1 ký kết, cả nghìn doanh nghiệp ngành điều lo lắng

Minh Trung - Quốc Hải Thứ sáu, ngày 25/03/2016 06:29 AM (GMT+7)
Đại diện các doanh nghiệp (DN) sản xuất, chế biến điều (thành viên Vinacas) vừa gửi công văn kiến nghị Bộ NNPTNT và các cơ quan hữu quan kiến nghị về việc không chuyển giao công nghệ, máy móc chế biến điều cho các nước châu Phi.
Bình luận 0

Công văn này xuất phát từ việc Trường ĐH Bách khoa TP.HCM vừa ký kết văn bản hợp tác với Đoàn công tác Hội đồng Bông - Điều Bờ Biển Ngà, nhằm triển khai hoạt động hợp tác về nhân sự cũng như chuyển giao phương tiện máy móc giữa hai bên.

Canh cánh nỗi lo mất công nghệ

Theo ông Nguyễn Văn Lãng - nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), để Việt Nam trở thành một nước xuất khẩu hạt điều chế biến đứng đầu thế giới như hiện nay, một yếu tố quan trọng là nhờ chúng ta có được “bí quyết” công nghệ. Cụ thể, ưu điểm của công nghệ này là tách hạt lấy nhân, với tỷ lệ hạt vỡ và nhiễm dầu thấp nhất… Trong 20 năm qua, công nghệ này đã không ngừng hoàn thiện, nâng cấp và góp phần rất lớn cho sự phát triển của ngành điều Việt Nam.

img

Nếu mất bí quyết chế biến điều, nhiều doanh nghiệp sẽ đối diện với khó khăn. Ảnh: Q.H

“Thực tế ở các nước có nguồn nguyên liệu điều thô dồi dào, nhất là các nước khu vực châu Phi hiện đang rất “khát” công nghệ này. Nếu chúng ta đem xuất sang các nước châu Phi sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến các DN trong nước và đời sống của hàng trăm nghìn lao động”- ông Lãng nói. Cũng theo ông Lãng, Bờ Biển Ngà là nước có số lượng điều thô xuất khẩu cao hàng đầu thế giới, năm 2015 đã xuất bán ra nước ngoài 725.000 tấn điều thô, chiếm ¼ tổng sản lượng thế giới. Tuy nhiên thực tế năng lực chế biến điều của nước này chỉ 45.000 tấn/năm (6%) và đa phần điều thô xuất khẩu sang Việt Nam. “Nếu Bờ Biển Ngà có được công nghệ này thì chắc chắn các DN Việt Nam sẽ chết, trước mắt sẽ có khoảng 1.000 DN bị ảnh hưởng nghiêm trọng” - ông Lãng nói.

img

Không chỉ Bờ Biển Ngà, nhiều nước khu vực châu Phi cũng đang rất muốn công nghệ chế biến điều của Việt Nam. Ông Nguyễn Đức Thanh- Chủ tịch Vinacas cho biết đã nhiều lần từ chối đề nghị của các nước như Ấn Độ, Brazil, Nigeria, Mozambique, Tanzania… “Nhiều loại máy móc do Việt Nam chế tạo tốt không thua kém các nước trên thế giới, thậm chí có một  số tính năng vượt trội hơn. Ví dụ như máy bóc vỏ lụa của nước ta tỷ lệ hạt tróc vỏ cao hơn, thổi sạch hơn máy nhập từ Italia” - ông Thanh nói.

Trong khi đó, ông Lãng cũng khẳng định, hiện nay có trên 10 DN đang kinh doanh máy chế biến hạt điều, thậm chí có DN còn là thành viên của Vinacas nên nếu không chặn đứng tình trạng buôn bán công nghệ này ra nước ngoài, chỉ vài năm nữa ngành điều Việt Nam sẽ chẳng còn nằm trong danh sách những nước xuất khẩu điều lớn nhất thế giới.

“Bức tử” ngành điều?

Hiện nay, khoảng 70% lượng điều nhân xuất khẩu có nguồn gốc từ nguyên liệu nhập khẩu. Cách đây chưa lâu, tại Hội nghị giao thương hợp tác thương mại điều thô Việt Nam - Bờ Biển Ngà niên vụ 2016 ở TP.HCM, ông Nguyễn Đức Thanh cho biết năm 2015, sản lượng điều chế biến của Việt Nam đã vượt Ấn Độ. Tuy nhiên, việc ĐH Bách khoa TP.HCM ký kết hợp tác với Đoàn công tác Hội đồng Bông - Điều Bờ Biển Ngà để chuyển giao công nghệ đang dấy lên nỗi lo ngại về việc các nước xuất khẩu thô hạt điều sẽ không xuất thô sang Việt Nam nữa sẽ góp phần “bức tử” ngành chế biến điều trong nước vì vùng nguyên liệu của Việt Nam hiện chưa đáp ứng được 50% nhu cầu.

Liên quan đến vấn đề này, Hiệp hội Điều Việt Nam đã có áp lực đối với phía ĐH Bách khoa TP.HCM. Tuy nhiên, khi NTNN liên hệ với ông Mai Thanh Phong- Phó Hiệu trưởng phụ trách đối ngoại và hợp tác quốc tế, thì ông này cho biết đang bận họp và sẽ trả lời sau.

Đại diện các DN chế biến điều, ông Nguyễn Văn Lãng đề nghị Vinacas lập tức có văn bản kiến nghị Chính phủ các biện pháp cần thiết, kịp thời, nhanh chóng để ngăn chặn ngay tức khắc việc bán thiết bị, máy móc, chuyển giao công nghệ chế biến hạt điều cho các nước châu Phi. Đề nghị Vinacas và các tổ chức cá nhân ngừng ngay việc hợp tác với các nước châu Phi có vùng nguyên liệu hạt điều trong việc hỗ trợ, chuyển giao công nghệ chế biến điều và làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân trong việc tham mưu và tổ chức các hoạt động này... 

Đề nghị Chính phủ đưa công nghệ chế biến hạt điều vào danh mục bí mật quốc gia - không được xuất khẩu công nghệ dưới bất kỳ hình thức nào. Nếu không, trong thời gian tới chắc chắn doanh nghiệp chế biến điều của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh một lúc với nhiều đối thủ, kể cả những nước thua xa chúng ta về công nghệ chế biến điều”.

Ông Nguyễn Văn Lãng

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem