Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Bộ phim tài liệu dài tập có tên "The Warship: Tour of Duty" vừa được phát sóng trên BBC hé lộ những biến cố trong chuyến hành trình của hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth, tàu chiến lớn và hiện đại nhất của Hải quân Hoàng gia Anh, tới Thái Bình Dương năm 2021.
Trên hành trình kéo dài 7 tháng, HMS Queen Elizabeth đã ghi nhận một vụ tai nạn của tiêm kích F-35 khiến phi công suýt thiệt mạng, hay các vụ chạm mặt máy bay chiến đấu Nga và tàu ngầm Trung Quốc.
Chuyến đi tới Thái Bình Dương là nhiệm vụ đầu tiên của tàu sân bay HMS Queen Elizabeth sau khi được đưa vào biên chế Hải quân Anh.
Một trong các vụ việc đáng chú ý nhất trong hải trình của tàu sân bay HMS Queen Elizabeth là sự cố xảy ra với tiêm kích F-35 vào tháng 11/2021. Phi công điều khiển máy bay, biệt danh Hux, cho hay anh chỉ có vài giây ngắn ngủi để đưa ra quyết định khi mất điều khiển chiếc tiêm kích.
Một cuộc điều tra chính thức của quân đội Anh kết luận chiếc tiêm kích bị mất điện đột ngột trong quá trình cất cánh, có thể do một trong các cửa hút của động cơ máy bay bị vật thể lạ cản trở, theo Telegraph. Sự cố khiến chiếc tiêm kích mất khả năng tăng tốc để cất cánh.
"Tôi đã cố cấp điện khẩn cấp cho máy bay nhưng không thành công, sau đó tôi tìm cách đáp phanh nhưng cũng không được. Khi đó tôi biết chiếc máy bay sẽ lao ra khỏi boong tàu", phi công Hux nói.
Phi công người Anh thoát chết trong gang tấc khi quyết định ấn nút phóng khẩn cấp, chiếc ghế lái của người này bắn ra ngoài trước khi máy bay lao xuống biển.
Sau khi dù bung ra, Hux nói anh mất vài giây để định thần và có thể nhìn thấy boong tàu ở phía dưới. Phi công này sau đó may mắn đáp lên boong tàu và được kéo vào vị trí an toàn. Nếu hạ cánh xuống biển, phi công người Anh có nguy cơ bị con tàu 65.000 tấn kéo lê dưới biển và mất mạng.
Hải quân và Không quân Anh sau đó trục vớt xác chiếc tiêm kích từ dưới đáy biển, để bảo đảm chiếc máy bay không bị các đối thủ chiếm lấy ngoài ý muốn.
Chris Terrill, người quay bộ phim tài liệu, cho biết vụ tai nạn tiêm kích F-35 khiến tất cả người có mặt bị sốc. Tuy nhiên, các thủy thủ đoàn đã phản ứng nhanh một cách kinh ngạc.
"Máy bay rơi xuống biển nhưng vẫn cần phải cứu phi công đồng đội của chúng tôi. Các thủy thủ rất khẩn trương làm công việc của họ. Đó là một khung cảnh kinh hoàng nhưng cũng rất truyền cảm hứng", ông Terrill nói.
Trong hải trình tới Thái Bình Dương, hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth cũng chạm trán máy bay chiến đấu của Nga tại phía Đông Địa Trung Hải. Khi máy bay Nga có ý định áp sát, tàu sân bay Anh đã triển khai tiêm kích F-35 để ngăn chặn.
Bộ phim tài liệu miêu tả vụ chạm trán "chỉ cách thực chiến một bước". Bên trong phòng chỉ huy, sĩ quan tác chiến đề nghị đưa máy bay Nga vào tầm ngắm, mục đích là để cảnh báo và xua đuổi.
Các máy bay tiêm kích F-35 cũng được đặt trong tư thế sẵn sàng chiến đấu khi một tàu trong nhóm tác chiến là HMS Defender bị các tàu chiến Nga áp sát tại Biển Đen tháng 6/2021, theo CNN.
Trên Biển Đông, nhóm tác chiến của HMS Queen Elizabeth có màn đuổi bắt với một tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc.
Một tàu hộ vệ và trực thăng trong nhóm tác chiến của HMS Queen Elizabeth phát hiện dấu vết của tàu ngầm Trung Quốc. Phía Anh sau đó quyết tìm ra vị trí của tàu ngầm và xua đuổi nó, trước khi tàu ngầm Trung Quốc áp sát HMS Queen Elizabeth đủ gần để chụp ảnh bằng kính tiềm vọng.
Ảnh chụp từ kính tiềm vọng tàu ngầm có thể được Bắc Kinh sử dụng cho mục đích tuyên truyền, như khẳng định tàu ngầm Trung Quốc có thể dễ dàng áp sát các mục tiêu giá trị cao của Anh như tàu sân bay.
Tuy nhiên, lực lượng Anh sau đó đã phát hiện vị trí tàu ngầm Trung Quốc và xua đuổi thành công trước khi tàu ngầm kịp áp sát tàu sân bay HMS Queen Elizabeth.
Hành trình của nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tới Thái Bình Dương là nhiệm vụ trên biển dài nhất mà Hải quân Anh thực hiện kể từ khi Covid-19 bùng phát. Vào đỉnh điểm dịch bệnh, hơn 400 thủy thủ, chiếm hơn 25% thành viên đoàn, bị cách ly do có xét nghiệm dương tính hoặc nghi mắc Covid-19.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.