Mặc dù vẫn trung lập về quân sự, Phần Lan luôn là một trong những đồng minh thân cận nhất của NATO. Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine tiếp diễn và Tổng thống Nga Vladimir Putin đặt ra mối đe dọa lớn đối với an ninh toàn cầu, Tổng thống và Thủ tướng Phần Lan hiện đã tuyên bố nước này sẽ nộp đơn gia nhập NATO "ngay lập tức".
Quyết định này đã làm dấy lên phản ứng từ Moscow, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo Nga sẽ buộc phải thực hiện "các biện pháp trả đũa".
Ông Peskov cho rằng NATO đang tìm cách "bổ sung lực lượng" để đe dọa nước này, đồng thời nhấn mạnh Helsinki nên "nhận thức được trách nhiệm và hậu quả" khi tham gia hiệp ước.
Ông Peskov nói: "Nga sẽ buộc phải thực hiện các biện pháp ngăn chặn những mối đe dọa đối với an ninh quốc gia".
Các biện pháp này có thể bao gồm những gì?
Một phương pháp trả đũa được suy đoán có liên quan đến nguồn cung cấp khí đốt của Phần Lan từ Nga. Khoảng 60-70% khí đốt được sử dụng ở Phần Lan đến từ Nga. Ngày 5/5, chính phủ Phần Lan tuyên bố đã chuẩn bị cho khả năng Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt để đáp trả việc nước này gia nhập NATO.
Về hoạt động quân sự trực tiếp, các nhà phân tích cho rằng điều này dường như khó xảy ra hơn bởi phần lớn lực lượng Nga đóng gần biên giới Phần Lan đã được chuyển đến Ukraine.
Heli Hautala, nhà ngoại giao Phần Lan và nhà nghiên cứu tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ ở Washington, nói với Associated Press rằng nhiều khả năng Moscow sẽ chuyển các hệ thống vũ khí đến gần Phần Lan hơn.
Bà nói thêm cũng có khả năng Nga sẽ thực hiện các chiến dịch truyền bá thông tin sai lệch, tấn công mạng, áp đặt kinh tế và hướng di cư về phía biên giới Nga-Phần Lan, tương tự như những gì đã xảy ra ở biên giới Ba Lan với Belarus năm ngoái.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy Nga đã tăng cường tập trung vào Phần Lan và quốc gia láng giềng Thụy Điển, với một số vi phạm không phận được báo cáo trong những tuần gần đây.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin dự kiến sẽ chính thức tuyên bố về vị trí thành viên NATO vào ngày 14/5. Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson được cho là sẽ làm điều tương tự vào ngày hôm sau.
Sự ủng hộ gia nhập liên minh ở Phần Lan dường như rất mạnh mẽ, tuy nhiên Thụy Điển thì không, với chỉ 50% dân số ủng hộ động thái này trong các cuộc thăm dò quốc gia. Một số chính trị gia dường như ủng hộ quan điểm trung lập kéo dài 200 năm của Thụy Điển, vì vậy quyết định của Stockholm vẫn còn là một ẩn số.
Tuy nhiên, nếu cả hai quốc gia quyết định đăng ký làm thành viên, quy trình lập pháp sẽ bắt đầu. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg mô tả quy trình này sẽ "suôn sẻ và nhanh chóng".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.