Trong bối cảnh nền công nghiệp xuất khẩu vũ khí toàn cầu trở nên ảm đạm, các tập đoàn chế tạo và bán vũ khí của Nga lại vừa có một năm “bội thu” nhờ các đơn hàng tăng đột biến từ Điện Kremlin để trang bị cho quân đội nước này.
Theo cuộc khảo sát thường niên do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm vừa tiến hành đối với 100 nhà thầu quốc phòng lớn nhất thế giới, doanh số của các công ty sản xuất vũ khí của Nga đã tăng 20% trong năm qua, bất chấp việc thị trường xuất khẩu vũ khí thế giới giảm 2%.
Các nhà thầu vũ khí của Nga đã có một năm "bội thu" nhờ đơn đặt hàng từ chính phủ
Nhiều nhà thầu quân sự phương Tây đã chứng kiến một năm ảm đạm với tình hình kinh doanh không mấy sáng sủa trong năm vừa qua. Các công ty sản xuất vũ khí của Mỹ, Canada và châu Âu đều chứng kiến sự sụt giảm về doanh số bán vũ khí trong năm 2013.
Ông Siemon Wezeman, chuyên viên cấp cao về chương trình mua sắm vũ khí và chi tiêu quân sự của viện trên cho biết: “Doanh số tăng đáng kể của các công ty quốc phòng Nga trong cả năm 2012 và 2013 đa phần là do sự đầu tư liên tục của chính phủ Nga để mua sắm vũ khí”.
Ông này nói tiếp: “Những khoản đầu tư trên được chi ra nhằm hiện đại hóa các loại vũ khí và tăng khả năng cạnh tranh của các tập đoàn sản xuất vũ khí ngang ngửa với các đối thủ đến từ Mỹ và Tây Âu”.
Nga đã thực hiện chương trình hiện đại hóa quân đội đầy tham vọng bất chấp nền kinh tế đang gặp khó khăn do giá dầu liên tục giảm và đồng rúp ngày một suy yếu. Chi tiêu quốc phòng vào năm tới của Nga có thể sẽ đạt mức kỷ lục 60,73 tỉ USD, mức cao nhất kể từ thời Liên Xô đến nay, và tăng 30% so với ngân sách quốc phòng năm 2014.
Với chương trình hiện đại hóa này, Nga dự định đến năm 2020 sẽ thay thế 70% số trang bị, vũ khí đang ngày càng trở nên lạc hậu của quân đội nước này. Quân đội Nga sẽ tiếp tục được trang bị các loại xe tăng, xe thiết giáp và hệ thống rocket mới vào năm sau.
Quân đội Nga sẽ được trang bị nhiều vũ khí "khủng" vào năm sau
Các tàu ngầm hạt nhân cũ kỹ của Nga cũng đang dần được thay thế bằng tàu ngầm hiện đại, và hải quân nước này cũng sẽ nhận một loại tàu ngầm “sát thủ” mới vào năm sau.
Theo kế hoạch, không quân Nga cũng được hưởng lợi rất nhiều từ chương trình hiện đại hóa trên với khoảng 150 máy bay và trực thăng mới đang được đặt hàng vào năm 2015.
Mặc dù đã đầu tư mạnh tay cho quân đội như vậy, nhưng ngân sách quốc phòng của Nga hiện nay vẫn chưa thể nào sánh được với Mỹ, khi chi tiêu quốc phòng của Mỹ năm 2015 là hơn 586 tỉ USD.
Mặc dù ngân sách quốc phòng của các nước Tây Âu đang sụt giảm do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nhưng cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine đã làm nổ ra một cuộc chạy đua vũ trang quy mô nhỏ ở Trung và Đông Âu, khi các quốc gia trong khu vực có chiều hướng tung thêm tiền mua sắm vũ khí trang bị.
Ba Lan đã chi khoảng 251 triệu USD để mua tên lửa hành trình của Mỹ, dành khoảng 3,37 tỉ USD để phát triển hệ thống tên lửa phòng không của mình. Trong khi đó, hồi tuần trước, 3 quốc gia vùng Baltic cũng tuyên bố sẽ tăng ngân sách quốc phòng để chống lại cái mà họ gọi là “mối đe dọa từ Nga”.
Ukraine cũng dự định sẽ tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng vào năm tới, lên mức khoảng 3 tỉ USD để phục vụ cho cuộc chiến hiện nay với phe ly khai thân Nga ở miền Đông, trong đó có việc mua khoảng 110 triệu USD vũ khí từ thị trường quốc tế.
Trí Dũng (Theo Scotsman)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.