Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú từng khẳng định: "Thời gian qua, tín dụng vào bất động sản đã được kiểm soát rất chặt chẽ, tới đây có thể sẽ kiểm soát chặt hơn nữa. Tuy nhiên, vốn vẫn ưu tiên phục vụ nhu cầu chính đáng cho người dân mua nhà, đất để ở thật; hạn chế đáp ứng cho mục đích đầu cơ".
Ngân hàng "phanh gấp", vay tiền mua nhà "đã khó nay thêm nan giải"
Tuy nhiên, người dân vay mua nhà gặp khó khi ngân hàng siết tín dụng đang diễn ra trên thực tế.
Anh Nguyễn Văn Khương (Hà Nội) cho hay: Hơn 7 năm phải đi thuê nhà, nay gia đình anh dành dụm được khoản tiền nhưng vẫn chưa đủ mua nhà, nên anh quyết định vay thêm ngân hàng 500 triệu đồng. Được hẹn giải ngân vào ngày 20/4 nhưng đến ngày này, chi nhánh ngân hàng bất ngờ dừng giải ngân vì có chỉ đạo từ ban lãnh đạo, khiến anh không biết xoay xở ra sao.
"Trước đó tôi đã làm thủ tục đặt cọc 100 triệu đồng, nếu không mua nữa tôi sẽ mất số tiền này. Vì vậy, khi ngân hàng từ chối cho vay, gia đình tôi phải chạy vạy khắp nơi để gom đủ số tiền còn thiếu, thậm chí phải vay "nóng" người quen 100 triệu đồng với lãi suất lên đến 25%/năm. Mức lãi này tôi phải tính toán ưu tiên trả trước kẻo "lãi mẹ đẻ lãi con"", anh Khương than thở.
Trên thực tế, một số ngân hàng đã "bóp mạnh" tín dụng vào bất động sản từ cuối quý I vừa qua. Thậm chí, một vài ngân hàng lớn thông báo tạm dừng nhận hồ sơ mới. Với các trường hợp đặc biệt phát sinh phải trình giám đốc vùng phê duyệt trước khi chuyển cho khối thẩm định.
Hơn nữa, động thái "phanh gấp" của các ngân hàng cho vay đối với lĩnh vực bất động sản không chỉ khiến người mua nhà chật vật xoay sở dòng tiền như trường hợp của anh Khương, mà đây cũng là một phần tác nhân gây "nóng" lãi suất vay mua nhà.
Chị Nguyễn Mai Hương, công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) lo lắng: "Người dân muốn vay nhưng ngân hàng lại siết, như vậy để vay được chúng tôi phải tìm vay tại các ngân hàng còn dư địa cho vay nhưng thông thường lãi suất sẽ bị đẩy lên cao. Những người công nhân như chúng tôi đã khó nay càng thêm nan giải", chị Hương bày tỏ.
Chị Hương cũng chia sẻ thêm, sau khi tham khảo một số ngân hàng đẩy mạnh cho vay mua nhà, lãi suất vay mua nhà chị được ngân hàng thông báo ở mức 9,1%/năm, trả trước cũng phải chịu thêm phí phạt. Đây là mức lãi suất "rất cao" so với thu nhập của chị, dù đã thấp hơn mức trung bình của nhiều năm trước.
Theo khảo sát của Dân Việt, hiện nay ngoài một số ngân hàng đang duy trì chính sách cho vay ưu đãi đối với người mua nhà chẳng hạn như tại MSB (đang cho vay mua nhà với lãi suất 4,99%/năm áp dụng cho 3 tháng đầu cho sản phẩm vay mua nhà 24 tháng không bao gồm các dự án liên kết) hay TPBank và VPBank đang có chung mức lãi suất cho vay mua nhà là 5,9%/năm, lãi suất vay mua nhà được một số ngân hàng có vốn nhà nước áp dụng là 8 - 8,2%/năm cố định trong thời gian đầu ưu đãi. Sau thời gian này sẽ áp dụng bằng lãi suất huy động tiết kiệm 12 tháng cộng với biên độ từ 4 - 4,5%/năm, tương đương 9,5 - 10%/năm.
Trong khi đó các ngân hàng cổ phần áp dụng mức lãi suất cao hơn và thời gian ưu đãi cũng ngắn hơn, chỉ từ 6 tháng đến 1 năm và thời gian ưu đãi càng dài lãi suất càng cao. Nếu cố định 6 tháng lãi suất khoảng 8%, cố định 12 tháng lãi suất lên mức 9%/năm, sau đó mức lãi suất dao động khoảng 11 - 12%/năm.
Lãi suất vay mua nhà kỳ vọng khoảng 9,5%-10,0%
Trong báo cáo vừa phát hành, các nhà phân tích tại Chứng khoán VnDirect nhận định, áp lực lãi suất vay mua nhà gia tăng trong bối cảnh lãi suất huy động tăng trở lại.
Theo thống kê của VnDirect, tính đến ngày 26/4/2022, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng và kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng quốc doanh không đổi so với mức cuối năm 2021 trong khi lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng và lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng tư nhân lần lượt tăng 14 điểm cơ bản và 13 điểm cơ bản so với mức cuối năm 2021. Do đó, lãi vay thế chấp trung bình tại các ngân hàng nội địa thay đổi không đáng kể trong quý I/2022.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng lãi suất huy động khó duy trì mức thấp lịch sử và có thể sẽ tăng 30-50 điểm cơ bản cho cả năm 2022 do nhu cầu huy động vốn cao hơn khi tín dụng tăng tốc. Ngoài ra, áp lực lạm phát ở Việt Nam sẽ gia tăng trong năm 2022 và cạnh tranh gay gắt hơn với các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán để thu hút dòng vốn.
Dự báo, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên 5,9-6,1%/năm vào cuối năm 2022 (hiện ở mức 5,5-5,7%/năm), tuy nhiên vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7,0%/năm.
Khi đó, các ngân hàng thương mại có khả năng tăng lãi suất cho vay đối với các khoản vay thông thường khác để bù đắp việc tăng lãi suất huy động, đặc biệt trong bối cảnh thắt chặt kiểm soát tín dụng vào lĩnh bất động sản như hiện nay.
"Chúng tôi kỳ vọng lãi suất thế chấp cho vay mua nhà trong năm 2022 sẽ dao động trong khoảng 9,5%-10,0%, vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 11-11,5%/năm", chuyên gia VnDirect dự báo.
Các chuyên gia cũng lưu ý, lạm phát và lãi suất vay mua nhà tăng cao hơn dự kiến có thể gây ra các tác động tiêu cực đối với giao dịch căn hộ, đặc biệt là phân khúc trung cấp và bình dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.