Chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng mang lại nhiều cơ hội, nhưng cũng đồng thời đặt ra nhiều vướng mắc cần giải quyết về công nghệ và pháp lý, từ phía các ngân hàng và phía người sử dụng.
Theo các ngân hàng, thời gian vừa qua, Chính phủ và NHNN đã có nhiều nỗ lực cải cách thể chế nhằm thúc đẩy chuyển đổi số. Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ chuyển đổi số như định hướng xây dựng xã hội thanh toán không dùng tiền mặt, cho phép thí điểm mobile money… Đặc biệt, bước đột phá đã được tạo ra khi NHNN cho phép triển khai mở tài khoản thanh toán của cá nhân bằng phương thức điện tử (eKYC) theo thông tư 16/2020/TT-NHNN.
Nhiều ý kiến cho rằng thể chế cho chuyển đổi số ngành ngân hàng về cơ bản đáp ứng sự phát triển của xã hội và xu hướng không dùng tiền mặt.
“Tuy nhiên, sự cải cách về thể chế hiện nay đôi khi còn thuận theo xu hướng thị trường trong ngắn hạn vì mới tập trung nhiều ở mảng thanh toán. Trong khi đó, để đáp ứng sự phát triển dài hạn của ngành ngân hàng và công nghệ tài chính, chúng ta còn thiếu những cơ chế thử nghiệm pháp lý (sandbox) để giúp việc triển khai các công nghệ mới có được sự hỗ trợ và khuôn khổ pháp lý ngay từ ban đầu”, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank nhận định.
Nhiều quy định cần tiếp tục hoàn thiện
Các ngân hàng cũng cho rằng, hành lang pháp lý, chính sách cần tiếp tục được hoàn thiện, trong đó, điều tiên quyết là đẩy nhanh quá trình xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về định danh cá nhân và đồng thời cho phép chia sẻ, kết nối mở với các ngành dịch vụ như ngân hàng, viễn thông, bảo hiểm…
“Dù áp dụng các công nghệ hiện đại, thì các giải pháp của Vietinbank không thể bảo đảm 100% chính xác rằng các giấy tờ tùy thân mà khách hàng cung cấp online là thật, do đó, tất cả các ngân hàng đều mong chờ hệ thống dữ liệu dân cư quốc gia để xác thực một cách chính xác nhất”, Phó Tổng Giám đốc Vietinbank Trần Công Quỳnh Lân chia sẻ.
Đại diện các ngân hàng cũng đề nghị các cơ quan chức năng ban hành dự thảo về đại lý ủy thác (agent banking) cho phép ngân hàng phát triển các điểm dịch vụ (khi ngân hàng không được mở nhiều chi nhánh/phòng giao dịch).
Cùng đó, cần đẩy nhanh tốc độ xây dựng quy định về bảo vệ dữ liệu người dùng, định danh số, xây dựng một liên minh eKYC. Hoàn thiện quy định bảo mật giao dịch, an ninh thông tin, quy định chi tiết về chữ ký điện tử, chứng thư điện tử, giao dịch điện tử cho phù hợp với thông lệ quốc tế…
Một nội dung rất quan trọng là việc cho phép triển khai cơ chế Sandbox – cơ chế thử nghiệm chính sách áp dụng cho việc ứng dụng công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới tại Việt Nam. Việc cho phép các ngân hàng trong quá trình chuyển đổi số có những ngoại lệ nhất định trong việc đáp ứng các chỉ tiêu an toàn, hiệu quả theo quy định của NHNN sẽ giúp ngân hàng mạnh dạn nghiên cứu và thử nghiệm những cái mới.
Theo ông Dương Trọng Chữ, Giám đốc Khối ngân hàng số của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, so với một số quốc gia trong khu vực, tốc độ chuyển đổi số của Việt Nam tương đối nhanh, tuy nhiên Việt Nam vẫn chưa phải là một ví dụ điển hình về quốc gia có tốc độ chuyển đổi số nhanh trên thế giới. Việt Nam có lượng dân số trẻ, linh hoạt và dễ dàng chấp nhận mô hình chuyển đổi số, nhưng chúng ta lại gặp một số rào cản nhất định.
Thứ nhất, phải kể đến thói quen sử dụng tiền mặt của người dân Việt Nam quá lớn. Thứ hai, người dân Việt Nam thường có xu hướng tin tưởng những điểm giao dịch vật lý hơn là mô hình ngân hàng số không có chi nhánh/phòng giao dịch.
Thứ ba, chính sách gần như chưa có quy định bắt buộc đối với chuyển đổi số, mới chỉ dừng lại ở việc khuyến khích. Việt Nam là thị trường ham học hỏi nhưng mất khá nhiều thời gian trong việc triển khai do hành lang pháp lý chậm hơn sự phát triển của các mô hình kinh doanh.
Ông Nguyễn Xuân Nam, Giám đốc Chiến lược của Công ty An ninh mạng Viettel khẳng định, các vấn đề công nghệ liên quan tới chuyển đổi số ngân hàng hiện đã tương đối bảo đảm an toàn, thậm chí có thể bắt kịp các công nghệ trên thế giới, tất nhiên vẫn cần cải thiện để tốt hơn nữa, nhưng người dân không nên quá lo lắng. Chẳng hạn, các ứng dụng mobile banking hiện nay đều được ứng dụng các công nghệ mới chống khai thác mã nguồn và không cho phép cài đặt trên các điện thoại không bảo đảm an toàn.
Tuy nhiên, theo ông Nam, một vấn đề đặt ra là hành lang pháp lý liên quan đến dữ liệu người dùng chưa thật chặt chẽ, chẳng hạn các quy định về lộ lọt thông tin, đánh cắp dữ liệu cá nhân, như vừa qua đã có một số vụ việc sử dụng dữ liệu mà chưa cho phép của chủ thể để đăng ký thẻ tín dụng hoặc các khoản vay… Cá nhân ông Nam cũng cho biết đã từng mở thẻ tại một ngân hàng A thì hôm sau đã có ngân hàng B có gọi điện hỏi, nghĩa là việc lộ lọt thông tin khách hàng là chuyện khá phổ biến.
Tuy nhiên, theo ông Nam, ở khía cạnh người tiêu dùng, điều quan trọng nhất không phải nằm ở công nghệ hay pháp lý, mà là vấn đề nhận thức của người tiêu dùng về an toàn an ninh thông tin, hiện còn tương đối yếu. Đã có rất nhiều việc đánh cắp thông tin cá nhân, đánh cắp tài khoản hoàn toàn không phải do công nghệ hay pháp lý, mà do sự bất cẩn của người dùng. Do đó, mỗi người dân phải chủ động tìm hiểu các kỹ năng cơ bản về an toàn trên không gian mạng, cùng với việc các cơ quan nhà nước đồng hành cùng các doanh nghiệp trong truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân.
Cân nhắc giữa rủi ro và lợi ích
Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch ví điện tử MoMo cho rằng, một mô hình số hóa, đổi mới sáng tạo không thể hoạt động được dựa trên những quy định cũ, nặng về quản lý, không có tính thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Một ví dụ đơn giản, thay vì các bên đến gặp mặt để ký kết hợp đồng, chúng ta sẽ dùng chữ ký số (e-signature), ký trên một hợp đồng số (e-contract), xuất ra các chứng từ số (e-invoice), thanh toán bằng tiền số (e-money) và giao dịch được thực hiện toàn bộ trên các nền tảng số hóa (digital platform).
Do đó, cần những quy định về luật pháp để tạo ra chữ ký số, để xác định (KYC) được danh tính người ký, tính chính danh và được pháp luật bảo vệ của hợp đồng số, các quy định thanh toán bằng tiền điện tử, quản lý mua bán trên nền tảng số và chấp nhận chứng từ số.
“Để đáp ứng được việc chuyển đổi số một cách toàn diện thì cơ cấu pháp luật cũng phải có những thay đổi về lượng và chất. Tuy nhiên việc này cần nhiều thời gian để các đơn vị quản lý nhà nước cân nhắc giữa rủi ro và lợi ích, đây cũng là xu hướng chung đang xảy ra trên toàn thế giới vì trên thực tế không có một cơ chế pháp luật nào có thể thích ứng toàn diện với các thay đổi mang tính cách mạng do công nghệ tạo ra hiện nay”, ông Diệp nói.
Một luật sư đang phụ trách quản trị một ngân hàng thương mại lớn của Việt Nam cho rằng, về cơ bản thể chế pháp lý hiện nay vẫn thiên về giao dịch giấy, giao dịch tiền mặt. Có hàng loạt ví dụ cho vấn đề này, như vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất về tài sản số và khi xảy ra tranh chấp hoặc vi phạm hành chính, vi phạm hình sự, sẽ có rất nhiều vướng mắc như định nghĩa bằng chứng, chứng cứ, hợp đồng điện tử trong lĩnh vực giao dịch điện tử, giao dịch số, chúng ta hiểu thế nào là tính toàn vẹn, tính nguyên gốc của chứng cứ số? Một ví dụ khác, khi một người qua đời để lại một lượng Bitcoin mà không có người thừa kế, cũng không để lại mật khẩu ví chứa Bitcoin, thì “tài sản vô chủ” này sẽ được xử lý ra sao?
Trong số nhiều vấn đề đặt ra với chuyển đổi số ngân hàng, vị luật sư này cho rằng, hiện các giao dịch ngân hàng có thể thực hiện gần như toàn bộ qua phương thức điện tử, nhưng vẫn dựa trên cơ sở của một “bản giấy” đầu tiên mà người sử dụng giao kết với ngân hàng. Tuy nhiên, câu chuyện có thể sẽ rất khác nếu toàn bộ quy trình được thực hiện hoàn toàn qua phương thức điện tử.
“Khi chụp ảnh giấy tờ tùy thân hay ảnh người sử dụng, ngân hàng lấy dữ liệu nào để xác nhận chắc chắn về danh tính người đó?”, vị này đặt vấn đề. Đồng tình với ý kiến của Vietinbank, luật sư này nhấn mạnh, việc xây dựng một cơ sở dữ liệu dùng chung, liên thông có vai trò vô cùng quan trọng để giảm bớt công sức, chi phí cho toàn bộ các chủ thể trong xã hội, trong đó có các ngân hàng.
Tất cả những vấn đề pháp lý hiện nay đặt ra không ít rủi ro cho các dịch vụ tài chính, ngân hàng trên nền tảng công nghệ. Do đó, vị luật sư cũng kiến nghị sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng cho phù hợp với thực tiễn hơn, đồng thời sớm cho phép áp dụng cơ chế khung khổ thử nghiệm (sandbox) cho các dịch vụ này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.