Trong những năm cuối thời nhà Đông Hán, thiên hạ loạn lạc, thời thế xuất anh hùng. Ba tập đoàn chính trị mạnh nhất là Tào Ngụy, Thục Hán và Đông Ngô đều sở hữu trong tay không ít binh hùng, tướng mạnh và mưu sĩ tài giỏi.
Thế nhưng trong số những anh hùng, hào kiệt thời Tam Quốc, Gia Cát Lượng có thể coi là người được nhắc đến nhiều nhất. Sự nhạy bén, tài năng, tài thao lược và tinh thần hết mình vì Lưu Bị và Thục Hán của Gia Cát Lượng khiến người đời cảm phục.
Lưu Bị với xuất phát điểm ở thế yếu so với Tào Tháo và Tôn Quyền, từ 'kẻ ăn nhờ ở đậu" cho đến khi từng bước xây dựng được cơ đồ nhà Thục Hán, tạo thế chân vạc, cùng Tào Ngụy và Đông Ngô phân tranh thiên hạ, không thể không nhắc đến công lao và sự phò tá của Gia Cát Lượng.
Theo Tam Quốc diễn nghĩa, sau 3 lần đích thân tới lều tranh, Lưu Bị mới gặp được Gia Cát Lượng. Sau khi nghe xong "Long Trung đối sách" do Gia Cát Lượng đề ra, Lưu Bị như được khai sáng và nhìn ra con đường để xây dựng cơ đồ, phục hưng Hán thất.
Sau lần gặp gỡ này, Gia Cát Lượng cũng nhận lời xuống núi, hết lòng phò tá Lưu Bị, từng bước giúp vị quân chủ này lập nên nhà Thục Hán.
Cục diện chiến trường Tam Quốc có nhiều thay đổi lớn, đặc biệt là sau cái chết bất ngờ của Quan Vũ vào năm 220. Do quá nóng vội muốn báo thù cho Quan Vũ, Lưu Bị phát động cuộc chiến tấn công Đông Ngô, nhưng cuối cùng đại bại tại trận Di Lăng, gây ra tổn thất không hề nhỏ cho Thục Hán.
Lưu Bị cũng vì thế mà lâm bệnh nặng và không lâu sau qua đời tại thành Bạch Đế năm 223. Sự ra đi của Lưu Bị trong bối cảnh Thục Hán đang chịu nhiều tổn thất, đồng thời chưa thể hoàn tất sự nghiệp phục hưng Hán thất như vị quân chủ này kỳ vọng.
Tuy nhiên, trước khi qua đời, Lưu Bị đã có màn "phó thác con côi" cho Gia Cát Lượng, vị thừa tướng tài đức song toàn và tận tụy của Thục Hán.
Sau sự ra đi của Lưu Bị, Gia Cát Lượng hết lòng phò tá Hậu chủ Lưu Thiện. Một mặt xử lý khéo léo tình hình nội bộ trong nước, một mặt sau khi đất nước ổn định, Gia Cát Lượng quyết tâm tiến hành chiến dịch Bắc phạt nhằm giúp hoàn tất tâm nguyện của Lưu Bị.
Đáng tiếc, sau nhiều lần Bắc phạt thất bại, cùng sự sức cùng lực kiệt trong nhiều năm, Gia Cát Lượng cuối cùng sinh bệnh nặng rồi qua đời ở gò Ngũ Trượng vào năm 234.
Vậy, một câu hỏi đặt ra rằng, nếu Bắc phạt thành công với kẻ thù lớn là Tào Ngụy, liệu Gia Cát Lượng có phế bỏ Hậu chủ Lưu Thiện và tự xưng làm hoàng đế hay không?
Câu trả lời là không. Vì sao?
Đáp án bất ngờ của Tôn Quyền?
Bởi tham vọng của Gia Cát Lượng là trở thành một bề tôi xứng đáng giúp ích cho xã tắc, chứ không phải là vị hoàng đế khai quốc. Hơn nữa, sinh thời Gia Cát Lượng luôn thần tượng hai vị tiền nhân là Quản Trọng (một công thần nổi tiếng thời Xuân Thu) và Nhạc Nghị (một vị tướng xuất chúng thời Chiến Quốc). Chính chi tiết này cho thấy hoài bão và hình mẫu mà Gia Cát Lượng muốn hướng đến. Đương nhiên đó không phải là giấc mộng trở thành hoàng đế.
Năm xưa, trước khi qua đời, trong màn "phó thác con côi", Lưu Bị từng nói rằng, tài của Gia Cát Lượng gấp mười Tào Phi, tất làm nên việc lớn. Nếu Lưu Thiện bất tài, không thể làm hoàng đế, Gia Cát Lượng hãy tự thay đi.
Gia Cát Lượng nghe xong lời Lưu Bị liền hứa sẽ hết mình dốc sức phò tá, đúng như câu nói "cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi".
Do đó, kể cả khi có Bắc phạt thành công, Gia Cát Lượng cũng sẽ không phế bỏ Lưu Thiện.
Về đáp án cho câu hỏi trên, Tôn Quyền, vị quân chủ của Đông Ngô, cũng từng đưa ra 8 chữ để nhận định về Gia Cát Lượng. Đó là: "Thụ di phụ chính, vô dĩ viễn qua", đại ý có nghĩa là Gia Cát Lượng chỉ có thể là một đại thần phụ chính.
Theo nhận định của Tôn Quyền, Gia Cát Lượng sẽ không thể làm hoàng đế, thân phận chỉ có thể làm người phò tá cho quân vương. Tôn Quyền tuy không giỏi đánh trận, nhưng lại có khả năng nhìn người. Vị quân chủ này đưa ra đánh giá về Gia Cát Lượng quả không sai.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.