Ngăn chặn tình trạng 'tự ý' sử dụng, chiếm đoạt tài sản người khác
Ngăn chặn tình trạng 'tự ý' sử dụng, chiếm đoạt tài sản người khác
Phạm Văn Chung (Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum)
Thứ năm, ngày 16/09/2021 10:50 AM (GMT+7)
Nhiều người dân bức xúc khi được nhà cung cấp dịch vụ công khai mời gọi, khuyến khích sử dụng sản phẩm, dịch vụ miễn phí nhưng lại 'âm thầm' trừ tiền trong tài khoản.
Hôm trước một đồng nghiệp cơ quan tôi 'la làng' về việc bị nhà cung cấp dịch vụ tự ý trừ tiền trong tài khoản mà không có bất cứ thỏa thuận hay cảnh báo nào từ nhà cung cấp dịch vụ về phải trả tiền khi sử dụng ứng dụng đó.
Mặc dù số tiền không quá lớn nhưng gây bức xúc cho người bị trừ, vì không có bất cứ thỏa thuận nào với nhà cung cấp dịch vụ trước đó.
Thậm chí, nhiều trường hợp nhà cung cấp dịch vụ công khai mời gọi, khuyến khích sử dụng sản phẩm, dịch vụ miễn phí nhưng lại 'âm thầm' trừ tiền trong tài khoản người khác.
Tình trạng này xuất hiện ngày càng nhiều, nhất là trong thời gian giãn cách, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 thì hành vi vi phạm pháp luật này cũng tăng theo.
Nhiều người vô cớ bị trừ tiền, chiếm đoạt tài sản rất ấm ức nhưng không biết xử lý thế nào. Ngoài ra, số tiền bị mất không đáng kể nên nhiều người không muốn báo cơ quan chức năng và họ ngại đi lại phải khai báo này nọ, rắc rối.
Vì vậy, cơ quan chức năng không có cơ sở để thu thập, nắm bắt thông tin các vụ việc để xử lý.
Tương tự hiện nay tình trạng một số lãnh đạo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp 'tự ý' quyết định trích tiền công, tiền lương của người lao động để tham gia các chương trình thiện nguyện nào đó.
Sau đó trừ lương, tiền công của nhân viên, người lao động theo kiểu "tiền trảm, hậu tấu" cũng gây ấm ức, bức xúc cho người bị trừ tiền.
Dù là hoạt động từ thiện, vì cộng đồng nhưng việc 'tự ý' quyết định đối với tài sản người khác là không hợp lý, không đúng quy định pháp luật.
Việc này chẳng khác nào là công khai "cưỡng đoạt", tự ý sử dụng tài sản người khác một cách bất hợp pháp, khi chưa có ý kiến chấp thuận, đồng ý của họ.
Thoạt nhìn các vụ việc trên là chuyện nhỏ, không ảnh hưởng lớn đến cá nhân, tổ chức nhưng nếu không có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời sẽ tạo ra 'tiền lệ' xấu, tiêu cực đối với xã hội.
Thậm chí, nguy cơ trở thành vấn đề lớn, phức tạp, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội và quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Bởi quyền tài sản là quyền bất khả xâm phạm được pháp luật bảo vệ rất nghiêm ngặt, chặt chẽ và chế tài được quy định tại Bộ luật hình sự.
Theo đó, quyền tài sản là bất khả xâm phạm, không ai có quyền xâm phạm, tự ý sử dụng hoặc chiếm đoạt tài sản của người khác, nếu không có sự chấp thuận, đồng ý của họ.
Vì vậy, đối với hành vi vi phạm này dư luận xã hội phải lên án mạnh mẽ và những người bị hại cần khai báo kịp thời, trung thực với cơ quan chức năng để nắm bắt, xử lý.
Đặc biệt, cơ quan chức năng khi có các vụ việc cần vào cuộc quyết liệt, điều tra, xác minh và có chế tài nghiêm khắc để xử lý những trường hợp vi phạm, xâm phạm tài sản người khác bất hợp pháp, dù với bất cứ lý do gì.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.