Ngân hàng “luồn lách” để tăng thu sau khi mảng bán bảo hiểm bị khủng hoảng?
Ngân hàng “luồn lách” để tăng thu sau khi mảng bán bảo hiểm bị khủng hoảng?
Quốc Hải
Thứ tư, ngày 23/08/2023 18:29 PM (GMT+7)
Kết quả kinh doanh quý II/2023 cho thấy mảng bán bảo hiểm của nhiều ngân hàng đã sụt giảm mạnh. Điều này khiến nhiều người tưởng rằng việc “ép” mua bảo hiểm với người vay vốn đã được chấn chỉnh nhưng thực tế, các ngân hàng lại có “chiêu” khác để tăng thu mà người vay vốn phải "cắn răng chịu".
Ghi nhận của Dân Việt, sau khi thanh tra Bộ Tài chính chỉ ra loạt sai phạm trong hoạt động bán chéo bảo hiểm qua kênh ngân hàng, hầu hết các nhà băng đều ghi nhận doanh thu bảo hiểm sụt giảm sau 6 tháng đầu năm 2023.
Doanh thu từ mảng "gà đẻ trứng vàng" sụt giảm
Một trong những nhà băng có doanh thu lớn từ mảng "gà đẻ trứng vàng" thời gian qua là Ngân hàng MB. Theo đó, nhờ trực tiếp sở hữu 2 công ty bảo hiểm là MIC (MB sở hữu 68,37%) và MB Ageas Life (61%) trong cả hai phân khúc nhân thọ và phi nhân thọ đã đóng góp một phần quan trọng vào lợi nhuận của MB hàng năm.
Cụ thể, năm 2019, doanh thu mảng bảo hiểm của MB là 4.202 tỷ đồng, đến 2020 đã tăng lên 5.849 tỷ đồng, và đến năm 2021 đã đạt 8.386 tỷ đồng năm 2021. Bước sang năm 2022, MB ghi nhận doanh thu 10.185 tỷ đồng từ bảo hiểm, chiếm chiếm tới 72% tổng doanh thu từ mảng dịch vụ (14.243 tỷ đồng).
Tuy nhiên, nửa đầu năm 2023, hoạt động bảo hiểm chỉ mang về doanh thu cho MB hơn 4.194 tỷ đồng, cùng với khoản chi phí cho hoạt động này là 2.600 tỷ đồng, nhà băng chỉ ghi nhận khoản lãi hơn 1.500 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ.
Tương tự, mảng bảo hiểm cũng là nguồn thu quan trọng trong các hoạt động ngoài tín dụng của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank,HoSE: VPB). Năm 2022, doanh thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm của VPBank đạt 3.353 tỷ đồng, tăng 42% so với năm 2021 (2.362 tỷ đồng) và chiếm 32% tổng thu nhập dịch vụ.
Tuy nhiên, nửa đầu năm 2023, VPBank thu về 1.385 tỷ đồng từ dịch vụ bảo hiểm, giảm 8% so với cùng kỳ và khoản này vẫn chiếm đến 24% doanh thu từ mảng dịch vụ của ngân hàng.
Tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - HoSE: TCB), năm 2022, thu nhập từ lãi, doanh thu từ dịch vụ hợp tác bảo hiểm của Techcombank đạt hơn 1.751 tỷ đồng, tăng 12% so với 2021 (1.558 tỷ đồng). Sang nửa đầu năm 2023, doanh thu mảng này tại Techcombank đạt 290 tỷ đồng, giảm 53% so với cùng kỳ.
Tương tự, tại Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HoSE: VIB), thu nhập từ bảo hiểm năm 2022 là 1.302 tỷ đồng, tăng gần 9% so với năm 2021. Tuy nhiên, nửa đầu năm 2023, doanh thu từ mảng này của VIB cũng giảm 46%, xuống còn 315 tỷ đồng.
Còn tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - HoSE: TPB), doanh thu và lợi nhuận từ bảo hiểm năm 2022 ghi nhận 876 tỷ đồng, giảm 8,2% so với năm 2021. Song nửa đầu năm 2023, khoản này TPBank chỉ ghi nhận 223 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ.
Một số nhà băng quy mô nhỏ khác cũng ghi nhận khoản thu từ bảo hiểm sụt giảm, như: SeABank ghi nhận khoản thu 46 tỷ đồng, giảm 81% so với cùng kỳ; trong khi KienlongBank thu được 11 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ.
Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), thu nhập từ bán chéo bảo hiểm (chiếm khoảng 30% thu nhập dịch vụ) của ngành ngân hàng bị ảnh hưởng do có các vụ việc lùm xùm trong hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng và các cơ quan quản lý đẩy mạnh hoạt động thanh kiểm tra, trong khi thu nhập của người dân giảm sút vì kinh tế khó khăn.
"Lãi từ phí bảo hiểm cả năm nay được dự báo giảm 10% - 15% so với năm ngoái, mặc dù hợp đồng bancassurance của VIB được gia hạn trong quý II/2023 và không ít ngân hàng có thể tiếp tục ghi nhận một phần phí trả trước cho hợp đồng bancassurance độc quyền đã ký kết như Vietcombank, ACB, VietinBank, MSB, Sacombank, VPBank, LPBank. Theo đó, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng năm 2023 được dự báo sẽ giảm tốc, mức tăng trưởng có thể chỉ đạt khoảng 10%", VCBS, dự báo.
Đã có nhà băng "lách" để tăng thu?
Mới đây, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM khẳng định, toàn bộ các chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng trên địa bàn đã không còn chuyện "ép" khách hàng mua bảo hiểm mới được giải ngân khi vay vốn như trước. Theo đó, nhân viên ngân hàng chỉ tư vấn, thông tin cụ thể, chi tiết các sản phẩm bảo hiểm, và quyền quyết định cuối cùng là do khách hàng.
Tuy nhiên, trao đổi với Dân Việt, ông Đ (Q.10) cho hay, ông mới vay một ngân hàng trên địa bàn với gói vay 1 tỷ đồng với lãi suất lên tới 13,5%/năm và chứng kiến ngân hàng này "lách" để tăng thu bằng cách khác chứ không còn "ép" mua bảo hiểm.
Cụ thể, ông Đ cho biết, ông có nhu cầu vay gấp để nhập hàng tiêu dùng xuất khẩu sang thị trường Australia. Tuy nhiên, ngân hàng tư vấn cho ông mua "tài khoản số đẹp" để được… sớm giải ngân.
"Tôi chấp nhận mua tài khoản số đẹp với giá 7 triệu đồng nhưng tiền không được giải ngân vô tài khoản này mà chỉ để tượng trưng trên hợp đồng vay vốn thôi. Sau đó trên hợp đồng là hàng loạt các chi phí khác như chi phí giải ngân, chi phí bảo đảm… Tổng cộng để được giải ngân 1 tỷ đồng, tôi phải bỏ ra khoảng 40 triệu đồng các chi phí trên và tài khoản số đẹp", ông Đ chia sẻ.
Cũng theo ông Đ, trong lần vay trước cách đây 2-3 tháng, ngân hàng còn "ép" mua bảo hiểm nhưng vì không có nhu cầu nên từ chối. Thế nên việc giải ngân là không thể.
"Sau đó, một người quen của tôi cũng có nhu cầu mua bảo hiểm nên tôi mới 'kết nối' để người này mua thì sau đó vài ngày khoản vay mới vào tài khoản của tôi", ông Đ nói thêm.
Một trường hợp khác, mới đây một khách hàng lên tiếng thắc mắc trên diễn đàn ngân hàng về trường hợp mới ký khoản vay mua ôtô ở ngân hàng V. ngày 10/8, sau đó đã đi bấm biển số và ngân hàng đã cầm lại giấy đăng ký xe bản chính, hiện khách hàng này chỉ đợi giải ngân để nhận xe.
Tuy nhiên, sau đó khách hàng này lại nhận được yêu cầu phải chuyển khoản số tiền 5.000.000 đồng cho "bảo hiểm sinh mạng" cho khoản vay tín chấp, rồi mới được giải ngân, trong khi hồ sơ của khách hàng là vay mua ô tô mới thế chấp bằng chính cái ô tô.
"Lúc ký các giấy tờ vay từ ngày 10/8 thì ngân hàng không có bất kì chỗ nào đề cập phải chuyển khoản số tiền trên, sát ngày giải ngân mới bắt phải chuyển khoản với chịu giải ngân. Liệu điều này có hợp lý không?", khách hàng này đặt vấn đề.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.