Ngành điều Việt đối mặt... trắng tay!

Quốc Hải Thứ hai, ngày 30/05/2016 06:32 AM (GMT+7)
Mặc dù ngành điều Việt Nam đang dẫn đầu thế giới với mức tăng trưởng rất tốt và có thể sẽ ổn định trong 1, 2 năm tới. Tuy nhiên, theo các chuyên gia ngành điều thì khoảng 4 - 5 năm tới vị thế dẫn đầu có thể sẽ bị ảnh hưởng với những nguy cơ đến từ… “lục địa đen”.
Bình luận 0

Thống kê của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), trong 4 tháng đầu năm 2016, cả nước xuất khẩu được trên 93.000 tấn điều, kim ngạch xuất khẩu đạt 705 triệu USD, tăng 12% về lượng và tăng 20% về trị giá so cùng kỳ năm 2015; nhập khẩu 207.000 tấn, tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguy cơ được báo trước

Tại hội thảo về ngành điều mới đây được tổ chức tại TP.HCM, đại diện của nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất điều đang tỏ ra lo lắng trước nguy cơ vươn lên chiếm lĩnh thị trường của “lục địa đen”. Ông Nguyễn Thái Sơn - Giám đốc Công ty Long Sơn (DN đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điều) lo lắng, ngành điều trong nước sẽ tiếp tục phát triển ổn định trong 1 - 2 năm tới. Tuy nhiên, trong 4 năm tới tình hình có thể sẽ khác, vì hiện nay, một số nước có sản lượng điều thô lớn như Bờ Biển Ngà đã bắt đầu nhập khẩu công nghệ, máy móc chế biến điều của Việt Nam để sản xuất trong nước.

img

Các doanh nghiệp sản xuất điều trong nước đang khốn khổ vì việc “chơi đểu” của các đối tác nước ngoài (ảnh minh họa). Ảnh: Q.H

“Chúng ta hiện nay đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu điều thô của các nước khu vực châu Phi. Nếu chúng ta cứ xuất khẩu công nghệ chế biến điều như hiện nay thì sắp tới ngành điều sẽ gặp phản ứng rất lớn. Chúng ta không độc quyền cung cấp công nghệ cho Việt Nam mà lại cung cấp cho các đối thủ trực tiếp và tiềm tàng thì ngành điều Việt Nam sẽ trắng tay chỉ còn là vấn đề thời gian” - ông Sơn nói.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất 
Thống kê của Vinacas, trong 4 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu điều sang thị trường Mỹ tiếp tục tăng trưởng ấn tượng với hơn 28,5 triệu tấn, đạt trên 220 triệu USD, tăng gần 9% về lượng và 18,65% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Đây cũng là thị trường xuất khẩu điều lớn nhất của Việt Nam.

Cũng theo ông Sơn, hiện nay ở châu Phi, cộng đồng người Trung Quốc và Ấn Độ rất lớn nên họ cũng có thể tự sản xuất điều tại châu Phi rồi xuất hàng về chính nước họ và nhập máy móc của Việt Nam để chế biến. Chưa kể, trong tương lai, các thị trường nhập khẩu điều nhân của Việt Nam như Mỹ, các nước châu Âu sẽ khắt khe hơn về an toàn thực phẩm - trong khi vấn đề này ở Việt Nam chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Thực tế, việc xuất khẩu công nghệ chế biến điều đã được cảnh báo từ rất nhiều năm nay. Mới đây, nhiều DN còn ký đơn gửi Chính phủ Việt Nam và Bộ NNPTNT đề nghị đưa công nghệ chế biến điều thành “bí mật công nghệ quốc gia” nhưng kiến nghị này vẫn chưa nhận được trả lời nào từ phía cơ quan chức năng. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lãng - nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam nói: Chỉ vì một mối lợi nhỏ trước mắt, nhiều cá nhân và tổ chức đang bán đi công nghệ độc quyền về ngành điều, góp phần phá hoại cả ngành điều Việt Nam trong tương lai…

Giành thế chủ động “làm chủ cuộc chơi”

Bên cạnh những nguy cơ tiềm ẩn đến từ “lục địa đen” và các nước Ấn Độ, Trung Quốc… các DN sản xuất điều trong nước cũng đang khốn khổ vì việc “lật kèo” của các đối tác nước ngoài. Đại diện một DN sản xuất điều tại Bình Phước nói, hiện tượng xù hợp đồng đang diễn ra ngày càng nhiều, đối tác bán điều nguyên liệu thường cứ đòi tăng 100-150USD/tấn mới giao hàng hoặc giao hàng chất lượng xấu mà không chịu bồi thường. Trong khi chúng ta đã chốt giá bán điều nhân với đối tác nên không thể điều chỉnh hợp đồng, dẫn đến thua lỗ.

“Nếu chúng ta không làm căng để chấm dứt tình trạng này thì người bán điều thô sẽ được thể làm mãi. Tôi kiến nghị Vinacas nên đoàn kết các DN trong nước để ổn định giá điều nhập khẩu, đồng thời tẩy chay những DN làm ăn không đàng hoàng” - đại diện này kiến nghị.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Thái Sơn nói, nguyên nhân giá nhập khẩu điều tăng chủ yếu do các DN Việt Nam ngay từ đầu vụ đã tranh nhau ký hợp đồng, đặt cọc trước với giá trị cao (khoảng 20% giá trị hợp đồng) mà không đưa ra một mức giá thống nhất, trong khi điều khoản hợp đồng lỏng lẻo, dẫn đến phía đối tác thường phá hợp đồng hay tìm cách trì hoãn hợp đồng để chờ giá lên cao. Chính vì vậy, các DN nhập khẩu điều Việt Nam cần đoàn kết cùng Vinacas làm chủ cuộc chơi điều tiết giá cả. Áp đặt giá mua tối đa và giá bán tối thiểu có thể xuất khẩu. Khoản đặt cọc trước khi mua hàng chỉ khoảng 5% nhằm giảm thiểu rủi ro.

Bên cạnh đó, đại diện các DN cũng kiến nghị trong các hợp đồng nhập khẩu điều, nên chuyển địa điểm phân xử khi có tranh chấp về Singapore để tạo thuận tiện cho các DN Việt Nam trong việc đi lại chứ hiện tại đi qua các nước châu Phi rất bất tiện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem