Nga trao “phao cứu sinh” cho Syria

Thứ tư, ngày 11/09/2013 06:39 AM (GMT+7)
Diễn biến về kế hoạch tấn công Syria của Mỹ đột nhiên chuyển sang một tình thế khác khi Nga chìa “phao cứu sinh” cho Syria, và có vẻ như ông Obama đang bị đẩy vào thế “tiến thoái lưỡng nan”…
Bình luận 0
Đến lượt Syria “câu giờ”?

Tổng thống Mỹ Barack Obama không bác bỏ đề xuất của Nga (đặt hệ thống vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát quốc tế), tuy nhiên ông lại giữ thái độ thận trọng đến khó đoán định.

Theo giới phân tích, lập trường của ông Obama vẫn chưa hoàn toàn dứt khoát. Ông Obama cho rằng đề xuất của Nga là đáng quan tâm và có thể coi đây là một bước tiến, cho dù không nên giảm áp lực đối với Damascus.

Tổng thống Mỹ Obama giải thích: “Chúng tôi nghĩ rằng đề nghị này là nghiêm túc, nhưng tôi cũng phải lưu ý các vị là cho đến nay, chúng tôi không nhận thấy một cử chỉ nào như vậy cả. Có thể đây là một bước tiến, một bước đột phá, nhưng chúng tôi cần theo dõi sát điều này vì chúng tôi không muốn thấy đây là một thủ đoạn kéo dài thời gian, tránh né áp lực của chúng ta đối với Syria vào lúc này. Chúng ta cần duy trì áp lực…”.

Những nạn nhân của cuộc nội chiến ở Syria.
Những nạn nhân của cuộc nội chiến ở Syria.

Theo ông Obama, chính mối đe dọa can thiệp quân sự của Mỹ đã buộc Nga phải đưa ra sáng kiến này, nhưng ông e ngại đó là thủ đoạn trì hoãn, một phương tiện để Damascus có thêm thời gian. Và ông Obama vẫn quyết định sẽ tiếp tục có cuộc nói chuyện với dân chúng vào ngày 10.9 (giờ Mỹ), để thuyết phục dân chúng đồng thuận với kế hoạch tấn công của ông.

Hạ viện đã bắt đầu thảo luận về giải pháp quân sự trong ngày 9.9 nhưng chưa chính thức thông báo khi nào biểu quyết. Thượng viện cũng đã hoãn bỏ phiếu thử và chưa công bố thời gian nối lại.

Thế “tiến thoái lưỡng nan”

Tại Quốc hội Mỹ, có quan điểm cho rằng ông Assad đang thử quyết tâm của Mỹ, và Washington phải cho thấy rằng họ sẽ "nói đi đôi với làm". Do vậy, tình thế tiến thoái lưỡng nan của Tổng thống Obama là rõ ràng: Ông cần phải giành được sự hỗ trợ trong nước, tuy nhiên quan trọng hơn là cải thiện sự ủng hộ ít ỏi của nước ngoài đối với cuộc can thiệp vào Syria.

"Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga ngày 10.9, các thành viên dự cuộc họp của LHQ?ngày 10.9 nói rằng đoạn phim video và bản sao hình ảnh của vụ tấn công hóa học ở gần thủ đô Damascus cuối tháng 8 đã bị làm giả từ trước. Cũng theo thông cáo, “rất nhiều nhân chứng đều nói rằng vũ khí hóa học là do quân nổi dậy sử dụng”.
TTXVN

Theo báo Washington Post, hiện có tới 223 đại biểu Quốc hội ở Hạ viện có khuynh hướng chống đối giải pháp quân sự. Trong khi đó chỉ cần 217 trên tổng cộng 435 dân biểu đi theo hướng này là cũng đủ để chính quyền Obama phải tính tới một kế hoạch B về Syria.

Trong cả Đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ, có rất nhiều người lo ngại can thiệp quân sự của Mỹ tại Syria sẽ mở ra một mặt trận mới ở Trung Đông. Khi Tổng thống Obama tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế cho kế hoạch can thiệp quân sự vào Syria thì việc bảo đảm hình ảnh của nước Mỹ là điều cần quan tâm.

Việc lấy lý do đạo đức và địa chiến lược để thuyết phục một cuộc tấn công vào Syria đang khiến tâm trí Tổng thống Obama căng thẳng vì ông không thể để mất Trung Đông. Đồng thời, tình hình cũng cho thấy một cuộc tấn công Syria do Mỹ dẫn đầu không được thế giới Arập và Hồi giáo chấp nhận, vì một số nước đã phải chịu hậu quả từ tính toán địa chiến lược sai lầm của Mỹ.

Dù Tổng thống Obama lấy lý do nào để can thiệp quân sự vào Syria cũng đều khiến hai bên chịu thiệt hại.

Quang Minh (tổng hợp) (Quang Minh (tổng hợp))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem