Tôi là người miền Trung, được cha mẹ cho ăn học nên người. Tốt nghiệp đại học tôi vào làm nhân sự cho một công ty liên doanh. Tôi quen anh trong một lần đi khám sức khỏe, anh là dân kinh tế, trắng trẻo, hiền lành đẹp trai. Mọi thứ thuộc về anh đều hoàn hảo ngoại trừ gia đình anh, đặc biệt là người bố. Tất nhiên chỉ khi về làm dâu thì tôi mới biết điều đó.
Không hiểu lý do gì mà bố mẹ chồng luôn ghen ghét tôi và coi tôi như cái gai trong mắt (Ảnh minh họa: IT)
Nhà chồng tôi thuộc một huyện ngoại thành Hà Nội, gia cảnh cũng bình thường nhưng lại luôn tỏ thái độ lên mặt với thông gia tức nhà đẻ tôi. Nhà tôi ở gần biển, thỉnh thoảng có đồ hải sản ngon lại đóng thùng gửi xe khách biếu thông gia nhưng bố mẹ chồng tôi luôn nhận mà không có lấy một lời cảm ơn, coi đó như một việc nghiễm nhiên. Riêng với tôi, lúc nào bố mẹ chồng cũng tỏ thái độ như chiếu cố hay ban ơn cho tôi về làm dâu.
Đứa con đầu lòng của chúng tôi không được nhanh nhẹn như những đứa trẻ khác. So với chúng bạn, con còi cọc hơn, tiếp thu chậm hơn lại hay ốm đau ra viện vào viện liên tục. Là mẹ, tôi đã rất đau lòng và thương con. Thế nhưng ông bà luôn coi việc sinh ra đứa bé như vậy là do tôi không tốt, do gia đình nhà đẻ tôi ăn ở không có phúc. Ông bà cũng luôn tỏ ra không mặn mà yêu quý gì cháu nội. Mỗi khi bé có hành động ngô nghê, lời nói tồ tệch là ông bà lại rỉa rói chê bai: “Đúng là của tội của nợ, ăn ở không có phúc có phần nên mới ra nông nỗi này”. Rồi bố chồng tôi nốc rượu vào chửi luôn cả con trai: “Đã trắng mắt ếch ra chưa con”.
Những câu nói hằn học khiến tôi có ác cảm ghê gớm, tôi cũng không hiểu vì sao tôi ăn ở đúng phận dâu con, một điều dạ hai điều vâng mà bố mẹ chồng vẫn không vừa lòng. Chỉ đến khi có bầu đứa thứ hai thì tôi mới phát hiện ra lý do đằng sau những khó chịu, bất bình của bố mẹ chồng tôi.
Tôi có bầu được hơn 3 tháng, chồng tôi cưng lắm, đi qua chợ gặp chim bồ câu là mua về hầm cho tôi ăn. Không ngờ bố chồng tôi thấy con trai hì hụi làm thì buông lời cay nghiệt: “Chăm cho lắm vào rồi lại đẻ thêm cục nợ, nhà này vô phúc mất lộc từ ngày con vợ mày nó bước chân vào cửa”. Lúc ấy tôi đang lau nhà nên nghe thấy, uất ức bao lâu như bung ra, nhưng tôi cố nín nhịn để nghe hết câu chuyện.
Bố chồng tôi lên giọng ngoa ngoắt: “Ngày ấy tao đã bảo mày rồi, lấy ngay cái Huyền đầu làng không nghe, bố mẹ nó ăn ở hiền lành phúc đức, lại đi chui rúc vào tận cái nơi khỉ ho cò gáy rước cái của nợ về nhà, tông ti gốc tích chả biết đằng nào mà lần. Mày thấy sự thật nhãn tiền chưa, bố mẹ nó ăn ở không ra gì, ai đời một năm gả chồng cả hai đứa con gái, thế nên mày cưới nó mới vô phúc vô lộc đấy, đẻ ra con cái có được bình thường đâu. Từ khi mày lấy vợ, cái nhà này lụi bại, làm đâu hỏng đây, có phất được lên đâu”. Chồng tôi im lặng không nói gì, dường như anh đã phải nghe những điều ấy nhiều đến mức thuộc lòng.
Tôi thật sốc khi nghe được sự thật từ bố chồng (Ảnh minh họa)
Chỉ có tôi là sững người, hóa ra bao lâu nay bố mẹ chồng tôi đá thúng đụng nia với tôi là vì lý do ấy. Tôi nhớ năm đó, khi đầu năm tôi vừa cưới xong thì cuối năm em gái tôi cũng có người đến hỏi vì chúng trót có bầu, bố mẹ tôi cũng đã đợi qua đông chí rồi mới gả em đi, chẳng ngờ những quan niệm, hủ tục lạc hậu không có cơ sở khoa học ấy lại là đầu mối của bao nhiêu oan ức trong cuộc sống của tôi.
Thảo nào từ đó đến giờ, bất kể xui xẻo gì nảy sinh trong nhà bố mẹ chồng đều quy chụp do tôi và gia đình tôi. Ừ thì tôi chấp nhận tất cả, sao cũng được, nhưng việc ông bà trù ẻo đứa cháu nội còn chưa ra đời khiến tôi cứ nghĩ đến là lại sôi hết cả người, sao lại có người ông người bà vô tình đến thế. Nhiều lúc tôi chỉ muốn xách va li và ôm con đi khỏi căn nhà đó càng sớm càng tốt, nhưng nghĩ đến chồng tôi lại không đành lòng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.