Ngắm những loài thú rừng quý hiếm, cây rừng cổ thụ kỳ dị ở khu dự trữ sinh quyển mới nhất của Việt Nam

Thứ bảy, ngày 19/02/2022 19:00 PM (GMT+7)
Việc UNESCO công nhận Cao nguyên Kon Hà Nừng (tỉnh Gia Lai) là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đã mở hướng phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, trải nghiệm gắn với quản lý bền vững tài nguyên rừng, qua đó, tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt dựa vào cộng đồng.
Bình luận 0

Mở hướng phát triển kinh tế - xã hội

Theo ông Kpă Thuyên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai, tỉnh cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định của UNESCO nhằm đảm bảo các tiêu chí và chức năng của một khu dự trữ sinh quyển thế giới, biến Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng thành mô hình phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương. 

Đồng thời, kết nối hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học với giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc; giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ngắm những loài thú rừng quý hiếm, cây rừng cổ thụ kỳ dị ở khu dự trữ sinh quyển mới nhất của Việt Nam - Ảnh 1.

Thác K50 - thác hang Én, điểm đến lý tưởng cho du khách muốn trải nghiệm khung cảnh núi rừng Tây Nguyên. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN.

Hiện nay, UBND tỉnh Gia Lai đang triển khai việc thành lập Ban Quản lý, Kế hoạch tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận và Kế hoạch tuyên truyền về Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng. 

Sau khi được thành lập, Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển sẽ có trách nhiệm xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát triển trong Khu dự trữ sinh quyển đáp ứng các yêu cầu theo quy định của tổ chức UNESCO thế giới và tình hình thực tế tại địa phương.

Ngắm những loài thú rừng quý hiếm, cây rừng cổ thụ kỳ dị ở khu dự trữ sinh quyển mới nhất của Việt Nam - Ảnh 2.

Lực lượng kiểm lâm tuần tra, kiểm soát tại Vườn quốc gia Kon Ka Kinh (một trong hai vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng). Ảnh: TTXVN.


Cũng theo ông Thuyên, hiện chưa có văn bản pháp luật của nhà nước quy định về mô hình hoạt động của Khu Dự trữ sinh quyển. 

Các địa phương căn cứ vào điều kiện thực tế để xây dựng mô hình tổ chức, hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế nhằm đảm bảo các yêu cầu đặt ra. 

Đây là một nhiệm vụ rất lớn, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở địa phương, để gìn giữ, bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái đặc trưng, các giá vị vật thể và phi vật thể trong vùng để quảng bá đến toàn thế giới, góp phần hỗ trợ các cộng đồng dân cư trong vùng phát triển kinh tế, từng bước nâng cao cuộc sống.

Ngắm những loài thú rừng quý hiếm, cây rừng cổ thụ kỳ dị ở khu dự trữ sinh quyển mới nhất của Việt Nam - Ảnh 3.

Những khu rừng nguyên sinh tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (một trong hai vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng) được bảo vệ nghiêm ngặt. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN.


Đặc biệt, việc Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư phát triển rừng bền vững Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (là một trong hai vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng) đã tạo điều kiện để đơn vị từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật; thiết lập các tour, tuyến du lịch, tạo dựng các điểm đến hấp dẫn đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, vui chơi giải trí ngày càng tăng của du khách. 

Đồng thời, nâng cao khả năng phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái; sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học bằng việc tổ chức tốt công tác nghiên cứu khoa học; phát triển du lịch sinh thái nhằm từng bước nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học và ổn định đời sống người dân vùng đệm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững của khu vực.

Gìn giữ, bảo tồn món quà vô giá của thiên nhiên

Ngắm những loài thú rừng quý hiếm, cây rừng cổ thụ kỳ dị ở khu dự trữ sinh quyển mới nhất của Việt Nam - Ảnh 4.

Phong cảnh núi non trùng điệp nhìn từ trên cao tại khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN.


Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng (tỉnh Gia Lai) trải rộng trên diện tích 413.512 ha, được khoanh vùng thành ba khu chức năng gồm hai vùng lõi là Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng; vùng đệm và vùng chuyển tiếp (một phần diện tích của thị xã An Khê và 5 huyện: Đăk Đoa, Mang Yang, K'bang, Chư Păh, Đăk Pơ).

Ngắm những loài thú rừng quý hiếm, cây rừng cổ thụ kỳ dị ở khu dự trữ sinh quyển mới nhất của Việt Nam - Ảnh 5.

Cảnh đẹp như tranh tại Vườn quốc gia Kon Ka Kinh (một trong hai vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng). Ảnh: TTXVN .


Cao nguyên Kon Hà Nừng có hệ sinh thái rừng còn tương đối nguyên vẹn với hệ sinh thái đặc trưng là rừng kín nhiệt đới thường xanh cây lá rộng; rừng kín nhiệt đới thường xanh cây lá kim; rừng thưa thường xanh cây lá rộng; rừng thưa thường xanh lá kim; thảm cây bụi; trảng cỏ và các khu vực đất nông nghiệp, khu dân cư có tính đa dạng sinh học cao, đặc trưng cho hệ sinh thái rừng của các tỉnh Tây Nguyên; có nhiều điểm độc đáo, có những đặc điểm nổi bật và độc nhất, đáp ứng được các tiêu chí đề nghị UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Ngắm những loài thú rừng quý hiếm, cây rừng cổ thụ kỳ dị ở khu dự trữ sinh quyển mới nhất của Việt Nam - Ảnh 6.

Trong khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (một trong hai vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng) có rất nhiều thác lớn, nhỏ. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN.


Hai vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng là Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. 

Tại đây, những khoảnh rừng nguyên sinh, những thảm thực vật, hệ thống hồ, suối đa dạng cũng như tầng khí hậu mát mẻ, ôn hòa được điều tiết bởi hệ động, thực vật phong phú. 

Ngắm những loài thú rừng quý hiếm, cây rừng cổ thụ kỳ dị ở khu dự trữ sinh quyển mới nhất của Việt Nam - Ảnh 7.

Loài chà vá chân xám (tên khoa học Pygathrix cinerea) tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (một trong hai vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng). Ảnh: TTXVN.


Theo các nhà nghiên cứu khoa học, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng tiêu biểu cho hệ sinh thái rừng của khu vực Tây Nguyên, có mức độ đa dạng sinh học rất cao, là nơi cư trú cuối cùng của một số loài ở cấp độ toàn cầu.

Ông Ngô Văn Thắng, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh cho biết,vườn có diện tích 41.913,78 ha với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhiều loài cây quý hiếm, đường kính lớn, các loài động vật hoang dã nằm trong Sách Đỏ Việt Nam. 

Các loài động, thực vật ở đây rất đa dạng, phong phú với khoảng 1.754 loài thực vật bậc cao, 91 loài thực vật bậc thấp, 87 loài thú, 326 loài chim, 77 loài bò sát cùng nhiều loài thú quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. 

Có thể kể đến các loài thực vật như trầm hương, sao hải nam hay động vật gồm voọc chà vá chân xám, khướu Kon Ka Kinh, vượn đen má hung Trung Bộ, gà tiền mặt đỏ, hồng hoàng... 

Với lợi thế là vùng lõi, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đang tích cực quảng bá, giới thiệu với bạn bè thế giới những giá trị về đa dạng sinh học cũng như nỗ lực bảo tồn, quản lý bền vững thiên nhiên. 

Đây cũng là bước ngoặt mở ra triển vọng đầu tư phát triển du lịch và các mô hình kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh; biến nơi đây thành điểm đến hấp dẫn trong tương lai.

Ngắm những loài thú rừng quý hiếm, cây rừng cổ thụ kỳ dị ở khu dự trữ sinh quyển mới nhất của Việt Nam - Ảnh 8.

Hệ động vật đa dạng, phong phú tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (một trong hai vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao Nguyên Kon Hà Nừng). Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN.


Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng khá ấn tượng với hệ sinh thái đa dạng, độc đáo, bao gồm 881 loài và dưới loài thuộc 547 chi, 162 họ thực vật của 5 ngành thực vật bậc cao có mạch. Nhiều loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam.

Vùng đệm của Cao nguyên Kon Hà Nừng có nhiều cộng đồng người dân tộc thiểu số sinh sống, chủ yếu là người Bahnar và Jrai. Đây là những cộng đồng có nền văn hóa đặc sắc, đời sống của họ gắn với không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể…

Ngắm những loài thú rừng quý hiếm, cây rừng cổ thụ kỳ dị ở khu dự trữ sinh quyển mới nhất của Việt Nam - Ảnh 9.

Một diện tích nhỏ trong vườn quốc gia Kon Ka Kinh (một trong hai vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng) có người dân bản địa trồng lúa từ nhiều đời nay. Ảnh: TTXVN.


Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng sẽ đóng góp vào việc bảo tồn cảnh quan, hệ sinh thái, các loài và các nguồn gen di truyền thông qua việc bảo vệ nghiêm ngặt vùng lõi (Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng). 

Hai vùng lõi này sẽ tạo nên hành lang đa dạng sinh học, duy trì sự toàn vẹn và tổng thể các hệ sinh thái rừng nhiệt đới còn lại của vùng Tây Nguyên nói riêng và của cả nước nói chung.

Ngắm những loài thú rừng quý hiếm, cây rừng cổ thụ kỳ dị ở khu dự trữ sinh quyển mới nhất của Việt Nam - Ảnh 10.

Hệ thực vật phong phú, đa dạng tại Vườn quốc gia Kon Ka Kinh (một trong hai vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng). Ảnh: TTXVN.


Trước đó, ngày 15/9/2021, tại Kỳ họp lần thứ 33 Hội đồng Điều phối Quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển, tổ chức tại thành phố Abuja, Nigeria, hai khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận) và Cao nguyên Kon Hà Nừng (tỉnh Gia Lai) của Việt Nam đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) xem xét công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. 

Đây là một niềm vinh dự lớn nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm của địa phương trong quá trình gìn giữ, bảo tồn và hỗ trợ phát triển Khu dự trữ sinh quyển xứng tầm với danh hiệu đã được thế giới công nhận.

Hồng Điệp (TTXVN)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem