Ngân hàng số 1 và cuộc rượt đuổi của “ông lớn” Vietcombank và Vietinbank

Trần Giang Thứ tư, ngày 11/01/2017 11:13 AM (GMT+7)
Hai “ông lớn” ngân hàng quốc doanh Vietinbank và Vietcombank vẫn đang rượt đuổi nhau trong cuộc chạy đua giành ngôi vị “ngân hàng số 1” do nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình "vô tình" khởi xướng từ giữa năm 2014. Đến nay, thị trường vẫn nhận định đây là cuộc đua gay cấn giữa hai đối thủ có sức nặng “một 9, một 10”.
Bình luận 0

img

Tại Hội nghị tổng kết năm 2016 của Vietcombank và Vietinbank vừa diễn ra mới đây, Chủ tịch HĐQT của hai “ông lớn” Vietcombank và Vietinbank đều nhấn mạnh mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 trở thành ngân hàng số 1 tại Việt Nam.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, cho biết để chuẩn bị cho mục tiêu trở thành ngân hàng số 1 tại Việt Nam, một trong 300 tập đoàn ngân hàng tài chính lớn nhất thế giới và được quản trị theo các thông lệ quốc tế tốt nhất vào năm 2020, trong năm 2016, Vietcombank đã và đang tiến hành những thay đổi mang tính đột phá trong công tác quản trị điều hành.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Vietinbank, cũng nhấn mạnh mục tiêu trở thành ngân hàng số 1 tại Việt Nam với quyết tâm năm 2017 sẽ xử lý sạch nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, nhân sự và quản trị theo các thông lệ quốc tế vào năm 2020.

Nếu lấy tiêu chí về vốn điều lệ, tổng tài sản và lợi nhuận để đánh giá thì Vietinbank hiện là ngân hàng số 1. Ước tính đến cuối năm 2016, tổng tài sản của Vietinbank là 947 nghìn tỷ đồng, trong khi Vietcombank mới ở mức 737 nghìn tỷ đồng. Mặc dù Vietcombank vừa tăng vốn điều lệ hồi tháng 8.2016 lên 35,9 nghìn tỷ đồng nhưng vẫn thấp hơn vốn điều lệ của Vietinbank là 37,2 nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế năm 2016 ước đạt của Vietinbank cũng nhỉnh hơn một chút so với Vietcombank.

img

Về mặt thương hiệu, Vietinbank cũng được định giá cao hơn Vietcombank. Trong năm 2016, Công ty tư vấn thương hiệu Mibrand, Brand Finance đã định giá giá trị thương hiệu của Vietinbank là 249 triệu USD và là ngân hàng Việt Nam duy nhất lọt vào Top 10 thương hiệu trị giá nhất Việt Nam. Còn giá trị thương hiệu của Vietcombank được giá là 189 triệu USD và xếp thứ 13. Ngoài ra, Brand Finance còn thăng hạng độ mạnh thương hiệu của Vietinbank từ A lên A+, còn Vietcombank thì vẫn giữ nguyên ở mức A+.

Tuy nhiên, trong cuộc chạy đua này, có một vướng mắc nhỏ về vốn điều lệ. Hiện Vietcombank đang đợi cơ quan quản lý chấp thuận để bán 10% cổ phần cho đối tác nước ngoài là Singapore (quỹ đầu tư GIC). Thời gian chờ đợi đã khá lâu và có lẽ vẫn phải đợi tiếp, nhưng quỹ đầu tư GIC vẫn rất hào hứng với thương vụ này.

Ngoài ra, năm 2016, Vietcombank cũng phát hành thành công 8.000 tỷ đồng trái phiếu để tăng vốn cấp 2 nhằm bổ sung nguồn vốn hoạt động và đáp ứng nhu cầu cho vay của ngân hàng. Đồng thời, việc phát hành trái phiếu để nâng cao năng lực tài chính và đảm bảo các chỉ tiêu an toàn theo đúng quy định của NHNN. Hiện hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) của Vietcombank là 10,29%. Điều này cho thấy áp lực buộc phải tăng vốn bổ sung của Vietcombank là không lớn.

Vietinbank thì khác. Rắc rối lớn nhất chính là thương vụ sáp nhập giữa Vietinbank và PGBank để tăng thêm 3.000 tỷ đồng vốn điều lệ có khả năng sẽ chậm lại rất lâu. Nguyên do là năm 2016 Vietinbank đã phải chi tiền mặt để trả 7% cổ tức cho cổ đông theo yêu cầu của Bộ Tài chính.

Điều này đồng nghĩa với việc sẽ phải tính toán lại tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu 1:0,9 (mỗi cổ đông của Vietinbank sẽ nhận được 0,008 cổ phiếu cho 1 cổ phiếu sở hữu) như trước đây. Công việc này sẽ mất khá nhiều thời gian, ngoài ra còn phải được sự chấp thuận của NHNN.

Sự trì hoãn trong thương vụ này khiến áp lực tăng vốn điều lệ của Vietinbank ngày càng lớn. Hiện hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) của Vietinbank là 11% và ngân hàng này cần phải tăng vốn cấp 1 nhiều hơn vốn cấp 2 để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của ngân hàng trong thời gian tới. Do vậy, sự trì hoãn của thương vụ này có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động kinh doanh của Vietinbank trong năm 2017 nếu vấn đề không được sớm giải quyết.

Ngoài ra, Vietinbank cũng buộc phải tăng cả vốn cấp 2 để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng trước mắt. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có thêm thông tin nào về việc phát hành trái phiếu của Vietinbank ngoài thông tin cuối năm 2015 đã phát hành thành công 5.400 tỷ đồng trái phiếu thứ cấp.

img

Nếu xét theo chỉ số ROE (tỷ suất sinh lời trên vốn chủ) và ROA (tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản), Vietcombank là ngân hàng sử dụng đồng vốn hiệu quả hơn.

Ngoài ra, Vietcombank còn là ngân hàng rất thành công trong việc xử lý nợ xấu và là ngân hàng đầu tiên mua lại 4.200 tỷ đồng nợ xấu từ VAMC và trích lập dự phòng rủi ro là 6.392 tỷ đồng.

Việc xử lý nợ xấu hiệu quả cùng với nguồn lực tài chính mạnh, Vietcombank sẽ có bước phát triển mạnh mẽ trong năm 2017 và những năm tới.

Tuy vậy, những so sánh trong bài viết chỉ mang tính chất tương đối, bởi hiện nay vẫn chưa có một tiêu chí cụ thể nào để đánh giá đâu là ngân hàng số 1 Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem