Vợ chồng tôi đang đi ở trọ. Khi có con, chúng tôi nhờ mẹ chồng lên trông cháu. Mọi sinh hoạt của cả nhà 4 người gói gọn trong căn phòng chưa đầy 20m2.
Khi con gái tôi vừa tròn 16 tháng, mẹ chồng tôi nói:
- Con bé cũng cứng cáp rồi, để mẹ đưa cháu về quê. Ở trên này bí bức quá, con bé không lớn được. Về quê tha hồ rộng rãi, con bé nó có chỗ chơi, ông bà đỡ buồn mà các con lại thảnh thơi làm việc.
Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc xa con nên vội nói:
- Mẹ cố gắng ở lại thêm một thời gian trông cháu giúp con. Bố mẹ già rồi, giờ có cháu thơ lại càng bận bịu. Với lại xa con bé, chắc con không chịu nổi. Con nhớ nó lắm mẹ ạ.
Mẹ chồng tôi dứt khoát trả lời:
- Mẹ không thể ở đây thêm nữa. Bố con mới gọi điện bảo mẹ phải về. Nhà vắng mẹ, mọi thứ đang rối tung lên cả. Chuyện chăm cháu, con cứ yên tâm. Bình thường, con đi làm, mình mẹ vẫn xoay xởt tốt. Giờ về quê còn được bố con phụ giúp nữa cơ mà. Bố mẹ bỏ công, các con bỏ của. Mỗi tháng con gửi về 3 triệu để ông bà lo cho cháu là xong. Con nhớ nó thì ngày nghỉ cuối tuần về. Từ đây về quê cách có 50km chứ mấy.
Tôi băn khoăn không biết nên đưa con đi hay tiếp tục gửi bố mẹ chồng? (Ảnh minh họa)
Tôi bàn với chồng, anh nói:
- Em cứ nghĩ mà xem, giờ mình đi gửi con làm sao được như bà trông cháu. Nó bé vậy đi lớp cũng tội nghiệp. Vợ chồng mình lại chẳng có điều kiện thuê người. Mà mỗi tháng em cứ đưa bà 4 triệu. Phần còn dư mình biếu ông bà. Con cái cũng phải có trách nhiệm với bố mẹ. Ở nhà ông bà cũng khó khăn.
Biết ý chồng đã quyết, tôi không phản đối việc gửi con về quê để ông bà nội chăm nom. Nhưng tôi thấy việc đưa tiền như vậy chưa hợp lý nên nói với chồng:
- Vợ chồng mình còn đi ở trọ. Gửi mẹ nhiều vậy thì tiết kiệm được bao nhiêu? Con bé cũng chẳng ăn uống gì nhiều. Mỗi tháng gửi mẹ 4 triệu thì em đi thuê người cũng được.
Ngay lập tức chồng tôi lớn tiếng:
- Em không đưa tiền cho bố mẹ thì anh đưa. Tiền trong túi anh, em không quyết được. Đi ở trọ cả đời cũng vẫn phải có trách nhiệm với bố mẹ. Em định tính đếm à?
Xưa nay chồng tôi rất cương quyết. Không muốn vợ chồng cãi vã nên tôi đành phải nghe theo. Từ ngày mẹ chồng mang con tôi về quê, mỗi tháng tôi gửi bà 4 triệu. Theo ý chồng, tôi vẫn phải mua bỉm sữa cầm về. Tính ra, việc gửi con về quê còn tốn kém hơn thuê người giúp việc.
Xa con, tôi nhớ nó vô cùng. Cứ ngày cuối tuần là tôi lao về để ôm ấp nó. Một hôm, tôi đang ngồi chơi với con thì có người đàn bà đến đòi gặp bố mẹ chồng tôi. Bà ấy là người chuyên cho vay lãi trong làng. Vừa thấy bà ấy, mẹ chồng tôi đã vội vã kéo tay bà ấy ra ngoài sân nói chuyện. Mặc dù vậy, tôi vẫn nghe tiếng nói vọng vào:
- Liệu mà trả ngay đi, để lãi mẹ đẻ lãi con là mất nhà như chơi đấy.
Tôi giật mình, không hiểu ông bà đang gặp chuyện gì. Hôm sau, tôi đưa cho mẹ chồng 4 triệu như hàng tháng. Mẹ tôi cầm tiền là vội vã đi luôn. Tôi đoán là bà cầm tiền tới nhà cho vay lãi.
Tôi vô cùng băn khoăn nên bế con sang nhà bà thím ở cạnh nhà chồng để “thăm dò”. Tôi gặng hỏi mãi thì bà thím bắt tôi phải giữ bí mật rồi kể vụng:
- Đợt mẹ mày đi bế cháu, bố mày ở nhà trót chơi lô đề, đem cả sổ đỏ đi vay nặng lãi. Mẹ mày phải về để thu xếp trả nợ. Ông bà ấy muốn giữ thể diện và sợ mang tiếng với con dâu nên giấu kín chuyện này. Không biết rồi ông bà ấy lấy tiền đâu ra trả nợ.
Thì ra, cả nhà giấu tôi việc bố chồng nợ tiền lô đề cờ bạc. Tôi đã hiểu vì sao ông bà và chồng nhất quyết bắt tôi gửi con về quê để ông bà chăm sóc. Có lẽ mọi người nghĩ để cho ông bà nuôi cháu thì hàng tháng tôi mới vui vẻ đưa tiền. Và phần lớn số tiền lẽ ra để chăm lo cho cháu được mang đi trả lãi cho khoản nợ của ông.
Từ lúc biết chuyện, trong lòng tôi phấp phỏng không yên. Tôi lo con mình ở quê kham khổ vì ông bà nợ nần túng thiếu. Nhưng nếu tôi mang con đi thì bố mẹ chồng và chồng tôi chẳng cam lòng. Và với cá tính của chồng, kiểu gì anh cũng đứng ra lo nợ nần cho bố mẹ. Lúc đó, làm sao tôi có thể vừa xoay xở tiền thuê người trông con, vừa gửi tiền về giúp bố mẹ chồng? Tôi suy nghĩ đau đầu mà chưa tìm ra cách giải quyết nào thấu đáo. Mong mọi người tư vấn giúp tôi, trong chuyện này, tôi nên làm thế nào cho phải?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.