Trong những ngày qua, Nga khiến NATO phải lạnh gáy vì chuyện tên lửa. Dư luận phương Tây đã rất quan tâm đến vấn đề này khi một tờ báo của Đức dẫn các nguồn tin cho thấy các hình ảnh chụp từ vệ tinh ghi lại các tên lửa Iskander-M của Nga ở Kaliningrad (vùng lãnh thổ ngoại vi của Nga giáp Ba Lan).
Đáng chú ý hơn nữa là ngay sau đó một quan chức cao cấp của quân đội Nga cũng đã xác nhận rằng Nga đã triển khai tên lửa Iskander-M ở gần biên giới NATO cách đây 12 tháng. Khi chuyện này chưa lắng xuống thì lại có thông tin Nga đang tái xây dựng lại đội tên lửa tàu hỏa huyền thoại hay còn gọi là BZhRK Molodets.
Quái vật trên đường sắtNga là nước có lãnh thổ rộng nhất thế giới trải qua trên 12 múi giờ và người Nga có thể tự hào nói: “Mặt trời không bao giờ lặn trên đất Nga”. Để nối liền mạch giao thông ở Nga trên đường bộ thì Nga sử dụng hệ thống đường sắt. Trong Thế chiến thứ 2, đường sắt chính là phương tiện giao thông quan trọng để chuyển quân và khí tài từ Viễn Đông sang mặt trận phía tây, nhờ đó họ đã phản công khiến phát xít Đức bại trận. Tưởng như thứ đường ray cổ lỗ sĩ không còn có nhiều giá trị trong thời đại bùng nổ thông tin và công nghệ nhưng nó vẫn được người Nga dùng để nuôi dưỡng một con quái vật chiến tranh là BZhRK Molodets.
Những đoàn tàu BZhRK Molodets trông như những toa tàu vận tải thông thường nhưng sự thật bên trong toa là một quả tên lửa. Thật ra, trước đây Liên Xô đã phát triển loại vũ khí này. Nó cho phép Nga triển khai vũ khí trên khắp lãnh thổ rộng lớn của họ một cách cơ động mà không phụ thuộc vào hàng không (quá đắt đỏ) còn vận chuyển bằng ô tô thì không hợp khi mùa đông lạnh giá ở vùng Viễn Đông.
Nhưng vào năm 2005, con quái vật này bị xếp trong kho. Báo Nga cho biết hệ thống BZhRK Molodets của Liên Xô đã bị loại khỏi trang bị theo Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START) do Tổng thống Mỹ George Bush và Tổng thống Nga Boris Yeltsin ký năm 1993. Còn giờ Nga quyết định đánh thức nó dậy vì cảm thấy khó chịu trước những hành động giỡn mặt từ NATO.
Tư lệnh Bộ đội tên lửa chiến lược Nga (RVSN) - thượng tướng Sergei Karakayev - tuyên bố hôm 18.12.2013 rằng: “Hệ thống tên lửa mới được phát triển như biện pháp đáp trả chương trình tấn công chớp nhoáng toàn cầu của Mỹ”. Ông Karakayev cũng cho biết: “Một trong các đề xuất là xem xét trở lại với các BZhRK Molodets khi xét đến khả năng sống còn cao, khả năng hiện có của công nghiệp quốc phòng và mức độ rộng khắp của mạng lưới đường sắt”.
Ngay trước khi Nga công bố các kế hoạch đánh thức quái vật trở lại thì họ đã khởi động kế hoạch từ lâu. Tờ Lenta cho biết việc lên phương án đã có từ ngay sau khi ông Putin trở lại làm tổng thống Nga. Viện Kỹ thuật nhiệt Moskva MIT vào nửa đầu năm 2014 sẽ hoàn thành thiết kế phác thảo BZhRK Molodets mới
Quái vật trở lại, lợi hại hơn xưaTrước 2005, Nga có 12 hệ thống BZhRK Molodets với 36 tên lửa RT-23 UTTKh di chuyển trên các tuyến đường. Các tên lửa RT-23 UTTKh của hệ thống có khả năng tiêu diệt các mục tiêu ở cự ly đến 10.000km. Mỗi tên lửa được trang bị một phần chiến đấu chứa 10 đầu đạn, mỗi đầu đạn dẫn đường độc lập, có đương lượng nổ 400kt. Tên lửa có chiều dài 22,6m, đường kính 2,4m. Tuy nhiên, do tên lửa RT-23 UTTKh quá nặng nên nhiều đoạn không thể đi trên đường sắt vận tải thông thường nên tính cơ động bị giảm. Còn quái vật mới đã khắc phục được điểm yếu này.
Theo thông tin ban đầu, mỗi hệ thống BZhRK Molodets bao gồm 3 đầu máy DM62, 1 sở chỉ huy gồm 7 toa xe, 1 toa xe xi-tec chứa dự trữ xăng dầu và 3 bệ phóng. Bề ngoài, đoàn tàu tên lửa chiến lược trông gần như giống đoàn tàu thông thường với các toa xe lạnh, toa xe bưu điện và toa xe khách. Các toa xe mang tên lửa khác có chiều dài lớn hơn toa xe thường và nhiều cặp bánh hơn. Nga định triển khai bao nhiêu hệ thống BZhRK Molodets là con số tuyệt mật nhưng nó đủ nhiều để chơi khô máu với NATO, một diễn đàn quân sự Nga tiết lộ.
Đặc biệt, tên lửa mới dành cho hệ thống tên lửa đường sắt là RS-24 Yars vốn có trọng lượng không quá 47 tấn. ICBM này sẽ được ngụy trang trong toa tàu lạnh dài 24m. Bản thân tên lửa có chiều dài 22,5m. Bề ngoài, “toa xe lạnh” chứa tên lửa sẽ không khác với toa xe lạnh bình thường; sẽ không cần phải tăng số lượng trục toa. “Hỏa xa tên lửa” mới sẽ có thể di chuyển trên mọi tuyến đường, chứ không phải theo những tuyến đường gia cường đặc biệt. Nguồn tin từ diễn đàn quân sự Nga còn cho biết, với bệ phóng gắn theo thì Nga có thể lôi BZhRK Molodets đi khắp nơi mà họ muốn, di chuyển quanh các quân khu phía tây để hù dọa các nước NATO.
Nhưng thứ khiến NATO sợ không phải là khả năng cơ động của con quái vật này mà chính là móng vuốt mới mà nó được trang bị. Tên lửa RS-24 Yars có tầm bắn được nâng lên là 12.000 cây số tức là không chỉ Tây Âu mà toàn bộ nước Mỹ đều trong tầm bắn của nó. Tốc độ của RS-24 Yars thuộc loại kinh hoàng khi nhanh gấp 20 lần tốc độ âm thanh và đáng sợ nhất là nó được trang bị 4 đơn vị đầu đạn hạt nhân.
Truyền thông của Mỹ tỏ ra rất lo lắng trước việc Nga đã đánh thức con quái vật sau 8 năm cho nó ngủ trong kho và còn trang bị cho nó nanh vuốt lợi hại hơn. Họ đang đòi hỏi Nga giải thích việc tại sao lại đẩy mạnh việc triển khai tên lửa diện rộng nói chung và hệ thống tên lửa tàu hỏa nói riêng. Điều đó khiến tổng thống Nga Putin phải lên tiếng.
Ông cho biết Nga thật sự chưa hề triển khai hệ thống tên lửa nào áp sát biên giới NATO nhưng cũng không quên răn đe Nga có quyền làm điều này một khi cảm thấy mình bị “đe dọa”. Còn về chuyện hệ thống tên lửa tàu hỏa mang đầu đạn hạt nhân được triển khai trở lại thì ông Putin không bình luận trong khi bộ quốc phòng Nga khẳng định họ có quyền được làm bất kỳ điều gì trong lãnh thổ của mình. Nga cũng nhấn mạnh việc nghiên cứu, phát triển hệ thống tên lửa phòng không S-400, S-500 hay hệ thống BZhRK Molodets nằm trong chiến lược hiện đại hóa quân đội của Nga và không đe dọa đến nước nào.
Trong khi đó, một nguồn tin độc lập từ viện nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương của New Zealand lại cho rằng việc Nga đánh thức con quái vật tên lửa tàu hỏa không nhằm vào các nước phương Tây vì rằng bên giới của Nga quá gần các nước NATO. Họ tin rằng hệ thống BZhRK Molodets được tái khởi động nhằm để giải quyết những mối lo của Nga ở khu vực phía đông. Trong khi phía tây của Nga tập trung dân đông thì khu vực phía đông rộng lớn lại có rất ít người sinh sống và việc quốc phòng cũng bị lơ là hơn. Với việc các nước giáp vùng Viễn Đông của Nga liên tục chạy đua vũ trang trong thời gian gần đây thì Nga thật sự lo ngại và họ không thể ngồi yên. Cũng vì lý do đó mà Mỹ không hề phản ứng khi Nga triển khai BZhRK Molodets trở lại vì họ tin đó không phải là “quà Giáng sinh” mà người Nga dành cho họ.
Anh Tú (Thế giới & Hội nhập) (Anh Tú (Thế giới & Hội nhập))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.