Nếu công ty phá sản, người dân phải được trả nợ trước

Lê Chiên (thực hiện) Thứ tư, ngày 09/12/2015 15:23 PM (GMT+7)
Để làm rõ trách nhiệm của Công ty CP Việt An cũng như các doanh nghiệp khác nợ dây dưa tiền mua cá của người dân, phóng viên NTNN đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Anh Tuấn - Công ty Luật Đại Nam (Hà Nội).
Bình luận 0

Theo quy định của pháp luật,  việc Công ty CP Việt An vi phạm hợp đồng trả nợ sẽ bị xử lý thế nào? Việc giám đốc công ty giao lại công ty cho người khác quản lý có ảnh hưởng gì việc trả nợ cho người dân?

img

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn - Công ty Luật Đại Nam (Hà Nội).

- Công ty không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trong hợp đồng là vi phạm nghĩa vụ hợp đồng. Theo quy định tại Chương VII Luật Thương mại, trong trường hợp này, người nông dân có thể yêu cầu doanh nghiệp thanh toán đầy đủ các khoản mua bán hàng hóa theo hợp đồng, buộc bồi thường thiệt hại (hoàn trả tiền lãi tính trên tổng số tiền hàng còn nợ, và các thiệt hại khác nếu chứng minh được), phạt vi phạm (nếu trong hợp đồng có thỏa thuận). 

Việc giám đốc Công ty CP Việt An đi Mỹ và “giao lại” công ty cho người khác quản lý không ảnh hưởng gì đến việc thanh toán của người dân, bởi lẽ: Chủ thể có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng mua bán cá tra đối với người dân là Công ty Việt An. Do vậy giám đốc Công ty Việt An đi Mỹ thì công ty vẫn phải có trách nhiệm trả nợ cho người dân. Bên cạnh đó, giám đốc công ty “giao lại” – tức ủy quyền cho em quản lý. Như vậy trong thời gian giám đốc đi Mỹ, người này sẽ phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ của giám đốc công ty theo phạm vi được ủy quyền.

Tuy nhiên trong trường hợp phạm vi ủy quyền không bao gồm việc thanh toán nợ cho người dân, và nếu quá thời hạn 30 ngày mà vẫn không ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty thì hội đồng quản trị phải cử người khác làm đại diện theo pháp luật của công ty. Lúc này người đại diện theo pháp luật mới của công ty sẽ thực hiện quản lý, điều hành công ty thực hiện các nghĩa vụ đối với người dân.

Hiện người dân lo lắng không dám làm lớn chuyện vì sợ công ty phá sản, ngân hàng sẽ được ưu tiên trả nợ trước, còn người dân trắng tay? Lo lắng này có cơ sở không?

- Việc người dân lo lắng như trên là không có căn cứ. Vì theo quy định tại Khoản d, Điều 54 Luật Phá sản 2014, thì trong trường hợp thẩm phán tuyên bố phá sản thì tài sản của doanh nghiệp được phân chia theo thứ tự sau: “d) Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ”.

Như vậy nếu doanh nghiệp và người dân không ký hợp đồng bảo đảm cho hợp đồng mua bán cá tra thì khoản nợ này sẽ là khoản nợ không bảo đảm và được ưu tiên thanh toán so với  khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ. 

Nếu công ty vẫn dây dưa trả nợ, người dân phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?

- Để bảo vệ quyền lợi của mình, người dân có thể sử dụng một trong hai cách sau: Thứ nhất, nộp đơn khởi kiện tại tòa án, yêu cầu Công ty Cổ phần Việt An thanh toán tiền nợ theo hợp đồng mua bán cá tra. Hoặc theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Luật Phá sản, người dân cũng có thể nộp đơn yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản đối với Công ty An Việt.

Trong trường hợp công ty phá sản, tài sản của công ty sẽ được thanh toán theo thứ tự được quy định tại Điều 54 Luật Phá sản nêu trên.

Xin cảm ơn luật sư!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem