Theo kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an, Phạm Công Danh và đồng phạm đã rút của Ngân hàng Xây dựng (CB) tổng cộng 18.678 tỉ đồng, gây thiệt hại cho Ngân hàng Xây dựng 9.133 tỉ đồng. Vụ việc đã diễn ra được 2 năm và sẽ được đưa ra xét xử trong vài ngày tới.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề quan trọng mà dư luận rất quan tâm là đến thời điểm hiện tại nợ xấu của CB đã được xử lý đến đâu, các khoản thất thoát đã được thu hồi như thế nào? Thế nhưng toàn bộ thông tin về ngân hàng này hiện nay rất ít, ngoài những lùm xùm của vụ kiện “nổi đình nổi đám” đòi hơn 3.000 tỉ đồng liên quan đến Công ty Phương Trang.
Nợ xấu của CB là bao nhiêu?
Theo báo cáo số 45/LAB-BKSĐB.CB.m ngày 11.12.2015 của Ban Kiểm soát đặc biệt Ngân hàng Xây dựng thì: Đến 30.10.2015, nợ xấu của nhà băng này là 18.284,24 tỉ đồng (giảm 336 tỉ đồng so với cuối tháng 12.2014), chiếm 98,72% tổng dư nợ cho vay. Nợ xấu đầu tư tài chính là 3.038 tỉ đồng.
Các khoản phải thu khó đòi gồm các khoản nợ bảo lãnh nhóm khách hàng xây dựng và kinh doanh vật liệu xây dựng liên ngân hàng 6.127 tỉ đồng; Ủy thác đầu tư Công ty quản lý Quỹ Lộc Việt 900 tỉ đồng; tiền đặt cọc thuê nhà và công nghệ thông tin là 644,87 tỉ đồng.
Dư nợ cho vay và đầu tư (chưa tính lãi phải trả) khó thu hồi thuộc các nhóm khách hàng như: Nhóm Tập đoàn Thiên Thanh nợ 12.371 tỉ đồng; nhóm Tân Hiệp Phát nợ 5.490 tỉ đồng; nhóm Phương Trang nợ 9.437 tỷ đồng; nhóm Phú Mỹ nợ lãi cho 29 khoản vay đã trả nợ gốc là 1.071 tỉ đồng và 1.038 tỉ đồng nợ gốc dưới dạng các khoản phải thu góp vốn đầu tư (thêm nợ lãi là 71 tỉ đồng).
Tuy nhiên, trong nhóm các khách hàng này, phía Tập đoàn Tân Hiệp Phát phủ nhận chưa từng vay của CB; còn phía nhóm Phương Trang cũng cho biết khoản vay hơn 9.437 tỉ đồng từ CB là con số “khống”, bởi thực tế theo sổ sách đối chứng giữa 2 bên thì nhóm Phương Trang chỉ nợ của CB hơn 3.000 tỉ đồng.
Theo ghi nhận, từ khi triển khai tái cơ cấu, CB đã tập trung xử lý nợ với nhiều giải pháp như triển khai cải tổ hoạt động, tích cực củng cố, hoàn thiện các hồ sơ pháp lý, kiên quyết xử lý triệt để các nhóm nợ xấu. Đồng thời với việc khoanh nợ, bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam - VAMC (khoảng 500 tỉ đồng); phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để có kết luận đối với các khoản nợ lớn, tích cực thu hồi nợ bằng tiền.
Đặc biệt, từ đầu năm 2016 đến nay, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), CB tập trung các biện pháp mạnh xử lý 3 nhóm nợ xấu tồn đọng từ thời ngân hàng cũ lên đến hàng nghìn tỷ đồng, trong đó trước mắt là vụ kiện đòi hơn 3.000 tỉ đồng liên quan đến Công ty Phương Trang.
Tuy nhiên, theo đánh giá của NHNN thì tính từ thời điểm bị đặt vào kiểm soát đặc biệt (tháng 8.2014) cho đến nay, CB đều không thể đáp ứng được các tỉ lệ an toàn về hoạt động theo quy định tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN ngày 20.11.2014.
Về hiện trạng tài chính, CB đang thua lỗ (bình quân 6-7 tỉ đồng/ngày) do không thu hồi được nợ xấu của nhóm khách hàng lớn, bộ máy vẫn phải duy trì với trên 1.000 cán bộ, chi phí phải trả lãi tiền gửi cho huy động khoảng 30.000 tỉ đồng (lãi suất trung bình 7-8% năm).
Để giúp CB vượt khó, NHNN cũng cho CB vay đặc biệt 7.500 tỉ đồng và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam cũng cho vay 500 tỉ đồng. Nhờ vậy CB cũng dần ổn định, đảm bảo được khả năng chi trả và NHNN không phải cho vay hỗ trợ thanh khoản. Dù vậy hoạt động của CB vẫn chưa trở lại bình thường do nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách và nguồn tài chính hỗ trợ tái cơ cấu.
Cảnh báo gì từ vụ án Phạm Công Danh?
Theo các chuyên gia tài chính, nhiều vấn đề từ vụ án Phạm Công Danh cần được “rút kinh nghiệm” sâu sắc trong việc quản lý các ngân hàng. Trước hết là sự lỏng lẻo giám sát của cơ quan quản lý nhà nước (ở đây là NHNN). Cụ thể, từ năm 2013, CB đã bị đặt trong tình trạng kiểm soát (không phải kiểm soát đặc biệt). NHNN đã cử một tổ giám sát xuống kiểm soát tại CB và quy định mọi giao dịch có giá trị từ 5 tỉ đồng trở lên đều phải có ý kiến của tổ giám sát. Vậy tổ giám sát ở đâu để Phạm Công Danh và các đồng phạm có thể rút ra tới 18.678 tỉ đồng trong vòng 1,5 năm mà không hề có ý kiến của tổ giám sát này?
Tiếp đó, theo Luật các tổ chức tín dụng, Chủ tịch hội đồng quản trị của một ngân hàng phải là người có năng lực, trình độ, có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính. Tuy nhiên, Phạm Công Danh không hề làm việc trong lĩnh vực ngân hàng trước khi ngồi vào vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị của nhà băng này. Tại sao lại qua mặt được NHNN mà ứng cử vào vị trí trên?
Cuối cùng, theo kết luận điều tra của C46 (Bộ Công An), Phạm Công Danh đã thành lập 29 doanh nghiệp khác nhau, đồng thời nhờ nhiều cá nhân đứng tên để thâu tóm, nắm giữ tổng cộng 84,92% cổ phần ngân hàng. Sở hữu chéo tới mức “khủng” như thế nhưng quản lý nhà nước cũng không nắm rõ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.