Ngân hàng cho vay “cắt cổ”, Giám đốc bàng quan

Thứ sáu, ngày 16/11/2012 06:51 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - "Thứ nhất do công việc nhiều, việc gia đình, không có thời gian để đọc báo. Thứ 2 là dùng cái từ “cắt cổ”, thế nào là “cắt cổ”. Cắt cổ sao người ta vẫn vay?"...
Bình luận 0

Khi phóng viên (PV) Báo NTNN đi thu thập tài liệu cho bài “Quỹ tín dụng nhân dân Triệu Sơn cho vay... cắt cổ” , chúng tôi đã liên hệ với ông Nguyễn Văn Ngát – Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh Thanh Hóa đề nghị được tìm hiểu thêm thông tin. Tuy nhiên ông Ngát yêu cầu phải có công văn mới trả lời... Nhiều ngày sau khi gửi công văn, PV gọi điện, nhắn tin… đều không nhận được hồi âm của ông Ngát.

Sáng 7.11, PV tiếp tục liên hệ với ông Ngát qua điện thoại, thì ông trả lời rằng đang bận đi họp, không có thời gian tiếp. Sau đó khoảng 1 giờ, tại trụ sở Chi nhánh NHNN tỉnh Thanh Hóa, rất “may mắn” chúng tôi gặp được vị giám đốc “bận bịu” này!

img
Trụ sở Chi nhánh NHNN tỉnh Thanh Hóa.

Xem giấy tờ của PV xong, một hồi sau, ông Ngát khẳng định luôn sẽ không trả lời Báo NTNN. Bằng một thái độ gay gắt, căng thẳng, ông Ngát nói:

“Cái văn bản đó tôi nhận được rồi, trước đó tôi biết trên mạng nhưng nói thật với anh, tôi không quan tâm đến báo. Thứ nhất do công việc nhiều, việc gia đình, không có thời gian để đọc báo. Thứ 2 là dùng cái từ “cắt cổ”, thế nào là “cắt cổ”. Cắt cổ sao người ta vẫn vay?

Văn bản các anh gửi chúng tôi hỏi: Quản lý nhà nước trên địa bàn như thế nào? Trên địa bàn có bao nhiêu quỹ tín dụng? Tôi nghĩ cái này các anh hỏi cũng đúng thôi, nhưng với tinh thần trao đổi, chứ các anh hỏi thế này tôi không trả lời… Tổng dư nợ của các đơn vị là bao nhiêu? Cái này tôi cũng không trả lời.

Hoạt động ngân hàng là mật. Quỹ tín dụng nhân dân cho vay vượt quy định của Nhà nước (là) Quỹ tín dụng nhân dân nào?”. Ai là người cho vay vượt quy định của Nhà nước?... Còn cái cho vay hiện nay, tôi biết chứ sao không biết – NHNN mà không biết thì làm sao quản lý được”.

Đối với câu hỏi của Báo NTNN: “Vai trò của Chi nhánh NHNN trên địa bàn được thể hiện như thế nào?”, ông Ngát nói: “Các anh không có quyền hỏi tôi về việc đó. Vai trò ở đây nó lớn lắm. Cái này phải là giám sát của HĐND tỉnh, Quốc hội, yêu cầu của Chủ tịch tỉnh, của Bí thư tỉnh ủy, của Thống đốc NHNN tôi mới trả lời. Chứ bây giờ các anh hỏi thế, nói thật nó xóc óc quá…”. Khi đề cập đến việc xử lý vấn đề Báo NTNN đã nêu, ông Ngát lớn tiếng rằng: “Tôi không có thời gian đọc những thứ đó…”.

Trao đổi với PV NTNN, một số hộ dân còn dư nợ tại Quỹ Tín dụng nhân dân Triệu Sơn cho biết: Họ rất đồng tình với những thông tin mà Báo NTNN đã nêu. Nhưng sau khi báo đăng tải, các ngành chức năng ở Thanh Hóa vẫn chưa có động thái nào chấn chỉnh việc cho vay quá quy định này cả. Nếu cứ duy trì mức lãi suất “cắt cổ” như hiện nay (từ 18 - 22%/năm), chẳng mấy chốc doanh nghiệp, người dân sẽ… phá sản, hoặc nợ nần “đầm đìa”...

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem