Ngành chế biến nông sản tìm cách vượt dịch Covid-19 với... “3 tại chỗ” (bài 3): Trái cây vẫn... ngọt
Ngành chế biến nông sản tìm cách vượt dịch Covid-19 với... “3 tại chỗ” (bài 3): Trái cây vẫn... ngọt
Minh Ngọc
Thứ sáu, ngày 30/07/2021 19:00 PM (GMT+7)
Sau khi TP.HCM và các tỉnh miền Nam, tiếp đó là Hà Nội buộc phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để phòng chống dịch Covid-19 thì những khó khăn về vận chuyển, lưu thông, xin “luồng xanh” khiến các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản tiếp tục gặp khó.
Là doanh nghiệp (DN) xuất khẩu nông sản có tiếng ở miền Bắc, xuất khẩu nhiều loại trái cây đi các nước EU, thế nhưng từ năm 2020, khi dịch Covid-19 xuất hiện ở các tỉnh ở miền Bắc, Công ty cổ Phần Nafoods Tây Bắc (gọi tắt là Nafoods Tây Bắc, trụ sở ở tỉnh Sơn La) đã phải tìm hướng, chuyển việc xuất khẩu từ Hà Nội vào TP.HCM do các tuyến bay ngoài Bắc không còn phù hợp.
Theo bà Phan Thu Thủy - Giám đốc kinh doanh Nafoods Tây Bắc, Covid-19 tiếp tục "làm khó" DN, TP.HCM và các tỉnh miền Nam đều thực hiện giãn cách xã hội, gần đây TP.HCM áp dụng khung giờ giới nghiêm (từ 18 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau) đã làm khâu thu mua, vận chuyển và xuất khẩu nông sản của công ty gặp nhiều khó khăn.
"Nhờ chủ động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới, cũng như đáp ứng tốt những yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19, từ đầu năm đến nay doanh nghiệp vẫn duy trì được mức tăng trưởng 20 - 30% so với cùng kỳ năm ngoái".
Bà Ngô Tường Vy - Phó Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu
Bà Thủy cho hay, trước khi TP.HCM và các tỉnh miền Nam thực hiện lệnh giãn cách xã hội, Nafoods Tây Bắc xuất khẩu khoảng 10 loại trái cây, nay phải khoanh gọn lại còn 5 - 6 loại.
"Do giãn cách xã hội, các trang trại liên kết của chúng tôi nằm ở khắp các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ nên việc thu mua nông sản gặp rất nhiều khó khăn, chi phí vận chuyển kho bãi đều tăng, một số loại nếu xuất với số lượng ít sẽ không hiệu quả về mặt chi phí nên thời gian đang tạm dừng xuất hàng" - bà Thủy chia sẻ.
Theo bà Thủy, để chủ động thích ứng trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, Nafoofs Tây Bắc đã làm việc với các khách hàng EU để lên kế hoạch các đơn hàng từ sớm, từ đó, có phương án thu hái từ vườn, chủ động thu xếp vận tải kịp lịch các chuyến bay.
Là DN vừa và nhỏ về xuất khẩu nông sản, Công ty TNHH Phát triển thương mại và Dịch vụ Phúc Lâm (Hà Nội) cũng đang phải xoay xở vượt khó trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Bà Nguyễn Thị Tuyết - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển thương mại và Dịch vụ Phúc Lâm cho hay, công ty đang tập trung xuất khẩu 4 loại nông sản, đó là hạt điều, thanh long và nhãn, vải thiều (đông lạnh), 90% sang thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, từ ngày 23/7 đến nay vẫn chưa được cấp "luồng xanh" nên mọi hoạt động của công ty đang bị đình trệ.
Trong khi vận chuyển nông sản gặp khó thì chi phí vận chuyển cũng tăng cao. Theo bà Tuyết, thời điểm trước đây 1 container 20 feet vận chuyển nông sản từ các tỉnh miền Nam ra đến Lạng Sơn là 48 triệu thì nay đã tăng lên 73 triệu đồng.
"Hiện những hợp đồng xuất khẩu thanh long và hạt điều đi Trung Quốc phải tạm dừng lại. Trong khi đó, hàng trăm tấn vải thiều và nhãn đông lạnh xuất châu Âu phải thuê kho đông lạnh với chi phí 25.000 đồng/tấn/ngày" - bà Tuyết cho biết.
Vượt khó trước "bão dịch"
Theo Bộ NNPTNT, do dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu, kế hoạch xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm cũng như hoạt động xuất khẩu của nhiều ngành hàng bị ảnh hưởng nặng, trong đó có nông sản. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu rau quả vẫn giữ được đà tăng trưởng khá.
Trong tháng 6, ngành hàng rau quả Việt Nam xuất khẩu đạt trên 356 triệu USD, tăng 38% so với cùng thời điểm năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021 tổng giá trị xuất khẩu rau quả đạt trên 2,063 tỉ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ 2020.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T (trụ sở TP.HCM), trong tháng 4 và 5/2021, sau các buổi họp trực tuyến với lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT, Tham tán thương mại Việt Nam ở châu Âu, DN này đã được kết nối với một chuỗi siêu thị lớn của Pháp kinh doanh ở nhiều nước châu Âu.
"Chúng tôi đã gửi hàng mẫu đi cho các đối tác và đang chuẩn bị cho đơn hàng mỗi tháng 200 tấn rau quả xuất sang Pháp. Việc có thêm khách hàng của EU là một tín hiệu tích cực" - ông Tùng nói.
Tuy nhiên, vấn đề cước phí đang khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu. Thời gian vận chuyển trái cây từ Việt Nam qua Mỹ bằng đường biển trước đây chỉ mất 20 ngày nhưng nay lên tới 40 ngày, do vậy trừ một số loại nông sản đông lạnh, những loại khác buộc phải đi bằng đường không với số lượng hạn chế và cước phí rất cao, lên đến 6 USD/kg.
Khi chưa có dịch, một chuyến tàu đi từ Việt Nam sang Los Angles (Mỹ) chi phí 90 - 110 triệu đồng nhưng đến cuối năm 2020 đã tăng lên 140 - 160 triệu đồng và gần đây là 200 - 230 triệu đồng.
"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính Phủ"
Vui lòng nhập nội dung bình luận.