Ngân hàng Trung ương Malaysia nhận được 29 đơn xin cấp phép ngân hàng số

Thứ ba, ngày 20/07/2021 07:03 AM (GMT+7)
Ngân hàng Trung ương Malaysia (Bank Negara Malaysia - BNM) đã thông báo sẽ cấp 5 giấy phép ngân hàng kỹ thuật số vào năm tới. Cho đến nay, BNM đã nhận được 29 đơn đăng ký. Thông báo này được đưa ra sau khi giai đoạn nhận đơn trong sáu tháng kết thúc vào ngày 30/6/2021.
Bình luận 0
Ngân hàng Trung ương Malaysia nhận được 29 đơn xin cấp phép ngân hàng số - Ảnh 1.

Theo BNM, sự kết hợp của các ngân hàng, tập đoàn trong ngành, fintech, công ty thương mại điện tử và các nhà lãnh đạo công nghệ trong nước đã thể hiện sự quan tâm đối với việc vận hành ngân hàng số.

Các công ty và doanh nghiệp tên tuổi quan tâm đến giấy phép ngân hàng số

Trong khi BNM từ chối nêu tên những người nộp đơn,  một số tổ chức lại tiết lộ họ đã gửi đơn đăng ký. Một số công ty tên tuổi bị thu hút bởi triển vọng trở thành một trong những nhà vận hành ngân hàng kỹ thuật số đầu tiên ở Malaysia bao gồm AEON Credit, Axiata – RHB, BigPay, Grab-Singtel, Green Packet, iFast, MPay, Pertama Digital, PUC và Star Media Group. Tuy nhiên, người tiêu dùng sẽ phải đợi để thực sự nhận được dịch vụ  qua ngân hàng kỹ thuật số vì những ứng cử viên thành công sẽ chỉ được BNM tiết lộ trong quý đầu tiên của năm 2022.

AEON Credit và công ty mẹ AEON Financial Service đã thành lập một liên doanh, họ hy vọng sẽ là một trong số năm đơn vị đầu tiên được cấp phép. AEON được biết đến với việc cung cấp thẻ tín dụng, bảo hiểm nhân thọ và ngân hàng ở Nhật Bản, Malaysia và một số quốc gia khác.

Bigpay, một bộ phận của Airasia Group, đã thành lập một liên danh với Malaysian Industrial Development Finance, Ikhlas Capital và một tập đoàn nước ngoài có chuyên môn về fintech. Bigpay cung cấp một ứng dụng trên điện thoại di động kết nối với thẻ tín dụng cho phép người dùng theo dõi và lập kế hoạch chi tiêu.

iFast là một nền tảng fintech quản lý tài sản có trụ sở chính tại Singapore. Trước đó, công ty này đã cố gắng xin giấy phép hoạt động ngân hàng ở Singapore nhưng không vượt qua được vòng cuối. Lần này, công ty đã thành lập một liên danh với các công ty Malaysia khác như THZ Alliance, và Koperasi Angkatan Tentera Malaysia.

Tương tự như iFast, Grab-Singtel trước đây đã xin giấy phép ngân hàng kỹ thuật số tại Singapore. Cơ quan tiền tệ Singapore đã cấp giấy phép cho Grab-Singtel vào tháng 12/ 2020. Khi Grab-Singtel cố gắng thâm nhập thị trường Malaysia, tập đoàn này dự kiến sẽ điều chỉnh các sản phẩm hiện có của mình để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của địa phương.

Ngoài iFast và Grab-Singtel, SEA Group và Razer Fintech cũng đã thể hiện sự quan tâm của họ trong việc khai thác thị trường Malaysia dưới vai trò một ngân hàng kỹ thuật số. Tuy nhiên, chưa có tuyên bố chính thức nào được đưa ra cho đến nay về vấn đề này.

Tập trung vào những khách hàng chưa được tiếp cận dịch vụ ngân hàng

Vào ngày 31/12/2020, BNM đã ban hành khung cấp phép cho các ngân hàng kỹ thuật số và thông báo sẽ có 5 đơn được phê duyệt và cho phép hoạt động tại quốc gia này. Đây là một phần trong kế hoạch của Malaysia nhằm giảm tỷ lệ dân số chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng từ 8% xuống 5% thông qua công nghệ. Hơn nữa, cuộc cách mạng ngân hàng kỹ thuật số ở nước này được kỳ vọng sẽ cải thiện các sản phẩm tài chính, giảm chi phí và củng cố kiến thức tài chính của người Malaysia nói chung.

Một khuôn khổ pháp lý được đơn giản hóa trong giai đoạn đầu hoạt động sẽ hướng dẫn các tổ chức cho vay kỹ thuật số trong nước. Họ sẽ phải tuân thủ Đạo luật Dịch vụ Tài chính 2013, Đạo luật Dịch vụ Tài chính Hồi giáo 2013 và các quy định khác.

Một số quốc gia châu Á đang mở cửa lĩnh vực ngân hàng cho các thực thể chỉ hoạt động trong môi trường trực tuyến. Năm ngoái, Singapore đã cấp 4 giấy phép ngân hàng kỹ thuật số, trong khi Hồng Kông đã cấp 8 giấy phép.

Theo Hải Yến (thitruongtaichinhtiente.vn/The Asian Banker)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem