên lấy tiêu chí doanh thu mà nên lấy tiêu chí lao động và vốn. Vì như vậy càng thúc đẩy vòng quay vốn và hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp”.
Đại biểu Châu Thu Nga (Hà Nội) góp ý thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, vốn lớn tồn kho nhiều, Chính phủ cần có các biện pháp điều hành phù hợp, bởi đa số doanh nghiệp bất động sản gần như lỗ, dừng hoạt động nên đề nghị có chế tài mới chuyển đổi sản xuất, coi bất động sản như hoạt động sản xuất để áp dụng chính sách thuế phù hợp.
Về quy định giảm 50% thuế GTGT đầu ra đối với các hợp đồng bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội có diện tích sàn dưới 70m2 có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 được thực hiện từ ngày 1.7.2013 đến hết ngày 30.6.2014, đại biểu Nguyệt Hường cho rằng: Để hỗ trợ thiết thực cho người có thu nhập thấp mua nhà ở và giải quyết tồn kho cho thị trường bất động sản, tôi đề nghị xem lại về mặt thời gian bởi nếu áp dụng trong thời gian ngắn thì đối tượng “mang tiếng” được hưởng nhưng trên thực tế lại không được hưởng.
Theo đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội): Hiện nay tồn kho về nhà ở là rất lớn. Nhưng nếu tính ở phân khúc căn hộ 70m2 có giá là 15 triệu đồng/m2 thì trên thực tế gần như là rất ít. Vì vậy, cần đánh giá rõ sự tác động của chính sách thuế này đối với thực tế.
Phương Hà - Đức Hiếu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.