Giá phân bón cứ tăng vù vù, nông dân Gia Lai lập tức tự làm phân giá rẻ bón cho cây vẫn tốt ầm ầm

Thứ bảy, ngày 22/01/2022 13:06 PM (GMT+7)
Từ nguồn phân chuồng có sẵn và các phế phẩm nông nghiệp, Hội Nông dân huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đã triển khai mô hình ủ phân hữu cơ để bón cho cây trồng các loại. Mô hình ủ phân hữu cơ không chỉ giúp nông dân tiết kiệm chi phí mua phân bón mà còn góp phần bảo vệ môi trường.
Bình luận 0

Hầu hết bà con nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều chăn nuôi gia súc, gia cầm nên lượng phân chuồng khá nhiều. Bên cạnh đó, các phế phẩm nông nghiệp như: rơm rạ, vỏ, lá cây… luôn có sẵn trong tự nhiên. 

Dựa vào lợi thế này, Hội Nông dân huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đã triển khai mô hình ủ phân hữu cơ với sự tham gia của 10 hộ đồng bào Jrai tại buôn Tơ Khế, xã Ia Tul. 

Giá phân bón chỉ tăng không giảm, nông dân Gia Lai lập tức tự làm phân giá rẻ bón cho cây vẫn tốt ầm ầm - Ảnh 1.

Ông Ksor Trim (bìa phải; buôn Tơ Khế, xã Ia Tul, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) kiểm tra bể ủ phân hữu cơ. Ảnh: Vũ Chi

Theo ông Nguyễn Văn Diện-Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ia Pa, trước đây, bà con vẫn thường xuyên tận dụng nguồn phân bò, phân heo để bón cho cây trồng. Các loại phân này rất tốt cho cây trồng nhưng nếu chưa hoai mục sẽ chứa nhiều loại nấm bệnh gây hại, kèm thêm mầm cỏ dại. 

Vì vậy, khi áp dụng phương pháp ủ phân hữu cơ, có sử dụng kèm chế phẩm vi sinh sẽ giúp giai đoạn phân hủy diễn ra nhanh hơn, diệt sạch mầm cỏ cũng như tạo hệ vi sinh vật có ích chống lại nấm bệnh.

Cách thức ủ phân hữu cơ rất đơn giản. Điểm ủ phân có thể là nhà kho, chuồng trại nhưng tốt hơn hết là xây bể ủ. Trước tiên dùng các loại bã thực vật trộn đều với chế phẩm Trichoderma, sau đó cho một lớp phân chuồng có độ ẩm 40-50%, rồi rải thêm một lớp chế phẩm vi sinh, một lớp super lân và cứ tiếp tục như thế cho đến khi lượng phân đạt 1-1,5 m3. 

Với khoảng 1 tấn phân chuồng, phụ phẩm nông nghiệp, kết hợp khoảng 1-2 kg chế phẩm vi sinh là phù hợp. 

Dùng bạt phủ kín để che mưa, nắng. Khi nhiệt độ trong phân tăng cao sẽ ức chế sự nảy mầm của hạt cỏ cũng như diệt các loại mầm bệnh trong phân chuồng có thể gây bệnh cho người và gia súc. 

Vào mùa đông, sau khi ủ 1,5-2 tháng, phân có thể sử dụng được; còn mùa hè, thời tiết nắng nóng, quá trình phân hủy diễn ra nhanh hơn nên chỉ cần 30-40 ngày là có thể sử dụng phân để bón cho cây trồng.

Sau khi được tập huấn kỹ thuật, gia đình ông Ksor Trim đã đăng ký tham gia mô hình. Dẫn chúng tôi tham quan bể chứa phân bón, ông Trim cho biết: Gia đình nuôi 10 con bò và 3 con heo, lượng phân chuồng thu được rất lớn, lượng lá cây khô xung quanh nhà lúc nào cũng có sẵn nên rất thuận lợi để tham gia mô hình. 

Theo hướng dẫn, ông xây bể chứa khoảng 9 m2, cao 1,2 m ngay bên cạnh chuồng bò. Lượng phân ủ khoảng 3 tấn. Mặc dù mới ủ được 1 tuần nhưng qua kiểm tra thấy phân đã hoai mục khá nhiều. 

Khoảng 1 tháng nữa là có thể bón cho hơn 2 ha mì. Nếu dư thì ông sẽ bán lại cho bà con trong xóm. Nhiều người thấy ông làm cũng đăng ký mua phân để bón ruộng.

Từ nguồn vốn vayt Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện, gia đình anh R’Ô Tiêm cũng đang xây bể chứa để tiến hành ủ phân hữu cơ. Anh cho hay: Trước đây, các loại rơm rạ, lá cây thường được đốt bỏ, còn phân thì dồn thành đống để bón ruộng nhưng phải mất khoảng 3 tháng mới có thể sử dụng. Nay thấy ủ phân hữu cơ tiết kiệm thời gian hơn nhiều, gia đình quyết định làm theo, thấy vừa đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở, tận dụng được nguồn rác thải mà phân lại tơi xốp, giàu chất dinh dưỡng hơn. 

Với giá phân bón đang tăng cao như hiện nay thì phương pháp ủ phân hữu cơ sẽ giúp bà con giảm chi phí đầu tư mua phân hóa học để bón ruộng mà năng suất cây trồng tăng cao.

Ông R’Ô Tiơn-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Tul-thông tin: Sau khi tập huấn, mỗi hộ tham gia mô hình được vay 5 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện, thời gian vay 1 năm để đầu tư xây bể ủ phân bón, mua nguyên liệu. 

Nhận thấy triển vọng của mô hình, nhiều gia đình khác trong xã cũng học tập, làm theo. Hội Nông dân khuyến cáo bà con sử dụng nguyên liệu ủ phân có kích thước càng nhỏ càng tốt, có thể lá, vỏ cây, rơm rạ, trấu, mùn cưa, bã cà phê…

Với những phế phẩm nông nghiệp có kích thước lớn hơn 20 cm thì cần chặt ngắn hơn 1 gang tay. Đối với rơm, rạ tươi cần ủ 25-30 ngày trước khi đưa vào trộn với phân chuồng và nên tưới ẩm trước khi ủ, tạo điều kiện cho các vi sinh vật có lợi phát triển. Bà con cũng nên làm mái che để đảm bảo độ ẩm vừa đủ, tránh trời mưa sẽ làm phân trôi mất chất dinh dưỡng.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) khẳng định: Nhờ tận dụng nguồn phế phẩm nông nghiệp, phương pháp ủ phân hữu cơ vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa giúp phân bón có giá trị dinh dưỡng cao hơn mà giá thành giảm 30% so với các loại phân vô cơ trên thị trường. 

Khi dùng loại phân này, rau màu không chỉ cho năng suất cao, lá xanh mướt mà còn phòng được các bệnh xì mủ, vàng lá, thối rễ...

“Bà con nên sử dụng loại phân này bón ruộng trước khi làm đất là tốt nhất để đạt hiệu quả lâu dài, giúp cải tạo và giữ gìn chất đất trong sản xuất nông nghiệp. Thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ kiểm tra, đánh giá mô hình và nhân rộng ra toàn huyện nhằm hướng đến nền nông nghiệp sạch, an toàn”-ông Nguyễn Văn Diện nói.

Vũ Chi (Báo Gia Lai)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem