Nga chạy đua ở Syria?

Đức Hoàng (tổng hợp) Thứ ba, ngày 13/10/2015 06:38 AM (GMT+7)
Tổng thống Nga Putin tuyên bố nhiệm vụ của Nga trong chiến dịch chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria là ổn định chính quyền hợp pháp tại Syria và tạo điều kiện tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại quốc gia này.
Bình luận 0

“Nga không cần mở rộng lãnh thổ”

Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Rossya 1 của Nga ngày 11.10, Tổng thống Nga Putin nêu rõ, khi IS còn tồn tại ở Syria thì không thể bắt đầu tiến trình chính trị được, đồng thời nhấn mạnh nếu quân đội Syria chứng tỏ được khả năng chống khủng bố thì khả năng cho một giải pháp chính trị sẽ tăng cao. Ông Putin nhấn mạnh: “IS còn thì không thể làm chính trị”.

img

Người dân Syria bày tỏ cảm ơn vì sự hiện diện của quân đội Nga ở nước này. Ảnh: Asianews

Ông Putin cho biết chiến dịch chống IS tại Syria đã được lên kế hoạch từ trước. Nga đã tiến hành trinh sát bằng vệ tinh và máy bay, đồng thời phối hợp các đối tác ở Syria và các nước khác trong khu vực, thành lập trung tâm thông tin tại Iraq. Tổng thống Putin một lần nữa khẳng định Nga sẽ không tiến hành chiến dịch trên bộ tại Syria. Theo ông Putin, Nga kêu gọi các đối tác trong liên minh do Mỹ đứng đầu hợp tác chống lại IS, chia sẻ thông tin về các căn cứ của IS tại Syria, tuy nhiên các đối tác này đã từ chối hợp tác. Tổng thống Nga cũng cảnh báo nguy cơ khủng bố tồn tại đối với nhiều nước Trung Đông. Ông Putin cho biết: “Chúng ta đã thông báo trước với các đối tác Mỹ và nhiều đối tác khác, nhất là những ai có hoạt động ở khu vực về các dự định và kế hoạch của chúng ta, nhưng Nga chưa bao giờ nhận được những thông báo tương tự về các chiến dịch của họ”.

Ngoài ra, ông Putin cũng đã bác bỏ những cáo buộc nói rằng các cuộc không kích của Nga nhằm vào các nhóm đối lập ôn hòa hơn là các chiến binh IS. Ông khẳng định chính sách ngoại giao của Nga là hòa bình và Nga không hề có ý định xây dựng một đế chế: “Nhìn vào bản đồ chính trị, chúng ta thấy rằng Nga không cần thêm lãnh thổ hay tài nguyên thiên nhiên. Chúng ta đã có đủ để là một quốc gia tự cường”.

Không chạy đua vũ trang

Trong khi đó, Hãng tin AFP dẫn lời giới phân tích cho rằng, với việc bắn tên lửa từ tàu chiến và dùng máy bay oanh kích các mục tiêu ở xa, với những gì đang diễn ra ở Syria, dường như Nga đang nhằm một mục đích chứng minh rằng một nước Nga đang hồi sinh có thể cạnh tranh được với phương Tây. Chuyên gia Matthew Rojansky - Giám đốc Viện Kennan tại Washington nhận định: “Thay vì chủ yếu là về Syria hay về IS, cuộc tranh chấp này là về nguyên tắc toàn cầu. Cuộc tranh chấp này đã vượt qua mức độ áp lực kinh tế và thủ đoạn ngoại giao. Hiện nó đã đạt đến mức sử dụng sức mạnh quân sự để thể hiện quan điểm”.

Tuy nhiên, trước những cáo buộc này, Tổng thống Putin đã thẳng thừng bác bỏ: “Đây không phải là chạy đua vũ trang, thực tế thì các loại vũ khí hiện đại đang ngày càng cải tiến và thay đổi. Ở các nước khác điều này diễn ra còn nhanh hơn ở đây”.

Với hơn 70% người dân Nga chấp nhận sự can thiệp vào Syria, phương Tây nghi ngờ về động cơ thực sự đằng sau chiến dịch này và cáo buộc Nga đang giúp củng cố chế độ Assad đang bị bao vây, bằng cách tấn công vào các khu vực do phe đối lập nắm giữ. Trước đó, trả lời Hãng tin Interfax ông Putin cho biết, Nga không muốn dính líu đến cuộc chiến tranh giữa các tôn giáo tại Syria và Mátxcơva không thấy có sự khác biệt giữa các cộng đồng Hồi giáo dòng Sunni và Shiite.

 Điện Kremlin đã đầu tư cho ngân sách quốc phòng năm nay ở mức kỷ lục 3,29 nghìn tỷ rúp (53 tỷ USD), tương đương hơn 4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga. Giới phân tích cho rằng một chiến dịch kéo dài ở Syria có thể gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ hơn cho Mátxcơva.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem