Nga - Ukraine - Mỹ: Được và mất sau một năm chiến sự
Nga - Ukraine - Mỹ: Được và mất sau một năm chiến sự
Thiên Lương - Dịch giả
Thứ sáu, ngày 24/02/2023 11:07 AM (GMT+7)
Tròn một năm cuộc xung đột Ukraine — Nga, nhìn lại cục diện chiến trường, có thể thấy một điều nổi bật là nó đã lôi kéo toàn bộ phương tây vào một phe chống lại Nga. Ukraine thực tế đã là một chiến trường nơi các cường quốc đối đầu với nhau gần như trực tiếp.
Nếu thiếu hàng trăm tỷ đô la hỗ trợ vũ khí và mạng lưới thông tin tình báo, thiếu hệ thống tuyên truyền mạnh mẽ và chuyên nghiệp của phương tây, chắc chắn người Ukraine đã thua cuộc, và nếu thiếu sự hợp tác về kinh tế từ Trung Quốc, Ấn Độ, và nhiều quốc gia khác, chắc chắn nước Nga cũng đã suy thoái nặng nề và khó giữ lại được những vùng lãnh thổ mới sáp nhập.
Mọi cuộc chiến trên thế giới này, tự cổ chí kim, rốt cuộc đều vì quyền lợi mà thôi. Ta hãy nhìn lại những điểm được mất của các bên liên quan ở đây, để có một bức tranh rõ ràng hơn và dự đoán được phần nào những diễn biến tương lai.
Được mất từ phía Nga
Cho đến nay, nước Nga đã phải chịu nhiều thiệt hại từ hàng ngàn lệnh cấm vận từ phương tây, đứng đầu là Mỹ. Nền kinh tế Nga đã suy giảm 2% trong năm 2022. Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới mới nhất, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) điều chỉnh tăng dự đoán tăng trưởng kinh tế Nga. Cụ thể, tăng trưởng GDP của Nga theo dự đoán của IMF sẽ tăng 0,3% trong năm nay và tăng 2,1% trong năm 2024.
Điều đó cũng thể hiện rằng kinh tế Nga chịu một số thiệt hại nhất định. Có thể sự thiệt hại ấy nhỏ hơn rất nhiều so với dự đoán của phương tây, nhưng cũng vẫn là thiệt hại, và về lâu dài, nền kinh tế Nga còn đứng trước rất nhiều thách thức. Thiếu hàng hóa và thị trường phương tây, nền kinh tế Nga sẽ đối đầu với những thách thức mang tính hệ thống.
Những tổn thất của Nga trên chiến trường cũng rất lớn. Theo BBC đưa tin vào đầu tháng 2 năm 2022, họ có trong tay danh sách 13.030 quân nhân Nga (bao gồm cả lính chuyên nghiệp, tình nguyện viên và tù nhân trong đội quân Wagner) đã tử trận. Nhưng theo BBC thì con số thật có thể nhiều hơn thế gấp đôi. Đó là những thiệt hại về nhân mạng, còn thiệt hại về vũ khí thì mặc dù rất khó có được con số chính xác nhưng chắc chắn họ đã mất không ít vũ khí của mình trong một năm qua, do quân đội Ukraine cũng rất mạnh, với kho vũ khí lớn từ thời Liên Xô để lại, lại còn được Mỹ và NATO hỗ trợ thêm hàng trăm tỷ đô la.
Một sự mất mát không hề nhỏ nữa là niềm tin của phương tây với Nga. Có lẽ còn rất lâu nữa thì quan hệ Nga với phương tây mới được cải thiện. Và thực tế là nếu chiến sự còn kéo dài thì khó hình dung ra những sự hợp tác tiếp tục giữa Nga và phương tây.
Tuy nhiên, Nga cũng được rất nhiều. Sau một năm, họ đã sáp nhập thêm 4 tỉnh vào liên bang. 4 tỉnh này bao gồm Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson, với tổng diện tích 90.000 km2, chiếm 15% diện tích Ukraine và dân số ước tính khoảng 4 triệu người. Tuy nhiên trên thực tế, Nga chưa làm chủ được toàn bộ diện tích của 4 tỉnh này mà chỉ vào khoảng 80-90%.
Biển Azov thực tế đã biến thành biển nhà của Nga. Vùng biển này cũng rộng đến 39.000 km2.
Ngoài ra, vùng Crimea đã được Nga sáp nhập từ lâu cũng có diện tích đến 27.000 km2.
Những vùng đất này có vô số tài sản hữu hình và vô hình, trên mặt đất và dưới mặt đất. Nếu giữ được chúng thì đó là những chiến lợi phẩm vô giá với dân tộc Nga. Về mặt tinh thần chúng cũng rất có giá trị, vì người Nga vẫn cho rằng đó là vùng đất thuộc về Nga từ lâu, với tuyệt đại đa số dân cư nói tiếng Nga và thậm chí có quốc tịch Nga từ trước chiến tranh.
Khoảng 5 triệu người dân đã quay về với nước Nga, dưới nhiều hình thức khác nhau, như di tản qua Nga hoặc cư trú ở những vùng do Nga kiểm soát.
Về kinh tế, thặng dư thương mại của Nga lên mức kỷ lục. Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Liên bang Nga Ruslan Davydov, bất chấp các lệnh trừng phạt và hạn chế, Nga đã bán hàng hóa trị giá 431 tỉ USD cho các quốc gia khác và chỉ mua vào số hàng hóa trị giá 180 tỉ USD trong 9 tháng đầu năm 2022. Giá dầu khí lên cao kỷ lục trong một thời gian dài cũng giúp Nga bỏ túi những khoản tiền khổng lồ từ chính phương tây.
Mất quan hệ với phương tây, nhưng thương mại giữa Nga với nhiều quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc, đã tăng trưởng mạnh mẽ, đủ bù đắp lại cho những thiếu hụt kia.
Khó đánh giá được mất trong sự xích lại gần nhau giữa Trung Quốc và Nga, nhưng rõ ràng là cả hai bên sẽ nhận được những lợi ích khổng lồ: Trung Quốc đang cần năng lượng và nguyên liệu thô như kim loại, vàng, kim cương, gỗ,… Thị trường khổng lồ của Trung Quốc cũng là những mỏ vàng cho các doanh nghiệp Nga.
Được mất từ phía Ukraine
Những mất mát của Ukraine là rất lớn. Ngoài 20% lãnh thổ bị sáp nhập vào Nga và cả nước nằm trong tình trạng chiến tranh, Ukraine còn chịu những tổn thất vô cùng nặng nề: GDP giảm khoảng 50%, hàng chục triệu người di cư qua các nước khác, tạo một cơn khủng hoảng vô tiền khoáng hậu với EU. Thực tế Ukraine còn tồn tại được chỉ nhờ những nguồn tiền từ Mỹ và EU.
Số quân nhân Ukraine đã chết trong năm vừa qua cũng rất lớn. Mặc dù chính quyền Ukraine thường xuyên giấu con số này, nhưng theo bà Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố hôm 30 tháng 11 năm 2022, "hơn 100 ngàn sĩ quan quân đội Ukraine đã thiệt mạng cho đến nay", đồng thời bà cũng cho biết khoảng 2 vạn dân thường đã thiệt mạng trong chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Tuy nhiên, nhân vật đứng đầu Ủy ban Châu Âu không tiết lộ nguồn thông tin mà bà có.
Có nhiều nguồn tin khác cho rằng tổn thất không thể bù đắp được về nhân mạng của Ukraine có thể đã lên đến 300-400 nghìn người.
Ukraine đã mất những vùng đất có nhiều tài nguyên khoáng sản nhất của mình, nhiều thành phố công nghiệp quan trọng đã lọt vào tay quân đội Nga.
Tuy nhiên, Ukraine cũng đạt được một số thành quả sau năm chiến tranh vừa qua. Gần như toàn bộ phương tây, đứng đầu là Mỹ, đã hỗ trợ Ukraine từ tinh thần đến vật chất. Mặc dù mất gần 20% lãnh thổ và một phần biển Azov, nhưng quân đội Ukraine từng lấy lại được hàng vạn km2 đất trong đợt phản công mùa thu. Dĩ nhiên đây chỉ là những gì lấy lại được từ những cái đã mất, nhưng nó cũng chứng tỏ rằng người Ukraine kiên cường và thiện chiến, không dễ bị đánh bại.
Những hứa hẹn từ phương tây về việc sẽ nhận Ukraine vào EU và NATO — tổ chức quân sự Bắc Đại tây dương cũng là những thành quả của chính quyền tổng thống Zelensky.
Được mất từ phía Mỹ
Mỹ là nước hỗ trợ lớn nhất cho chính quyền Zelensky, với hơn 100 tỷ đô la viện trợ dưới nhiều hình thức khác nhau; nhưng Mỹ cũng là quốc gia hưởng lợi đặc biệt từ giá dầu khí cao và từ buôn bán vũ khí. Các tập đoàn vũ khí Mỹ kiếm được nhiều tỷ đô la từ Ukraine và từ mua sắm quốc phòng của EU.
Mỹ là quốc gia đứng đầu trong liên minh chống Nga, và họ thể hiện được vai trò lãnh đạo của mình trong NATO, dẫn dắt các quốc gia EU đứng cùng với họ để hỗ trợ cho Ukraine.
Đó là những cái Mỹ đã nhận được từ cuộc chiến này, nhưng Mỹ cũng mất mát khá nhiều. Các biện pháp trừng phạt cực đoan đã làm mất đi uy tín của các định chế tài chính do Mỹ đứng đầu, đồng đô la mất uy tín sau những đe dọa tịch thu tài sản Nga ở các nước chư hầu của Mỹ và tạo điều kiện cho đồng Nhân dân tệ lên ngôi.
Những mâu thuẫn trong nội bộ nước Mỹ cũng nổi bật hơn do sự bất đồng về mức độ và cường độ hỗ trợ cho Ukraine, đến mức cựu tổng thống Donald Trump còn cho rằng đương kim tổng thống Joe Biden đang đẩy thế giới đến cuộc chiến tranh thế giới thứ 3.
Kinh tế phương tây suy thoái do giá năng lượng lên cao, do chịu sức ép cạnh tranh ngày càng tăng từ Trung Quốc, và Fed đã phải liên tục nâng lãi suất cơ bản để ngăn chặn lạm phát tại Mỹ, kéo theo sự thay đổi chính sách tiền tệ của hầu hết các ngân hàng trung ương toàn cầu.
Nhiều đồng minh của Mỹ cũng bị suy thoái nghiêm trọng. Theo IMF thì trong năm 2023, kinh tế Đức sẽ tăng chỉ 0,1% và kinh tế Anh sẽ giảm 0,6%.
Nhưng Mỹ không thể thua trong cuộc chiến này, nói đúng hơn là Mỹ không thể để Ukraine thua, vì điều đó sẽ giáng một đòn mạnh vào uy tín nước Mỹ như một siêu cường chi phối toàn cầu với ngân sách quân sự gấp hơn mười lần Nga, với hàng trăm căn cứ quân sự khắp thế giới, với đồng đô la vẫn được coi là đồng tiền mạnh nhất.
Nga cũng không thể thất bại vì quan điểm của người Nga cho rằng đây là cuộc chiến vệ quốc, vì sự sống còn của tổ quốc họ.
Chừng nào các bên liên quan còn chưa tìm được một giải pháp dung hòa tất cả, tìm được cách để thua, chừng nào được mất còn chưa cân bằng với các siêu cường, thì cuộc xung đột Ukraine — Nga vẫn còn tiếp diễn và thế giới vẫn còn đứng bên bờ vực chiến tranh thế giới thứ 3.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.