Nga tích hợp "siêu phẩm 30" cho Su-57 đặt F-22 Mỹ vào tình huống nguy hiểm?

Thứ ba, ngày 26/12/2017 20:00 PM (GMT+7)
Mới đây Nga đã thử nghiệm thành công siêu động cơ "Product 30" dành cho máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 Su-57. Đây được coi là bước hoàn thiện quan trọng cuối cùng để chiếc máy bay này sẵn sàng đi vào sản xuất hàng loạt.
Bình luận 0

Chuyến bay thử nghiệm “Product 30” được diễn ra ở Viện nghiên cứu bay Gromov thuộc thành phố Zhukovsky, chuyến bay đầu tiên do phi công trưởng của công ty “Sukhoi” Sergei Bogdan thực hiện. Qua phân tích hình ảnh của chuyến bay có thể thấy, động cơ “Product 30” được lắp ở vị trí của động cơ số 1, và động cơ AL-41F-1S lắp bên phải thân máy bay. Miệng phun của “Product 30” có hình dạng “răng cưa” và luồng phụt cũng mạnh hơn so với miệng phun phẳng của động cơ thế hệ cũ.

Chuyến bay thử của Su-57 với động cơ mới

Chuyên gia về không quân Viktor Pryadka, Tổng giám đốc công ty “Liên minh công nghệ hàng không Avintel” đã tiết lộ chiến đấu cơ Su-57 khi kết hợp với động cơ mới sẽ đưa năng lực chiến đấu của loại vũ khí này lên tầm cao mới. Chuyên gia lưu ý rằng, máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Nga cùng với động cơ mới cho phép chúng dễ dàng cơ động để chiếm ưu thế quan trọng trên không khi đối đầu với những chiếc máy bay của kẻ thù tiềm năng. Ông Pryadka nhấn mạnh sau khi Su-57 được trang bị “Product 30” tốc độ của Su-57 được cải thiện rõ rệt, khả năng cơ động động học linh hoạt hơn đồng thời tiết kiệm được nhiên liệu so với thế hệ động cơ cũ.

Theo kế hoạch của không quân Nga, từ năm 2020 tất cả máy bay Su-57 được sản xuất mới sẽ trang bị động cơ mới. Trước đây vấn đề động cơ được coi là nguyên nhân chính khiến chiếc máy bay này liên tục phải dời lại ngày đi vào biên chế. Các động cơ cũ không đáp ứng tiêu chuẩn của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5.

img

Động cơ mới mang tên "Product 30"

Ý tưởng về máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 Nga được Tổng thống Putin lần đầu tiên tiết lộ vào năm 2004. Thời điểm này, Mỹ đã chính thức trang bị và sử dụng thành thạo tiêm kích tàng hình F-22 Raptor. Điều này buộc Nga phải phát triển một thế hệ chiến đấu cơ mới thay thế các dòng máy bay thế hệ 4 Su-27/30/35, MiG-29/35 để đối trọng với Mỹ-Phương Tây. Việc phát triển chiến đấu cơ thế hệ 5 được giao cho hãng sản xuất máy bay nổi tiếng Sukhoi. Qua 2 năm phác thảo và thiết kế, năm 2007 Tư lệnh KQ Nga Alexander Zelin ra tuyên bố chính thức về chương trình phát triển máy bay thế hệ thứ 5 mới của Nga với 3 nguyên mẫu đầu tiên được chế tạo. Chúng được định danh là Sukhoi PAK FA T-50. Chuyến bay đầu tiên được thực hiện thành công vào ngày 29.1.2010 do phi công Sergey Bordan thực hiện.

Đã có tới 12 nguyên mẫu ra đời tiếp tục hoàn thiện công tác thử nghiệm trước khi đi vào sản xuất loạt. Mặc dù trong quá trình thử nghiệm, trình diễn, đã có những vấn đề xảy ra với các nguyên mẫu T-50 đặc biệt là động cơ và hệ thống điện tử. Tuy vậy Nga đang từng bước khắc phục và đến nay chiếc Su-57 đã gần hoàn thiện.

Su-57 có chiều dài 19,8m, sải cánh 13,95m, cao 4,74m, trọng lượng rỗng 18 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa 35 tấn, tải trọng nhiên liệu 10,3 tấn. Tải trọng vũ khí khoảng 8 tấn. Máy bay được chế tạo với những vật liệu đặc biệt vừa có tính năng kết cấu vững chắc vừa có trọng lượng nhẹ lại có khả năng chống lại phản hồi của tín hiệu radar đối phương.

img

Máy bay chiến đấu Su-57

Cũng có những đồn đoán từ trước rằng máy bay Su-57 sẽ được trang bị công nghệ tàng hình Plasma tiên tiến. Với công nghệ tàng hình Plasma, tín hiệu điện từ phát ra từ các đài radar và các phương tiện thông tin vô tuyến hầu như bị hấp thụ hoàn toàn và các đài radar của đối phương hầu như bị “mù tuyệt đối”, kể cả radar ở dải sóng mét và sóng mm.

Su-57 sẽ được trang bị radar-cảm biến tiên tiến nhất trong lịch sử phát triển máy bay quân sự Nga, vượt trội bất cứ máy bay chiến đấu nào trước đây của họ. Radar chính N050 lắp ở mũi máy bay truyền thống nhưng có thêm hai radar phụ vuông góc hai bên cho phép tăng góc quét gấp nhiều lần các máy bay chiến đấu hiện tại trên thế giới vốn chỉ có một radar nằm ở mũi. Ngoài ra Su-57 còn được trang bị hệ thống cảm biến quang-học vốn phổ biến 101KS để phát hiện, nhận diện theo dõi mọi mục tiêu trên không và hệ thống gây nhiễu hồng ngoại 101KS-O đánh lạc hướng tên lửa tầm nhiệt Phi công Su-57 còn được trang bị mỹ bay NSTsI-V để thuận tiện hơn trong việc khóa bắn mục tiêu khi không chiến.

Khi trang bị động cơ mới, chiến đấu cơ Su-57 đạt tốc độ tối đa Mach 2 tức 2.140km/h, tầm bay với tốc độ siêu âm lên tới 1.500km (vượt xa thế hệ 4), trần bay 20.000m. Cũng giống các máy bay thế hệ thứ 5 khác, Su-57 có hai khoang vũ khí có kích cỡ dài khoảng 4,6m, rộng 1m. Ngoài ra còn có 6 giá treo bên ngoài cánh.

Khoang vũ khí trong thân sẽ sử dụng kiểu giá phóng quay lắp nhiều tên lửa gồm: UVKU-50L (tải trọng 300kg) và UVKU-50U (tải trọng 700kg). Khoang vũ khí này có thể cho phép mang các tên lửa không đối không tầm ngắn K-75M2 và tầm trung K-77M; tên lửa không đối đất Kh-38M và bom thông minh 250-500kg và tên lửa chống hạm Kh-35UE.

Tuy tín hiệu bộc lộ radar Su-57 lớn hơn F-22 nhưng bù lại sự cơ động của loại máy bay này lại cao hơn hẳn đối thủ đến từ Mỹ. Với tính năng chiến đấu cao như vậy, Su-57 trở thành đối thủ lớn nhất của tiêm kích F-22 của Mỹ. Sau 7 năm trải qua hàng loạt thử nghiệm, chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 của Nga đã mang định danh chính thức là Su-57. Đây chính là máy bay chiến đấu hứa hẹn giúp nước Nga giữ vững, kiểm soát bầu trời trong nửa thế kỷ tới

Việt Hùng (ANTD)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem