Chiến tranh Mỹ - Iran nếu xảy ra liệu có "chóng vánh" như tuyên bố của Tổng thống Trump
Theo National Interest, Kenneth Adelman, cựu trợ lý của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld, từng không ngần ngại dự đoán năm 2002 rằng cuộc chiến lật đổ chính quyền của ông Saddam Hussein, Tổng thống Iraq thời điểm đó, sẽ dễ như "ăn kẹo".
Tổng thống Mỹ hiện tại, ông Donald Trump dường như không học được gì từ sự kiêu ngạo và tự tin thái quá của Adelman. Dù đã dừng lệnh tấn công trả đũa Iran sau vụ máy bay không người lái bị Tehran bắn hạ hôm 20/6, ông chủ Nhà Trắng sau đó vẫn cảnh báo giới lãnh đạo Iran rằng biện pháp quân sự vẫn được để ngỏ. Nếu Mỹ buộc phải sử dụng vũ lực với Iran, Washington sẽ không chỉ tấn công trên bộ mà còn tận dụng mọi lợi thế về sức mạnh của Hải quân và Không quân Mỹ để ra đòn tổng lực.
Tổng thống Mỹ khá tự tin về kết quả của cuộc chiến. Ông Trump khẳng định cuộc chiến tranh với Iran sẽ "kết thúc chóng vánh" và Iran sẽ phải nhận kết cục thảm hại.
Nhưng lịch sử lại đầy rẫy ví dụ về các cuộc chiến mà những nhà lãnh đạo và công chúng vô cùng sai lầm nếu cho rằng chiến tranh sẽ kết thúc nhanh chóng và dễ dàng. Trước nội chiến Mỹ, thời điểm Abraham Lincoln lựa chọn dùng vũ lực với các bang miền Nam nước Mỹ muốn ly khai, yêu cầu đầu tiên của ông khi tuyển quân tình nguyện chỉ đơn thuần là nhập ngũ trong thời gian 90 ngày (khoảng 3 tháng).
Người dân Washington khi đó tự tin rằng quân đội Liên minh sẽ đè bẹp lực lượng đòi ly khai trong trận chiến Manassas, nơi hàng trăm người lái xe ra chiến trường để chứng kiến. Họ coi đây như một sự kiện thu hút khán giả. Nhưng 4 năm sau, hơn nửa triệu người Mỹ đã chết và đây được xem là sự kiện đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Cuộc nội chiến Mỹ khiến hơn nửa triệu người thiệt mạng (ảnh minh họa)
Năm 1914, các nhà lãnh đạo và người dân ở các thủ đô lớn của châu Âu cũng thể hiện sự lạc quan rằng cuộc chiến mới sẽ kết thúc sau vài tháng và chiến thắng vẻ vang sẽ thuộc về phe họ. Nhưng một lần nữa, mọi chuyện không như dự tính. Cuộc xung đột tưởng sẽ diễn ra chớp nhoáng và ít đổ máu châm ngòi cho Thế chiến I (1914-1918), cướp sinh mạng của hàng triệu người trẻ tuổi, lật đổ hệ thống chính trị được thiết lập ở Đức, Áo-Hungary và Nga, đồng thời mở ra những tai họa từ chủ nghĩa phát xít.
Một điểm chung trong các nhận định sai lầm này là đánh giá giai đoạn đầu của cuộc chiến sẽ quyết định kết cục tổng thể. Đó cũng là lỗi mà ông Adelman mắc phải khi nhắc đến cuộc chiến Mỹ - Iraq. Cuộc chạm trán giữa quân đội Mỹ với lực lượng dưới quyền ông Saddam ban đầu có vẻ khá dễ dàng. Quân đội Iraq suy yếu khi đó không thể chống lại sức mạnh của quân đội Mỹ. Khi ông Saddam Hussein bị lật đổ, Tổng thống Mỹ khi đó là ông George W. Bush đã có mặt trên một tàu sân bay Mỹ để tung hô với một tấm băng rôn lớn "Nhiệm vụ đã hoàn thành".
Thế nhưng người Mỹ không thể ngờ, chiến thắng quân sự ban đầu lại mở ra một giai đoạn "đau đầu" cho người Mỹ. Trong vài tháng, một cuộc nổi dậy chống lại lực lượng quân đội Mỹ chiếm đóng tại Iraq nổ ra. Thêm vào đó, sự bất ổn chính trị gắn với cuộc nội chiến Iraq mở đường cho sự trỗi dậy của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.
Cuối cùng, hơn 4.400 binh sĩ Mỹ đã bỏ mạng khi làm nhiệm vụ tại Iraq và Washington phải chi hơn một nghìn tỷ USD cho cuộc chiến tại Iraq. Một cuộc chiến không hề "dễ như ăn kẹo" theo dự đoán của Adelman năm 2002.
Lịch sử và thực tế đều chống lại Mỹ nếu Washington muốn sử dụng biện pháp quân sự với Tehran
Trở về với hiện tại, người ta thấy thái độ ung dung của Tổng thống Trump về một cuộc chiến "chóng vánh" với Iran thật đáng lo ngại sau khi nhìn lại các bài học trong lịch sử kể trên. Ông chủ Nhà Trắng mặc nhiên cho rằng Mỹ có thể kiểm soát song song được hành động trả đũa và sự leo thang của cuộc chiến với Iran.
Giới chức Mỹ cũng mắc sai lầm tương tự như cuộc chiến của Mỹ ở Iraq. Ngay cả khi đối thủ kém hơn về năng lực quân sự, họ cũng có thể có nhiều phương án để thực hiện một cuộc chiến tranh bất đối xứng. Và chiến lược này có thể khiến cuộc chiến trở thành công cụ khiến quân đội Mỹ chịu thiệt hại nặng nề.
Với Iran, quốc gia Trung Đông này nắm rất rõ chiến lược trên và sức mạnh quân sự của Tehran sẽ khôn lường nếu áp dụng chiến lược này. Cựu đô đốc James Stavridis nhấn mạnh Iran có khả năng chiến tranh bất đối xứng cực kỳ mạnh ở một số mặt.
"Tấn công mạng, chiến thuật xuồng cao tốc, tàu ngầm diesel, lực lượng đặc nhiệm và tên lửa hành trình mặt đất đều là 'đặc sản' quân sự quý của quốc gia Trung Đông này. Ngoài ra, họ còn khá kinh nghiệm trong việc triển khai chúng trong môi trường khắc nghiệt ở Trung Đông", ông Stavridis cho hay.
Bên cạnh việc sử dụng lợi thế quân sự trực tiếp của mình, Iran còn có thể kêu gọi các đồng minh quân sự và chính trị theo nhánh Hồi giáo Shiite ở Trung Đông để gây thêm khó khăn cho Mỹ. Iran duy trì mối quan hệ rất chặt chẽ với lực lượng Hezbollah ở Lebanon và dân quân nổi dậy người Shiite ở Iraq. Lực lượng trú đóng của Mỹ tại Iraq và Lebanon sẽ dễ bị quấy rối và tổn thất nhân sự.
Cũng không nên bỏ qua tầm quan trọng của hầu hết người Shia đang bị áp bức ở Bahrain. Nếu sự bất mãn của họ đối với chế độ của người Sunni do Mỹ hậu thuẫn bùng nổ, chính quyền Tổng thống Trump sẽ gặp bất lợi nếu tiếp tục đặt căn cứ của Hạm đội thứ năm tại Bahrain.
Ông Trump sẽ là người thiếu trách nhiệm nếu coi cuộc chiến giữa Mỹ với Iran là "chuyện nhỏ". Tấn công Tehran có thể khiến Washington thiệt hại cả về vật chất và nhân lực. Sẽ là khôn ngoan nếu các nhà lãnh đạo Mỹ không mạo hiểm lựa chọn giải pháp quân sự với Iran.
Mới đây, Iran tuyên bố sẽ hủy diệt tàu chiến Mỹ bằng vũ khí bí mật nếu Washington có bất kỳ hành động nào quá khích....
Vui lòng nhập nội dung bình luận.