Dân bức xúc...
Trung tâm Dạy nghề Hội Phụ nữ và Trung tâm Dạy nghề, hỗ trợ người khuyết tật và người nghèo Vĩnh Phúc là 2 đơn vị đang nợ tiền hỗ trợ cho LĐ đi học, hiện đã bị đình chỉ đào tạo (NTNN số 200/2010). Điều đáng nói là vì nhiều lý do khác nhau, LĐ đã từng học nghề nơi đây khó tìm được việc làm khiến đời sống rất khốn khó.
|
Chị Trần Thị Tú và nỗi lo lắng không tiền hỗ trợ cho lao động. |
Chị Ôn Thị Bảy - học viên Trung tâm Dạy nghề, hỗ trợ người khuyết tật và người nghèo tỉnh Vĩnh Phúc, người dân tộc Sán Dìu ở thôn 9, xã Đạo Trù (huyện Tam Đảo) bức xúc kể: "Vì đi học đến 6 tháng trời không làm ra tiền nên tôi phải vay hàng xóm hơn 1 triệu đồng cho con ăn học. Tôi tính bao giờ có tiền hỗ trợ, tôi sẽ trả nợ. Giờ đã một năm kể từ sau khoá học mà tiền hỗ trợ vẫn không thấy đâu, vì vậy mà khoản nợ vẫn còn đấy".
Không riêng gì các học viên ở Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ người khuyết tật và người nghèo tỉnh Vĩnh Phúc mà rất nhiều học viên ở Trung tâm Dạy nghề và giới thiệu việc làm của Hội Phụ nữ cũng bị nợ tiền hỗ trợ lên đến gần 1,1 tỷ đồng.
Chị Hoàng Thị Tính - Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Định Trung, thành phố Vĩnh Yên cũng cho biết: "Năm 2008, phường tôi mở một lớp chăn nuôi thú y, do Trung tâm Dạy nghề, tư vấn việc làm của Hội Phụ nữ tỉnh tổ chức. Lớp học 3 tháng được chăng hay chớ, còn tiền hỗ trợ cho bà con đi học (theo Quyết định 81/QĐ-TTg - PV) thì cả năm sau không thấy chi trả nên giờ người dân không thiết tha theo học nữa. Đây cũng là tình trạng chung của các lớp học trên địa bàn trong thời gian gần đây".
Trung tâm kêu khổ
Từ ngày được biết Chương trình hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn, chúng tôi cũng đã rất hy vọng có thể nhờ đó mà chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xoá đói giảm nghèo, ấy vậy mà giờ lại thất hứa với dân nên nói đến học nghề là người dân ngại ngần.
Chị Nguyễn Thị Hồng - Cán bộ Hội Phụ nữ xã Đạo Trù.
Trong 2 trung tâm nói trên thì Trung tâm Dạy nghề và giới thiệu việc làm của Hội Phụ nữ là có biểu hiện "nhập nhèm" tiền hỗ trợ. Còn Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ người khuyết tật và người nghèo tỉnh Vĩnh Phúc thì bị "oan gia" do kinh phí hỗ trợ chậm.
Sau một năm đi vào hoạt động, chỉ có 2/4 khoá học của trung tâm được hỗ trợ, số còn lại ở 14 lớp gần 500 học viên vẫn chưa hề có hỗ trợ, và cũng từng ấy học viên vẫn chưa được cấp chứng chỉ đào tạo nghề để làm việc. Điều đáng nói là gần 2.000 bộ hồ sơ tuyển sinh và các trang thiết bị, giáo trình trung tâm mua sắm để chuẩn bị cho năm học mới cũng vì thế mà còn chất đống ẩm mốc trong kho.
Chị Trần Thị Tú - quyền Giám đốc Trung tâm Dạy nghề, hỗ trợ người khuyết tật và người nghèo Vĩnh Phúc lý giải: "Đến giờ chúng tôi mới chỉ nhận được 456,5 triệu đồng trên tổng số 1,553 tỷ đồng mà Sở LĐ-TB&XH lên kế hoạch cấp cho trung tâm. Do vậy dù rất muốn nhưng trung tâm cũng không có tiền chi trả cho các học viên. Trong khi đó, chúng tôi rất khó xoay xở để có nguồn thu khác".
Ngay sau khi trung tâm ngừng tuyển sinh, dạy nghề, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Vĩnh Phúc đã hứa giải ngân, nhưng tới nay, 5 tháng đã trôi qua, lời hứa vẫn chưa được thực hiện.
Minh Nguyệt
Vui lòng nhập nội dung bình luận.