Nga di dời căn cứ hải quân ở Biển Đen khỏi Crimea?

Minh Nhật (theo Conversation) Thứ năm, ngày 26/10/2023 10:40 AM (GMT+7)
Nga đang tấn công dữ dội quanh Avdiivka ở phía đông Ukraine khiến hầu hết sự chú ý của các nhà bình luận một lần nữa lại tập trung vào chiến trường trên bộ này. Nhưng điều quan trọng là phải theo dõi chặt chẽ những gì đang xảy ra ở Biển Đen, theo Conversation.
Bình luận 0
Nga ầm thầm di dời căn cứ hải quân ở Biển Đen khỏi Crimea? - Ảnh 1.

Phần lớn tàu hải quân Nga ở Crimea đã được chuyển đến Novorossiysk, một cảng của Nga trên Biển Đen. Trong ảnh là các tàu chiến của Nga ở Novorossiysk năm ngoái. Ảnh AP

Ngày 24/10, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đưa ra tuyên bố rằng: “Hạm đội Nga không còn khả năng hoạt động ở phía Tây Biển Đen và đang dần chạy trốn khỏi Crimea. Và đây là một thành tựu lịch sử”.

Theo Conversation, sau các cuộc tấn công của Ukraine vào xưởng đóng tàu Sevastopol vào ngày 13/9 và vào trụ sở Hạm đội Biển Đen vào ngày 22/9, có thông tin cho rằng Nga đang tái triển khai các tài sản hải quân quan trọng ra khỏi căn cứ chính của họ.

Hạm đội này được cho là có ý định đặt căn cứ tại hai cảng an toàn hơn: Novorossiysk và Feodosia, ở hai bên eo biển Kerch nối phía đông Crimea với đất liền Nga. Thậm chí còn có báo cáo về kế hoạch xây dựng các cơ sở hải quân của Nga ở vùng Abkhazia ly khai thuộc Gruzia.

Cho dù đây là tái triển khai một phần hay phần lớn, và dù việc tái triển khai dài hạn hay ngắn hạn, điều này đều phản ánh một thực tế chiến lược mới ở Biển Đen. Ngay cả khi không có lực lượng hải quân hoạt động, Ukraine vẫn có thể đe dọa và tấn công các tàu Nga ở những nơi xa như Sevastopol và xa hơn nữa. Kiev đã phát triển khả năng đáng tin cậy để tấn công các lực lượng hải quân Nga ở khoảng cách xa bằng cách sử dụng tên lửa và máy bay không người lái trên biển.

Đây là một vấn đề lớn đối với Moscow. Tàu chiến thường là tài sản quân sự đắt tiền nhất trong kho vũ khí của một quốc gia. Các tàu hải quân phức tạp có thể mất nhiều thập kỷ để mua sắm và đưa vào hoạt động. Ví dụ, ở Anh, chu kỳ mua sắm tàu chiến thường được xem xét trong khoảng thời gian 30 năm.

Nga có số lượng tàu chiến rất hạn chế ở Biển Đen và không thể tăng cường cho Hạm đội Biển Đen của mình bằng các tàu chiến từ hạm đội Baltic hoặc phương Bắc.

Do đó, bảo vệ tài sản còn lại của mình là mục tiêu quan trọng đối với Nga, vì Hạm đội Biển Đen không thể chịu đựng mất mát thêm nữa. Điều đó có thể giải thích việc Nga đang cố triển khai lại. Nếu được xác nhận, đây có thể coi là một thắng lợi lớn của Ukraine, cả ở cấp độ hoạt động lẫn cấp độ biểu tượng.

Tính đến thời điểm hiện tại và trong tương lai gần, Nga có ít năng lực sản xuất mới và sửa chữa các tàu hải quân và tàu ngầm bị hư hỏng ở Biển Đen. Bến cạn Sevastopol hiện chưa hoạt động hết công suất và cảng Novorossiysk ở phía đông Biển Đen không có năng lực này, đặc biệt là đối với tàu ngầm.

Với các tàu chiến cần được bảo trì thường xuyên – và số lượng không xác định cần sửa chữa do các cuộc tấn công gần đây – chúng ta có thể mong đợi lượng tàu tồn đọng sẽ tăng lên. Điều này có thể có ý nghĩa nếu có thêm nhiều tàu chiến Nga bị thiệt hại trong thời gian ngắn và trung hạn.

Do đó, Hạm đội Biển Đen sẽ phải hết sức thận trọng với số tài sản còn lại của mình, điều này có thể dẫn đến việc giảm số lượng triển khai hoạt động trong tương lai gần của lực lượng này. Tuy nhiên, càng ít tàu Nga hoạt động gần Ukraine thì Kiev càng có nhiều cơ hội để tiến hành các cuộc tấn công tiếp theo vào Crimea và Hạm đội Biển Đen, góp phần tạo nên một chuỗi chiến thắng và cơ hội tích cực.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem