Ngành da giày - túi xách Việt nam nỗ lực vượt thách thức để khẳng định mình với thế giới.
Ngành da giày - túi xách Việt Nam vượt thách thức, khẳng định mình với thế giới
Đông Anh
Thứ ba, ngày 09/07/2024 19:39 PM (GMT+7)
Ngày 9 và 10/7/2024, tại TP.HCM diễn ra Hội chợ, triễn lãm ngành da giày - túi xách Việt Nam năm 2024. Vấn đề phát triển ngành da giày - túi xách Việt Nam trở thành ngành xuất khẩu chủ lực của quốc gia đã được đặt ra. Làm gì để khẳng định vị thế của ngày da giày trong chuỗi cung ứng giày dép cho thế giới ?
Trong chuỗi sự kiện trên, thì Hội nghị quốc tế ngành da giày (CIFA) lần thứ 4, diễn ra ngày 9/7, thu hút 200 chuyên gia ngành giày dép đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như: Ấn Độ, Băng-la-đét, Đài Loan, Campuchia, Indonesia… Trong hội nghị này, các vấn đề liên quan đến đầu tư, sản xuất, chuỗi cung ứng, thị trường… giày dép đã được các chuyên gia đề cập.
Trong đó, hầu hết các chuyên gia từ các nước đều công nhận vị trí hết sức quan trọng của xuất khẩu da giày Việt Nam đối với thế giới. Mặc dù thời gian qua, ngành da giày - túi xách Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, hơn một năm trở lại đây, sản xuất - xuất khẩu da giày đã có dấu hiệu phục hồi.
Tính đến nay, Việt Nam vẫn xếp thứ 3 trong số 10 quốc gia sản xuất giày dép hàng đầu thế giới, với sản lượng hơn 1,3 tỷ đôi/năm, chiếm tỷ lệ 5,4% lĩnh vực sản xuất giày dép trên thế giới. Về xuất khẩu giày dép, Việt Nam đứng thứ 2 (chỉ sau Trung Quốc), với sản lượng xuất khẩu hơn 1,2 tỷ đôi/năm, chiếm tỷ lệ 7,3%.
Kim ngạch xuất khẩu giày dép năm 2023 là 24 tỷ USD. Và, năm 2024, dự kiến ngành da giày Việt Nam sẽ kim ngạch xuất khẩu khoảng 27 tỷ USD. Con số trên sẽ tăng lên 38 - 40 tỷ USD vào năm 2030.
Ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch Hiệp hội da giày - túi xách Việt Nam (Lefaso) kiêm Chủ tịch CIFA năm 2024 - cho rằng: "Mặc dù ngành giày dép đã có dấu hiệu phục hồi năm 2023, sau thời gian dài bị tác động xấu bới đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, trong năm 2024, chuỗi cung ứng giày dép vẫn đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức từ những xung đột địa chính trị, chiến tranh thương mại, cạnh tranh giữa các nước lớn và những chính sách khác biệt giữa các nước có ngành sản xuất - xuất khẩu giày dép trên thế giới".
"Những thách thức này đã làm thay đổi cấu trúc và phương thức sản xuất - kinh doanh của ngành da giày thế giới" - ông Thuấn nói. Từ đó, Chủ tịch Lefaso kêu gọi lãnh đạo các tổ chức, hiệp hội giày dép, các nhà sản xuất giày dép trong CIFA… phải tăng cường hợp tác với nhau, cùng tạo ra những mối liên kết thiết thực, kịp thời, nhằm ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu, hướng đến sự phát triển bền vững.
Phát biểu tại Hội nghị CIFA lần thứ 4, bà Phan Thị Thắng - Thứ trưởng Bộ Công thương - đã nhấn mạnh: "Chính phủ, các bộ, ngành trung ương ở Việt Nam, trước sau như một, luôn quan tâm và đánh giá rất cao vai trò, vị trí hết sức quan trọng của ngành da giày - túi xách Việt Nam trong sự phát triển kinh tế của đất nước".
Theo bà Thắng, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1643/QĐ-TTg, đặt ra chiến lược phát triển ngành giày dép Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050. Trong quyết định này, xác định sản xuất - xuất khẩu giày dép phải trở thành ngành xuất khẩu chủ lực của quốc gia, với sản phẩm chất lượng, mang tính cạnh tranh toàn cầu, đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước và duy trì vị trí thứ 2 thế giới".
Ông Allen Lai - Tổng thư ký CIFA - cho biết: "Tương tự Việt Nam, tại nhiều quốc gia khác, ngành sản xuất - xuất khẩu giày dép đã và đang đối mặt với rất nhiều thách thức, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Đặc biệt, chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành da giày đã gặp rất nhiều sóng gió trong thời gian qua, kể từ khi phát sinh đại dịch Covid-19. Hàng loạt trở ngại nảy sinh như: khan hiếm lao động, chi phí sản xuất và dịch vụ logicstics tăng cao, khan hiến nguyên - phụ liệu, vấn đề thuế quan, chuyển đổi số, công nghệ….".
Mặc dù vậy, tinh thần của Hội nghị CIFA lần này vẫn khẳng định: Việt Nam là nơi an toàn và có nhiều lợi thế địa chính trị để đầu tư. Việt Nam là quốc gia có nhiều hiệp định thương mại tự do, chiếm hơn 60% khối lượng thương mại toàn cầu. Đồng thời, Việt Nam cũng hưởng lợi từ việc tái cấu trúc nhiều chuỗi cung ứng lớn trên thế giới.
Từ đó, Việt Nam có cơ hội đón nhận làn sóng FDI lần thứ 4, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao như điện tử, chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và năng lượng tái tạo.
Hiện các doanh nghiệp da giày Việt Nam đã ưng dụng thành tựu công nghệ 4.0 trong quản lý doanh nghiệp đã giúp các doanh nghiệp giày dép Việt Nam nâng cao hiệu quả sản xuất và xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp đã tự thực hiện công việc R&D và tạo ra nhiều thiết kế giày dép độc đáo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.